TP.HCM: Xử phạt hơn 1.500 nhà trọ, chung cư vi phạm an toàn phòng cháy

Google News

Sau vụ cháy chung cư mini nghiêm trọng tại Hà Nội, công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, nhất là tại các khu dân cư được người dân Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm.

TP.HCM: Xu phat hon 1.500 nha tro, chung cu vi pham an toan phong chay
 Hướng dẫn thực tập sử dụng bình cứu hỏa cá nhân dập tắt đám cháy tại các chung cư ở TP.HCM (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Sau vụ cháy chung cư mini nghiêm trọng tại Hà Nội, công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, nhất là tại các khu dân cư được người dân Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm.
Công an thành phố yêu cầu các đơn vị, tổ chức tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản của nhân dân.
Đây là thông tin được Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tại cuộc họp cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế-xã hội và phòng, chống dịch do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, chiều 29/8.
Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, công tác tổng rà soát, kiểm tra đối với nhà chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê để ở có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn được thực hiện hết sức khẩn trương, nghiêm túc, đầy đủ theo các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy và trực tiếp từ Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Ngô Minh Châu.
Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn, Cứu hộ, cùng công an quận, huyện và thành phố Thủ Đức tham mưu ban hành kế hoạch và đồng loạt ra quân tổng rà soát, kiểm tra trên địa bàn quản lý; bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định.
Theo đó, các đơn vị chức năng đã tổ chức kiểm tra hơn 10.000 cơ sở nhà trọ, nhà cho thuê, chung cư…; phát hiện xử lý 1.541 cơ sở vi phạm quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy, với tổng số tiền phạt hơn 2,4 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động 3 cơ sở và tạm đình chỉ hoạt động 3 cơ sở.
Ngoài ra, 4 cơ sở bị xử lý trong lĩnh vực xây dựng, 41 cơ sở bị xử lý trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, 161 cơ sở bị xử lý trong đăng ký thường trú, tạm trú.
Ngày 13/9, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi văn bản yêu cầu các sở ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước, ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao tăng cường công tác an toàn Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn, Cứu hộ.
Trong đó, ưu tiên kiểm tra các cơ sở nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê..., hoàn thành trong tháng 10.
Trong quá trình kiểm tra, các đơn vị nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng quy định phòng cháy, chữa cháy, kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Thông tin thêm về nguy cơ cháy nổ của xe đạp điện, xe máy điện, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết đây là những loại phương tiện lưu thông phổ biến, nhiều vụ cháy nổ liên quan đến xe điện đã xảy ra.
Ba nguyên nhân chính dẫn đến cháy nổ gồm tâm lý chủ quan và thói quen sạc qua đêm không có người trông coi của người sử dụng phương tiện; sạc xe ngay sau khi sử dụng lúc pin còn nóng; mua sắm phương tiện giá rẻ không đảm bảo chất lượng.
Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, xe điện sử dụng nhiều loại ắc quy, pin như ắcquy chì acid, ắcquy khô, pin acid chì, pin niken hidrua kim loại, pin lithium ion, pin nickel-cadmium, trong đó phổ biến nhất là loại pin lithium ion.
Loại pin này khi cháy, nổ sẽ khó dập tắt bằng bình cứu hỏa thông thường do các phản ứng hóa học bên trong pin.
Công an Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân trong quá trình sạc cho xe máy, xe đạp điện, các tủ điện, thiết bị điều khiển và cấp nguồn cho trạm sạc cần đặt ở nơi khô ráo, ngăn cách với khu vực có nguồn lửa, nguồn nhiệt.
Ngoài ra, người dân cần bố trí vị trí sạc cho xe điện ngăn cách với khu vực để xe sử dụng động cơ khác bằng hành lang, lối đi hoặc không gian trống không có tải trọng cháy.
Khi sạc điện, người dân không để xe, ắcquy, pin, bộ sạc bên trên hoặc gần các vật dụng, hàng hóa dễ chảy, nổ gần nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa sinh nhiệt.
Quá trình sạc điện phải có người thường trực, thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý ngay khi có sự cố; bố trí cầu dao điện, áptômat, cầu chì... tại tủ điện cấp nguồn cho xe điện đảm bảo đóng ngắt bằng tay khi xảy ra sự cố cháy, nổ. Đặc biệt, người dân không nên sạc điện xe qua đêm./.
Theo Hồng Giang/Vietnamplus