Thị trường chứng khoán thăng hoa với chỉ số VNIndex đã vượt đỉnh lịch sử 10 năm trước và thiết lập mức cao nhất từ trước tới nay ở trên 1.170 điểm. Đóng góp vào bức tranh này có công không nhỏ của nhóm cổ phiếu ngân hàng – cổ phiếu vẫn được mệnh danh là "vua" trên thị trường.
Chính bởi nền tảng vô cùng có lợi đó nên nhiều ngân hàng đang gấp rút kế hoạch lên sàn. Những cái tên đáng chú ý thời gian tới bao gồm TPBank và Techcombank, sau khi HDBank đã chào HoSE thành công hồi đầu năm.
Trong khi Techcombank chưa có những biến chuyển mới ngoài việc trình và được cổ đông thông qua hôm 3/3 về việc niêm yết trên HoSE thời gian tới, thì TPBank đã có định hướng rõ ràng khi ngân hàng đã được HoSE chấp thuận cho niêm yết 555 triệu cổ phiếu trong những ngày cuối tháng 3. Theo đánh giá của giới quan sát, với đà này thì rất có thể ngay đầu quý 2 thị trường sẽ được chào đón "tân binh" TPB.
Trên sàn OTC hiện nay, cổ phiếu TPB được chào mua chào bán (mặc dù cổ phiếu này đã tạm ngưng giao dịch để chờ lên sàn từ hôm 21/3) ở quanh mức 28.000 – 30.000 đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với chưa đầy 1 năm trước. Và câu hỏi nhiều người quan tâm lúc này là TPB sẽ chào sàn với giá bao nhiêu là hợp lý.
Theo Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần (P/B) tại thời điểm 31/12/2017 của cổ phiếu TPB đạt khoảng 11.429 đồng/cổ phần. Các ngân hàng được lựa chọn để tham chiếu so sánh là những ngân hàng niêm yết và có vốn hóa trên 1 tỷ USD, có ACB, BID, HDB, VCB và VPB, và tại thời điểm ngày 01/3/2018, P/B của các ngân hàng này bình quân là 3,34. Trên cơ sở đó, SSI tính toán giá cổ phiếu của TPB khoảng hơn 38.000 đồng.
Cũng vẫn các ngân hàng trên làm tham chiếu để tính toán, giá trị lợi nhuận trên mỗi cổ phần EPS của TPB cuối năm 2017 đạt 1.649 đồng/cổ phần. Mức P/E cơ bản bình quân của 5 ngân hàng trên ở mức 20.674 đồng, và TPBank được tính toán có giá tham chiếu khoảng 34.091 đồng.
Dựa trên hai phương pháp tính giá theo P/B và P/E, công ty chứng khoán SSI cho rằng cổ phiếu của TPB tham chiếu ở vùng từ 34.000 – 38.000 đồng, và bình quân hai phương pháp này thì giá cổ phiếu rơi vào 36.132 đồng. Mức giá này đều đang cao hơn so với giao dịch trên thị trường của TPBank.
Tất nhiên việc tính toán giá của các công ty chứng khoán và các nhà tư vấn cho doanh nghiệp thường không chính xác là mức giá mà cổ phiếu sẽ chào sàn, nhưng đó cũng là cơ sở để HĐQT ngân hàng xem xét, đưa ra mức giá hợp lý nhất với cả cổ đông lẫn thị trường.
Chẳng hạn như HDBank trước khi lên sàn được nhà tư vấn là Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) định giá khoảng 38.000 – 39.000 đồng/cổ phiếu nhưng sau đó lãnh đạo ngân hàng lại chọn con số 33.000 đồng để "cổ phiếu lên sàn là cổ đông có lãi ngay". Nhưng VPBank lên sàn giá 39.000 đồng thì đúng bằng giá mà công ty chứng khoán Bản Việt tính toán với vai trò là nhà tư vấn. Hoặc như BID của BIDV được khuyến nghị lên sàn giá 20.000 đồng nhưng ngân hàng lại lựa chọn mức 18.700 đồng cho ngày chào sàn đầu tiên.
Mức giá nào là phù hợp chắc chắn phải được ngân hàng và nhà tư vấn tính toán kỹ. Tuy nhiên theo nhận định của giới đầu tư, thì TPB sẽ khó mà có giá dưới 30.000 đồng.
Theo cafef