Tại cuộc họp báo chiều ngày 13/9, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố đã nỗ lực phòng chống dịch và ghi nhận những tín hiệu đáng mừng, tích cực.
Tuy nhiên, để đảm bảo kết quả cho việc phòng chống dịch của thành phố bền vững hơn, sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên toàn thành phố theo tinh thần Chỉ thị 16, dự kiến đến cuối tháng 9.
|
TP HCM giãn cách đến cuối tháng 9/2021. (Ảnh: Zing.vn). |
Doanh nghiệp “thoi thóp” vì dịch
Theo Cục Thống kê TP HCM do tác động của dịch COVID-19, các ngành kinh tế, công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ và cả ngành nông nghiệp đều bị ảnh hưởng rất mạnh và có chiều hướng giảm sâu. Hoạt động của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn.
Trong nước, hàng chục nghìn doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động. Hàng trăm nghìn lao động tại các doanh nghiệp đều phải mất việc làm và quan trọng là nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông xuất khẩu hàng hóa là rất lớn nếu như không có những giải pháp ứng phó một cách toàn diện, mạnh mẽ và kịp thời.
|
Nhiều doanh nghiệp đang "thoi thóp" vì đại dịch. (Ảnh minh họa). |
Số liệu của Cục Thống kê TP HCM cho thấy, số lượng giấy phép và vốn đăng ký cấp mới của doanh nghiệp trong 15 ngày đầu tháng 8/2021 đạt mức rất thấp, chỉ có 265 doanh nghiệp thành lập với vốn đăng ký là 6.646 tỷ đồng, so với tháng cùng kỳ năm trước thì số giấy phép giảm đến 85,5% và số vốn cũng giảm 95,4%.
Ở góc độ một nhà phát triển bất động sản, chia sẻ với truyền thông, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, nhận định doanh thu bán hàng sụt giảm nghiêm trọng trong khi chi phí đầu vào tăng dẫn đến hiệu quả hoạt động sẽ bị giảm sâu.
"Năm nay, việc đạt được 50% kế hoạch đề ra là sự nỗ lực không đơn giản của các doanh nghiệp bất động sản", bà Hương nhận định.
Các doanh nghiệp vận tải cho thuê xe tự lái cũng đang điêu đứng trong mùa dịch. Theo đại diện Hội thuê xe tự lái Ibookcar tại TP HCM, đợt dịch lần thứ 4 này ảnh hưởng nặng nhất từ trước đến nay. Lượng khách gần như bằng không. Hiện tại, các nhà xe trong hội đều đang rất hoang mang vì lượng khách không có mà phải tốn rất nhiều chi phí để duy trì hoạt động cho doanh nghiệp.
Những doanh nghiệp có lượng xe lớn, mua trả góp, phải trả lãi ngân hàng hàng tháng, như “ngồi trên lửa”. Tiếp đến là các chi phí khác như: tiền thuê mặt bằng, nhân viên, điện, nước... đang trở thành gánh nặng ngày càng lớn.
Giữa khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, hồi giữa tháng 7/2021, TP.HCM đã triển khai mô hình “3 tại chỗ” với các doanh nghiệp đảm bảo đủ điều kiện quy định về phòng chống dịch. Thế nhưng sau một thời gian duy trì mô hình này, nhiều doanh nghiệp đã "đuối" nên đành phải giảm quy mô hoặc tạm ngưng sản xuất vì rớt đơn hàng.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM Chu Tiến Dũng cho biết, mô hình sản xuất “3 tại chỗ” là bố trí mặt bằng về ăn nghỉ; hạ tầng cho người sinh sống tại nhà máy; bố trí ăn, ở, nấu nướng đảm bảo phòng cháy chữa cháy. Đồng thời, chuỗi cung ứng, kho bãi, hệ sinh thái sản xuất đang bị đứt gãy nghiêm trọng vì không đồng bộ, các phương tiện vận tải lưu thông hàng hóa mỗi địa phương có quy định kiểm soát khác nhau làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn.
TS Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) nhận định, dịch COVID-19 đã khiến các chuỗi cung ứng bị đứt đoạn, nguồn thu của nhiều doanh nghiệp bị hạn chế do khách hàng hủy hợp đồng, chưa thu được khoản phải thu...
Doanh nghiệp “hồi sức” bằng cách nào?
Theo các chuyên gia kinh tế, nhằm góp phần giữ ổn định tăng trưởng kinh tế, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh trước và sau dịch trong nước nói chung, TP HCM nói riêng, cần ưu tiên trở lại làm việc trước hết cho người lao động và phải tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho toàn bộ lực lượng lao động tại các doanh nghiệp sản xuất. Tiếp tục tuân thủ 5K tại nhà máy/nơi làm việc, nơi ở.
Ngoài ra, các doanh nghiệp phải thay đổi mô hình kinh doanh theo hướng vừa trực tiếp nắm khách hàng, vừa ít tiếp xúc với họ nhưng vẫn có thể hiểu rõ, đáp ứng, phục vụ và chăm sóc sau bán hàng. Đẩy mạnh các mặt hàng sản xuất lên các sàn thương mại điện tử.
Hơn hết, doanh nghiệp cần phải có sự tái cấu trúc về chi phí cũng như cơ cấu vốn theo hướng an toàn và ít rủi ro. Những chi phí thừa, không cần thiết, thiếu hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh cần loại bỏ.
Bên cạnh đó, mỗi địa phương ở TP HCM cần căn cứ vào đặc thù của mình để điều chỉnh một vài yêu cầu sao cho doanh nghiệp phát huy được sự chủ động, khắc phục được hạn chế và tận dụng được lợi thế, nguồn lực của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty CP bất động sản Asian Holding cho biết, vì không biết đến bao giờ COVID-19 biến mất hoàn toàn nên doanh nghiệp của ông đã lên kế hoạch dài hạn để có thể sống chung với dịch. Theo đó, tất cả công việc họp giao ban, tiếp thị cho khách hàng, bán hàng… đều được thực hiện qua kênh online.
|
Nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch vực dậy trước và sau dịch. (Ảnh minh họa). |
Trong văn bản kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19 trên địa bàn được TP HCM ban hành vừa qua, TP.HCM cũng đã đưa ra 4 nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gồm: Giải pháp hỗ trợ về tín dụng; giải pháp hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và chăm lo đời sống người lao động; giải pháp hỗ trợ mở rộng thị trường; giải pháp hỗ trợ về thông tin, đào tạo nguồn nhân lực.
Thực tiễn, dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khiến tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu tăng lên. Dù các ngân hàng triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi nhưng nhu cầu khách hàng sụt giảm, nhiều doanh nghiệp chưa có phương án chuyển đổi sản xuất, kinh doanh hiệu quả nên chưa mặn mà với việc vay vốn.
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp mới hoạt động, tài sản bảo đảm chưa có, phương án kinh doanh chưa hiệu quả nên không thể chứng minh năng lực với ngân hàng, do đó việc giải ngân rất khó được thực hiện.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, để giải quyết những khó khăn trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp, cần xây dựng một tổ hợp tín dụng dưới sự chủ trì của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngoài ra, các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay phải đưa ra kế hoạch cụ thể, giảm bao nhiêu, tiêu chí như thế nào và phải công khai dư luận.
Khánh Hoài