Trại gà chục tỷ của thầy giáo và lời khuyên để không bị “sập”

Google News

Là giáo viên, nhưng anh Đoàn Văn Lới cũng gắn bó với nghề nuôi gà đẻ trứng hơn 10 năm nay. Từng có phen trắng tay, anh lại vay vốn gần 1 tỷ đồng để gây dựng lại.

Nghề nuôi gà đẻ trứng bấp bênh nhưng tới nay anh đã có trong tay tiền tỷ nhờ bí quyết để không bị “sập” hay rơi vào “số đen”.
Trai ga chuc ty cua thay giao va loi khuyen de khong bi “sap”
Anh Đoàn Văn Lới vừa là giáo viên kiêm chủ trại gà mỗi ngày cung cấp ra thị trường gần 3 vạn quả trứng an toàn. 
Nuôi cút sa sút chuyển sang nuôi gà
Vốn là một giáo viên, hơn 10 năm trước anh Đoàn Văn Lới (ở xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) tiếp quản khu trang trại từ bố anh khi nghề nuôi chim cút đã có phần sa sút nên quyết định chuyển sang nuôi gà Ai Cập đẻ với quy mô ban đầu 10.000 con.
Gà Ai Cập hơn gà đỏ công nghiệp siêu trứng ở chỗ trứng ngon hơn, thơm hơn, còn tất cả các yếu tố khác đều thua như tỷ lệ đẻ thấp hơn, tỷ lệ hao nhiều hơn, chống chịu bệnh kém hơn, quả trứng nhỏ hơn...
Trai ga chuc ty cua thay giao va loi khuyen de khong bi “sap”-Hinh-2
Từng nhiều phen lao đao nhưng anh Lới vẫn kiên trì bám nghề nuôi gà đẻ trứng và gặt hái thành công. 
Chấp nhận thua thiệt nhiều thứ để đổi lại một thứ là vượt trội về chất lượng trứng của con gà Ai Cập, năm 2012, anh Lới quyết định đầu tư gần 2 tỉ đồng - số tiền rất lớn hồi ấy để mở một trại, trong đó khoảng ½ là vốn tự có, ½ là vốn vay gồm thế chấp 1 sỏ đỏ để lập phương án vay Quỹ Khuyến nông TP Hà Nội 300 triệu đồng và thế chấp 2 sỏ đỏ để vay Ngân hàng NN&PTNT 800 triệu đồng.
Sau mấy năm ăn nên làm ra, muốn mở rộng sản xuất, anh đã vay tiếp lần thứ hai từ Quỹ Khuyến nông TP Hà Nội 300 triệu đồng. Và gần đây nhất, khi quy mô được đẩy lên 30.000 con gà, anh lại vay lần thứ ba từ Quỹ Khuyến nông TP Hà Nội 500 triệu đồng.
Nghề thăng trầm và bí quyết để không bị “sập”
Nghề nuôi gà đẻ có quá nhiều thăng trầm, đỉnh điểm là đợt dịch cúm gia cầm H5N1 hơn 10 năm về trước. Lúc đó chính sách chung của cả nước là khoanh vùng rộng, tiêu hủy để dập dịch, không cho lưu thông trứng cũng như bất cứ sản phẩm nào khác của gia cầm.
Thị trường bị “đóng băng” dài hạn nên lúc ấy cứ 10 trang trại chăn nuôi gia cầm thì 7 - 8 trang trại bị phá sản. Kiên trì và tâm huyết với nghề đã giúp cho anh vượt qua được đận gian khó đó, kinh tế dần dần vực lại được. Vài năm gần đây nhờ giá trứng khá tốt, anh đã tích lũy được cỡ dăm tỉ đồng.
6 chuồng gà của anh Lới ở 2 khu khá gần nhau, thiết kế hiện đại và khép kín với hệ thống giàn mát, quạt tản nhiệt, ăn tự động, uống tự động, tổng đầu tư lên đến 10 tỉ đồng. Nét đặc biệt hiếm thấy là tuy nuôi gà kiểu công nghiệp, tập trung với số lượng lớn nhưng anh lại không dùng kháng sinh nhờ vào hai yếu tố chính là nước uống sạch và công nhân chăm sóc tốt.
Trai ga chuc ty cua thay giao va loi khuyen de khong bi “sap”-Hinh-3
Dù có nhiều thăng trầm nhưng nghề nuôi gà đẻ trứng vẫn phát triển mạnh ở xã Phúc Lâm. 
Nhờ được tiêm vacxin đầy đủ, ăn sạch, uống sạch, sống trong môi trường trong lành nên gà ít mắc bệnh. Khi có một số con chẳng may bị bệnh thì anh chấp nhận loại bỏ chứ không cố chạy chữa bằng thuốc kháng sinh. Bởi thế mà ngay cả anh em bán vacxin của các công ty thuốc hay kỹ thuật của các công ty cám mỗi dịp đến trại đều tranh thủ mua trứng ăn hay để biếu người quen. Mỗi ngày trại của anh Lới xuất ra gần 3 vạn quả trứng an toàn.
Hơn 10 năm lăn lộn với nghề nuôi gà đẻ trứng, anh Lới khuyên những người mới vào nghề, muốn chăn gà đẻ là đồng vốn dày thì luôn luôn thắng. Quả trứng có năm lãi, năm lỗ nhưng lúc lỗ cũng phải duy trì được thì lúc lãi sẽ bù lại rất nhanh, còn để “sập” là không dậy được nữa.
"Có nhà nuôi gà đẻ 3 năm liền gặp “số đen”, lúc trứng đắt thì không có, lúc trứng rẻ lại có, lúc vừa có giá thì trại lại gặp dịch bệnh nhưng vẫn phải bám trụ lại. Bởi thế với nghề nuôi gà đẻ, kẻ thì xây thêm chuồng, mở thêm trại, người thì bán đất, bán nhà. Hiện xã Phúc Lâm đang có khoảng 10 trang trại gà đẻ ở nhiều quy mô”, anh Lới chia sẻ kinh nghiệm./.
Theo Khánh Ngân/thuonghieusanpham