Với văn hóa đề cao hành động và sự linh hoạt trong quản lý, các trường đại học như VinUni có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu giáo dục chất lượng cao và phù hợp với thị trường lao động.
|
Trường Đại học VinUni - đại học tinh hoa và tư thục phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam, tọa lạc tại đại đô thị Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm, Hà Nội) |
Xu hướng tham gia của các tập đoàn đa quốc gia vào lĩnh vực giáo dục đại học đang ngày càng gia tăng. Theo nhận định của Tạp chí Times Higher Education, trong nhiều thập kỷ qua, xu hướng này đã trở nên rõ rệt với sự xuất hiện của nhiều trường đại học được thành lập và tài trợ bởi các tập đoàn lớn. Một số ví dụ tiêu biểu bao gồm Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang (POSTECH) tại Hàn Quốc, được thành lập vào những năm 1980 bởi tập đoàn thép Pohang, Đại học Công nghệ Petronas tại Malaysia do Tập đoàn Dầu khí Petronas sáng lập, và một trong những cái tên mới nổi gần đây nhất là VinUni được Vingroup, tập đoàn đa ngành lớn nhất Việt Nam, đầu tư.
Vingroup thành lập VinUni với mục tiêu trở thành một trường đại học xuất sắc, mang sứ mệnh đào tạo nhân tài cho tương lai. Trường đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Đại học Cornell và Đại học Pennsylvania, minh chứng cho cam kết về sự xuất sắc, đổi mới trong nghiên cứu và giảng dạy cũng như tạo ra sự khác biệt trên thế giới.
Times Higher Education nhận định, việc mở một trường đại học thường không tạo ra nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể được thúc đẩy bởi những động lực khác.
|
Giáo sư, bác sĩ David Bangsberg - nhà khoa học Y khoa hàng đầu thế giới đảm nhiệm vai trò Hiệu trưởng kiêm Viện trưởng Khoa học Sức khỏe, trường Đại học VinUni. |
Giáo sư Danh dự Philip Altbach thuộc Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế của Đại học Boston (Mỹ) nhận định: "Những trường đại học danh tiếng này thực sự nằm trong số các trường đại học tốt nhất, và là những cơ sở giáo dục tiên tiến nhất ở quốc gia của họ."
Theo các giáo sư, tiến sĩ tại những trường đại học này, điểm nổi bật của mô hình đại học do doanh nghiệp thành lập nằm ở sự linh hoạt và hiệu quả vượt trội so với các trường đại học công lập truyền thống. “Nhờ được giải phóng khỏi cỗ máy hành chính, những trường đại học này có thể tập trung vào sứ mệnh cốt lõi”, Times Higher Education bình luận.
Một ví dụ điển hình là trường ĐH VinUni. Tạp chí này dẫn lời GS. David Bangsberg, Hiệu trưởng trường Đại học VinUni, cho hay, văn hóa tại đây đề cao hành động. “Đội ngũ thi công tại VinUni hoàn thành công việc với tốc độ và hiệu quả mà tôi chưa từng chứng kiến trước đây. Toàn bộ khuôn viên trường, một công trình kiến trúc ấn tượng, đã được xây dựng chỉ trong vòng 14 tháng. So sánh với dự án trường y tế công cộng mới tại Mỹ mà tôi từng tham gia, việc xây dựng một tòa nhà mất đến 5 năm", ông Bangsberg dẫn chứng.
Ông chia sẻ thêm: "Hợp tác chặt chẽ với một tập đoàn đa quốc gia uy tín, chúng tôi được tiếp cận với các phương pháp quản lý và kế toán tài chính tiên tiến. Đó là một điều tuyệt vời”.
Một số học giả tin rằng các trường đại học có nguồn gốc từ doanh nghiệp có lợi thế trong việc đào tạo sinh viên có khả năng thích ứng với công việc, do khả năng kết nối chặt chẽ với thực tiễn và thị trường lao động.
Chẳng hạn như Đại học Sunway, nơi sinh viên có cơ hội thực tập tại tập đoàn Sunway và các tổ chức đối tác, giúp họ tích lũy kinh nghiệm thực tế và nâng cao khả năng tuyển dụng. Tuy nhiên, trường đại học không ưu tiên tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp vào Sunway, mà khuyến khích họ theo đuổi các cơ hội nghề nghiệp đa dạng.
“Nhìn chung, các trường đại học có nguồn gốc từ doanh nghiệp được đánh giá cao ở các nước có thu nhập trung bình, nơi hệ thống giáo dục công lập có thể gặp hạn chế. Nhờ nguồn lực tài chính dồi dào và sự linh hoạt trong quản lý, các trường đại học này có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu giáo dục chất lượng cao và phù hợp với thị trường lao động”, Times Higher Education nhận xét.
Theo tạp chí Anh, VinUni nổi lên như một ví dụ điển hình về nỗ lực đảm bảo tính bền vững. Giáo sư David Bangsberg cho hay, VinUni đang triển khai một chiến lược toàn diện bao gồm phát triển đa dạng nguồn thu, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp và thu hút tài trợ cho nghiên cứu.
"Tinh thần khởi nghiệp của chúng tôi mở rộng đến cả trường đại học", GS. Bangsberg chia sẻ. "Thách thức lớn nhất của chúng tôi có thể được ví như việc chế tạo một chiếc máy bay khi đang bay, tức là ưu tiên cho tính linh hoạt và khẩn trương thay vì dựa vào kế hoạch có sẵn”.
PV