Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có thông báo kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc xin và thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại TPHCM. Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2020 – 31/12/2021. Theo đó, cơ quan thanh tra đã phát hiện hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đấu thầu tại một số gói thầu, đồng thời một số gói thầu có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh, mua bán qua nhiều khâu trung gian để nâng giá bán cao bất thường, cần phải xem xét để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, có 4 nhà thầu cung cấp một số loại trang thiết bị y tế thuộc các gói thầu do Sở Y tế TPHCM làm chủ đầu tư, có giá trúng thầu cao bất thường so với giá vốn nhập khẩu. Điển hình là mặt hàng máy X-quang di động DR (hãng Philips, Hà Lan sản xuất) do Công ty TNHH thương mại và công nghệ kỹ thuật TNT trúng thầu thuộc gói thầu số 03. Kết quả xác minh cho thấy giá trúng thầu cao gấp 4,67 lần so với giá vốn nhập khẩu (bao gồm giá CIF và các loại thuế, phí khi nhập khẩu), với giá trị chênh lệch gần 19 tỷ đồng.
Hay, Công ty TNHH Vật tư và trang thiết bị y tế Hà Thành trúng thầu máy X-quang di động DR với giá cao gấp 2,28 lần so với giá vốn nhập khẩu, với giá trị chênh lệch hơn 5,97 tỷ đồng. Công ty CP kỹ thuật và thiết bị y tế Sài Gòn trúng thầu máy chạy thận nhân tạo với giá cao gấp 2,24 lần, với giá trị chênh lệch hơn 5,58 tỷ đồng. Công ty TNHH Quốc tế Việt Nam Ấn Độ trúng thầu đèn đặt nội khí quản có camera với giá trúng thầu cao gấp 3,79 lần, với giá trị chênh lệch hơn 1,57 tỷ đồng.
|
TPHCM: “Ông lớn” Phương Đông, TNT… có dấu hiệu “nâng giá” các gói thầu chống dịch? (Ảnh minh họa: Các túi thuốc dành cho F0 tại nhà kèm hướng dẫn chi tiết. Nguồn: HCDC). |
Tương tự, một số gói thầu mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm và thuốc chữa bệnh Covid-19 có sự mua bán qua nhiều khâu trung gian, có chênh lệch lớn giữa giá trúng thầu với giá vốn nhập khẩu, hoặc giá bán của nhà sản xuất đối với hàng hóa sản xuất trong nước.
Đơn cử, gói thầu Mua sắm kit hóa chất dùng trong xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp PCR do Bệnh viện Nhi Đồng 1 làm chủ đầu tư. Trong đó, sản phẩm kit Realtime PCR-Allplex Sars-CoV-2 Assay, code: RV10248X do Công ty TNHH Thiết bị Y tế Phương Đông là nhà thầu trúng thầu, có giá trúng thầu cao gấp 2,52 lần so với giá vốn nhập khẩu, với giá trị chênh lệch 6,69 tỷ đồng. Cũng tại Bệnh viện Nhi đồng 1, tại gói thầu Mua sắm vật tư tiêu hao, hóa chất phục vụ cho xét nghiệm Realtime PCR, Công ty Thiết bị Y tế Phương Nam trúng thầu sản phẩm kit tách chiết Virus RNA và DNA đồng thời với giá cao gấp 6,80 lần, giá trị chênh lệch hơn 1,86 tỷ đồng.
Trong gói thầu Mua thuốc Generic điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà (lần 1) do Bệnh viện Nhi Đồng 1 làm chủ đầu tư, đối với mặt hàng thuốc Xelostad 10mg, bệnh viện mua 300.000 viên của Công ty CP Gonsa với đơn giá 35.000 đồng/viên. Tuy nhiên, Công ty CP Gonsa mua lại thuốc của Công ty TNHH GSPHARM với đơn giá 21.000 đồng/viên; thuốc do Công ty TNHH liên doanh Stellpharm - chi nhánh 1 sản xuất; Công ty TNHH GSPHARM cũng là một đơn vị trung gian. Như vậy, chỉ tính một khâu trung gian mua, bán của nhà thầu Công ty CP Gonsa, trong thời gian rất ngắn (5 ngày) số tiền chênh lệch do tăng giá là 4,2 tỷ đồng…
Tiếp đó, tại gói thầu Mua sắm 20.000 test xét nghiệm chống dịch Covid-19 lần 1 theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, gói thầu Mua sắm sinh phẩm-hóa chất xét nghiệm điều trị và phòng dịch năm 2021 theo hình thức chỉ định thầu rút gọn và gói thầu Mua sắm sinh phẩm-hóa chất xét nghiệm-hóa chất sát khuẩn và ôxy y tế cho phòng, chống dịch năm 2021 do Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới làm chủ đầu tư cho thấy:
Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Kiến Đức là đơn vị trúng thầu và cung cấp vật tư, hóa chất tại các gói thầu trên. Kết quả xác minh cho thấy, sản phẩm LC Multi RNA Virus Master 200 có giá trúng thầu cao gấp 2,61 lần so với giá vốn nhập khẩu, với giá trị chênh lệch hơn 4,48 tỷ đồng; sản phẩm LightMix Modular Wuhan CoV RdRP-gen, giá trúng thầu cao gấp 2,84 lần so với giá vốn nhập khẩu, với giá trị chênh lệch hơn 1 tỷ đồng; sản phẩm LightMix SarbecoV E-gene plus EAV control, giá trúng thầu cao gấp 2,89 lần so với giá vốn nhập khẩu, với giá trị chênh lệch 14,88 tỷ đồng. Tổng số tiền chênh lệch lên tới hơn 20,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, TTCP cũng chỉ rõ, có 2 gói thầu mua khẩu trang y tế, trang phục phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) làm chủ đầu tư đã xác định giá gói thầu trái quy định. Việc thực hiện gói thầu có dấu hiệu vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại số tiền 6,32 tỷ đồng.
Cùng đó, tại 2 gói thầu mua sinh phẩm xét nghiệm do Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp làm chủ đầu tư cũng có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây thiệt hại ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, số tiền thiệt hại nhỏ, chưa đủ cơ sở để kiến nghị xử lý hình sự nên TTCP kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo xử lý trách nhiệm những người liên quan.
Mặt khác, tại các gói thầu: Mua sắm bộ trang phục phòng, chống dịch cấp 1 năm 2021 và Mua sắm bộ trang phục phòng, chống dịch cấp 1 năm 2021 lần 2 do Bệnh viện Từ Dũ làm chủ đầu tư; gói thầu Mua sắm vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống và điều trị dịch Covid-19 lần 10 năm 2021 do Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM làm chủ đầu tư, TTCP phát hiện nhà thầu Công ty BBA và Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu BNC có dấu hiệu thông thầu, vi phạm quy định của Luật Đấu thầu năm 2013.
Từ đó, TTCP chuyển hồ sơ 2 vụ việc có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM đến Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định. Cùng đó, chuyển thông tin các vụ việc có dấu hiệu vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, các vụ việc có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh để nâng giá bán cao bất thường đến Bộ Công an để xem xét, xử lý theo quy định.
Tìm hiểu về pháp lý doanh nghiệp cho thấy, Công ty TNHH Thiết bị Y tế Phương Đông được thành lập vào ngày 27/11/2000, Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Xuân Thành, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại tầng 4, tòa nhà D1, ô đất CT2, Khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác; chi tiết: Buôn bán kinh doanh trang thiết bị y tế, thiết bị môi trường, dụng cụ và hoá chất thí nghiệm…
Công ty TNHH Thiết bị Y tế Phương Đông là cái tên không xa lạ với công luận sau tai tiếng “thổi giá” thiết bị Covid-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội (CDC Hà Nội) – vụ việc khiến ông Nguyễn Nhật Cảm, nguyên Giám đốc CDC Hà Nội và một nhân viên công ty này dính vòng lao lý.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng liên quan đến việc “cho mượn” hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR tại TP Hải Phòng trong thời gian chưa hoàn tất thủ tục mua sắm thiết bị hay tặng trang thiết bị cho các bệnh viện lớn… Thậm chí, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị Y tế Phương Đông từng bị cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam, nhưng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ra quyết định không phê chuẩn.
Trong lịch sử đấu thầu, Công ty TNHH Thiết bị Y tế Phương Đông đã tham gia 1.035 gói thầu, trong đó trúng 947 gói, trượt 27 gói, 51 chưa có kết quả, 10 gói đã bị huỷ. Tổng giá trị trúng thầu là hơn 3.790 tỷ đồng.
Trong khi đó, Công ty TNHH thương mại và công nghệ kỹ thuật TNT được thành lập ngày 15/3/2006, hoạt động chính trong lĩnh vực bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác; chi tiết: Bán buôn máy móc, thiết bị y tế; bán buôn máy công cụ điều khiển bằng máy vi tính; xuất khẩu, nhập khẩu trang thiết bị y tế; mua bán trang thiết bị y tế... Doanh nghiệp này do ông Lê Hải Trọng, Tổng Giám đốc công ty kiêm người đại diện theo pháp luật; có địa chỉ trụ sở chính tại số 5-A2, Nguyễn Khánh Toàn, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.
Theo thống kê, Công ty TNHH thương mại và công nghệ kỹ thuật TNT đã tham gia 295 gói thầu, trong đó trúng 226 gói, trượt 44 gói, 20 chưa có kết quả, 5 gói đã bị huỷ. Tổng giá trị trúng thầu là hơn 1.224 tỷ đồng.
Liên Hà Thái