Từ tình huống phát sinh
Dịch Covid-19 khiến không ít ngành nghề bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, cái khó ló cái khôn. Không ngồi chờ vào sự giúp đỡ, nhiều cá nhân có những hướng đi sáng tạo, khởi nghiệp. Trong đó, kinh doanh online đang là cơ hội cho họ thể hiện. Thực tế đã chứng minh, những người biết kinh doanh, tư duy quản lý và phát triển vẫn có thể thành công dù rơi vào bất cứ hoàn cảnh nào.
Làm bếp trưởng của một hệ thống nhà hàng lớn, sau khi nghỉ vì Covid-19, chồng chị Lê Ngọc Điệp (chung cư HH2A, Linh Đàm, Hà Nội) cùng một số người bạn thực hiện ý tưởng bán đồ ăn online. Có năng khiếu về các món ăn Singapore và món Thái, nhóm đầu bếp này lần lượt đưa ra các món ăn. Ban đầu, cả nhóm bán món ăn trên cộng đồng cư dân của 12 toà nhà và các khu vực lân cận thông qua hình thức đặt hàng online.
|
Sản phẩm từ kinh doanh online |
Món cháo ếch Singpore và một số đồ ăn từ ếch được nhiều người đánh giá cao. Để mở rộng kinh doanh, chị liên hệ với các ứng dụng gọi món như Grabfood, Goviet, Now,... Chị còn tìm thêm mặt bằng tại quận trung tâm để làm khu vực trung chuyển giao cho khách nhanh nhất.
“Chỉ bán online nhưng mình đang tìm một địa điểm thuê ở trung tâm để tiện giao cho khách. Từ nhà mình khu vực Linh Đàm đến trung tâm rất xa nên nhiều người ngại đặt mua cũng như giảm chất lượng thức ăn”, chị Điệp nói.
Dù khởi nghiệp ban đầu có nhiều vất vả và bỡ ngỡ nhưng chị Điệp tin rằng, các món ăn nhà mình sẽ được khách hàng ủng hộ thường xuyên nhờ ngon và đảm bảo chất lượng. Chị cũng có ý định đăng ký thương hiệu để phát triển công việc này lâu dài.
Chị Phạm Thu Hải (Hà Đông, Hà Nội) cũng đang khởi nghiệp với thương hiệu Bếp ông ngoại. Từ ý tưởng kinh doanh gạo ST24 cùng một số món ăn do gia đình bán cho những người thân, chị Hải càng quyết tâm mở rộng trước dịch Covid-19. Chị Hải xác định, công việc kinh doanh online này sẽ là xu thế và giúp cho gia đình chị có thêm một khoản thu nhập ổn định.
“Mình có nguồn gạo ST24 chuẩn và giá tốt nên có ưu thế trên thị trường. Bố mẹ nấu ăn cũng rất ngon nên, mình tin rằng sẽ được bạn bè ủng hộ”, chị cho hay. Hiện tại, chị Hải đang đảm nhiệm vị trí bán hàng, marketing sản phẩm. Để chuyên nghiệp trong việc kinh doanh, chị có thuê thiết kế logo, bao bì và kế hoạch chăm sóc khách hàng cụ thể.
Con nghỉ học ở nhà, chị Nguyễn Thị Hoa (Hoàng Mai, Hà Nội) thường xuyên phải dạy kèm con. Từ kinh nghiệm của mình, cùng với nhu cầu của hàng xóm, chị Hoa đang hướng tới dạy online. Theo chị Hoa, với sự hỗ trợ từ công nghệ như Zalo hay Skype, chị có thể hướng dẫn được các cháu học sinh tiểu học với nhiều bộ môn như Toán, Văn, Anh mà không phải đi lại nhiều.
“Nhiều bố mẹ không có thời gian cũng như kiến thức để hướng dẫn con làm bài tập, mình sẽ hỗ trợ. Ban đầu, mình đang thực hiện hỗ trợ miễn phí cho trẻ con khu chung cư. Nếu thành công, mình sẽ làm thêm công việc này để có một khoản thu nhập”, chị Hoa nói.
Hướng tới kinh doanh lâu dài
Kinh doanh online không còn là kiếm thêm mà đã trở thành một nghề mang lại thu nhập cho nhiều người. Lợi ích của kinh doanh online là nguồn vốn ít, tận dụng các kênh bán hàng trên mạng và các ứng dụng giao hàng, tiết kiệm tối đa chi phí.
Chị Nguyễn Thị Nga, chủ shop hàng nhập khẩu Nhật, cho hay, khó khăn lớn nhất vẫn là phải tìm được nguồn hàng ổn định và giá tốt. Đây là một trong những lợi thế để kinh doanh online lấy điểm người tiêu dùng. “Các mặt hàng mình bán đều đảm bảo 100% về chất lượng, không vì giá rẻ mà bán hàng trôi nổi. Niềm tin người mua quan trọng nhất”, chị Nga nói.
|
Xu hướng kinh doanh online nở rộ |
Theo chị Nga, khi mới đầu bán hàng online, phần lớn khách hàng là người quen, sau đó họ sẽ mua ít dần nên sản phẩm không tốt sẽ mất khách ngay lập tức. Để tiết kiệm chi phí, chị phải đi lại thường xuyên để lấy hàng và đi giao cho khách.
Để tiết kiệm chi phí anh Lưu Quang Pháp, chủ shop The Peace House, đã phải gửi hàng về Nam Định để gia công sản phẩm sau đó vận chuyển lên Hà Nội để bán và giao hàng đi toàn quốc. Dù mất công vận chuyển về quê, nhưng theo anh Pháp, đây là giải pháp giúp cho giảm chi phí.
Ở Hà Nội khó tìm đơn vị gia công sản phẩm mà giá thành lại cao, trong khi đó gửi về quê được gia đình hỗ trợ, anh tiết kiệm được một phần chi phí. Điều này giúp cho sản phẩm của shop luôn có mức giá cạnh tranh. Giảm chi phí cho khách mua, anh thường xuyên canh các dịp khuyến mại giảm giá giao hàng để chuyển đồ cho khách.
Nói về kinh nghiệm bán hàng online, anh Vũ Công Học, chủ shop cá Koi bác Hường, chia sẻ, thời gian đầu, bán hàng sẽ gặp khó khăn vì thiếu khách nên phải chịu khó chia sẻ trên các kênh, thậm chí phải bỏ tiền mua quảng cáo facebook.
Tuy nhiên, yếu tố sản phẩm vẫn quyết định sự thành công dù quảng cáo có nhiều tới đâu. Sau mỗi đơn hàng thành công, anh Học đều khuyến khích người mua đánh giá uy tín của shop và anh có cộng điểm thưởng cho khách hàng thường xuyên.
Theo đánh giá của các chuyên gia, bán hàng online vẫn đang và tiếp tục là xu hướng tăng mạnh trong 5 năm tới, khi thói quen mua hàng online của người Việt ngày càng gia tăng, nguồn hàng và các mặt hàng ngày càng phong phú. Dự đoán, Việt Nam sẽ là thị trường top 3 khu vực Đông Nam Á với những hệ thống kinh doanh online phát triển mạnh nhất trong 2 năm tới.
Người kinh doanh không thể đứng ngoài hay trông chờ vào may rủi, mà tự bản thân phải nắm bắt kiến thức mới, ứng dụng các công cụ và kỹ năng hiện đại để tham gia vào thương mại điện tử.
Theo Bảo Anh/ Vietnamnet