Thông tin này được Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA), nhấn mạnh tại hội thảo phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng, do NCA tổ chức ngày 13-5.
|
Thượng tướng Lương Tam Quang phát biểu tại hội thảo
|
Theo Thượng tướng Lương Tam Quang, hoạt động lợi dụng không gian mạng tiến hành phạm tội, nổi bật là lừa đảo trực tuyến gia tăng cả về phạm vi, quy mô với thủ đoạn tinh vi, là thách thức với mọi quốc gia. Thống kê trên thế giới cho thấy năm 2023, hoạt động lừa đảo trên mạng đã gây thiệt hại là 1.026 tỉ USD, tương đương 1,05% GDP toàn cầu.
Tại Việt Nam, trong năm 2023, các đối tượng tội phạm mạng trong và ngoài nước liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, triệt để lợi dụng công nghệ mới để tấn công, xâm nhập, lừa đảo quy mô lớn, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, đe dọa cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người dân.
Dẫn thống kê trên Cổng cảnh báo an toàn thông tin, Thượng tướng Lương Tam Quang cho biết cổng đã ghi nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390 ngàn tỉ đồng, tương đương 3,6% GDP. Trong đó 91% liên quan lĩnh vực tài chính, tăng 64,78% so với năm 2022, tỉ lệ người dùng nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%.
Qua công tác đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết hoạt động của các đối tượng phạm tội rất chuyên nghiệp, có tổ chức, phân công vai trò cụ thể.
Phương thức, thủ đoạn phạm tội rất tinh vi, sử dụng công nghệ deepface giả mạo người thân hoặc cơ quan chức năng gọi điện; kêu gọi đầu tư qua các sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo, chứng khoán. Bên cạnh đó, đối tượng mà tội phạm lừa đảo qua mạng hướng tới chủ yếu là nhóm người cao tuổi, sinh viên, người lao động có công việc không ổn định, thu nhập thấp, thậm chí cả trẻ em.
Nhấn mạnh phòng, chống lừa đảo qua không gian mạng đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, song Thượng tướng Lương Tam Quang cũng nêu rõ công tác này còn nhiều khó khăn khi hành lang pháp lý chưa điều chỉnh theo kịp với các vấn đề mới phát sinh.
Cùng với đó, quy trình xử lý các vụ việc lừa đảo còn tồn tại một số khó khăn, nhất là phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng để truy vết dòng tiền lừa đảo mất nhiều thời gian, hiệu quả thu hồi kém. Việc phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến cũng mất nhiều thời gian và hiệu quả chưa cao, thông tin cung cấp chậm và chưa xác định được địa chỉ IP của đối tượng khi dùng mạng qua 3G, 4G.
Lãnh đạo Bộ Công an cũng nhìn nhận nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực an ninh mạng thiếu hụt; vấn đề "sim rác", mua bán tài khoản ngân hàng tuy đã được tập trung xử lý, song vẫn còn tràn lan khiến hoạt động điều tra tội phạm gặp nhiều khó khăn.
Qua rà soát, Thượng tướng Lương Tam Quang cho biết các kênh bán sim không chính chủ qua đại lý, các trang thương mại điện tử, trang mạng xã hội vẫn diễn ra phổ biến, dễ dàng tiếp cận mua với số lượng lớn; các kênh chợ đen, Facebook, Telegram, Twitter... buôn bán hàng ngàn tài khoản ngân hàng với giá thấp, dễ tiếp cận từ 200.000 đồng.
"Những khó khăn, vướng mắc trong phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng đặt ra yêu cầu cấp thiết trao đổi, thảo luận thẳng thắn giữa các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân, đánh giá toàn diện, làm rõ nguyên nhân, thống nhất xác định giải pháp tháo gỡ triệt để trong thời gian tới"- Thượng tướng Lương Tam Quang nhấn mạnh.
Tại hội thảo, lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Thông tin và Truyền thông đã nêu thực trạng lừa đảo trên không gian mạng hiện nay và đề xuất các giải pháp phòng, chống thời gian tới.
Theo Minh Chiến/NLD