Theo BCTC quý 3/2024, doanh thu của Hòa Phát đạt 34.300 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 3.022 tỷ đồng, tăng 51%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Hòa Phát ghi nhận 105.329 tỷ đồng doanh thu, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023 và thực hiện 75% kế hoạch năm 2024; lợi nhuận sau thuế đạt 9.210 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ và thực hiện 92% kế hoạch lợi nhuận năm.
Trong quý 3, dòng tiền của Hòa Phát giảm mạnh, khi lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền còn chưa đến 25.000 tỷ đồng. Đây là mức thấp nhất của Hòa Phát trong 15 quý kể từ đầu năm 2021, do lãi suất thấp làm hụt nguồn thu từ lãi tiền gửi. Doanh thu từ tiền gửi chỉ đạt 256 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ và thấp nhất từ đầu năm 2021.
|
Chủ tịch Trần Đình Long. |
Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của Hòa Phát theo báo cáo là 211.386 tỷ đồng, tăng thêm 12,5% so với hồi đầu năm nay. Trong đó, đầu tư tài chính ngắn hạn giảm còn 16.386 tỷ đồng. Hàng tồn kho cũng tăng thêm 16,5% đạt 40.198 tỷ đồng.
Tổng nợ của Hòa Phát tăng thêm 17,2% so với hồi đầu năm, lên mức 99.607 tỷ đồng. Trong đó, vay tài chính của đạt gần 79.000 tỷ đồng, tăng 6.000 tỷ so với cuối quý 2, trong đó nợ dài hạn tăng mạnh lên 24.500 tỷ đồng. Đây là mức dư nợ vay dài hạn cao nhất của Công ty, chủ yếu dành cho việc phát triển Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2.
Dự án này xây dựng trên diện tích đất 700 ha, đã khởi công từ 2022 với tổng vốn đầu tư cố định khoảng hơn 3 tỷ USD.
Doanh nghiệp cho biết đã chi hơn 28.200 tỷ đồng cho các dự án kể từ đầu năm (chưa bao gồm thuế cho các hoạt động đầu tư). Trọng số giải ngân lớn nhất là Dung Quất 2, dự án này được tài trợ 50% bởi khoản vay hợp vốn với sự tham gia của 8 ngân hàng và còn lại là vốn tự có của doanh nghiệp.
Đến cuối quý 3/2024, ông lớn ngành thép đã rót hơn 52.000 tỷ đồng vào dự án Dung Quất 2, tăng hơn 10.000 tỷ đồng sau 1 quý.