Gần một tuần nay, anh Lê Trình - chủ hàng cơm trên đường Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội) luôn phải căng mắt, chờ đợi mỏi mòn tìm kiếm shipper. Anh cho biết, từ khi Hà Nội bước vào đợt nắng nóng đỉnh điểm, nhu cầu giao hàng tận nơi tăng đột biến khiến anh xoay sở chóng mặt.
Mặc dù cửa hiệu đã có hai shipper “ruột” chuyên đảm trách việc giao hàng, nhưng từ khi bước vào đợt nắng kinh hoàng họ làm không xuể bởi số đơn tăng đột biến, gấp 3-4 lần.
|
Một cửa hàng cơm trên đường Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) chật kín người đến lấy hàng đi giao. |
“Việc thuê shipper không chuyên đối với tôi chỉ mang tính thời vụ bởi không phải lúc nào cửa hàng cũng bán ra được số lượng lớn. Do quãng thời gian phát sinh thường không kéo dài nên tôi vẫn chấp nhận thuê giá cao để ổn định nhu cầu trước mắt” - anh Trình tâm sự.
Anh kể, do thời tiết nắng nóng nên giá chuyển đồ cũng tăng gấp 2-3 lần so với mọi khi. Có hôm đơn ít, nơi đến xa và rơi vào giờ cao điểm thì có trả thêm tiền shipper cũng chẳng nhận.
Đặc tính của shipper giao đồ ăn là yêu cầu nghiêm ngặt về thời gian và khâu vận chuyển nên việc tìm người cũng trở nên khó nhằn. Trong khi đó, hàng vẫn phải chuyển đều và liên tục nên dù có trở ngại thì anh cũng phải cố gắng khắc phục.
Cùng chung quan điểm, anh Nguyễn Cường - chủ cửa hàng mỹ phẩm trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) - cũng bất lực trong việc gọi shipper. Anh cho hay, tuy cửa hàng đã ký kết với một công ty chuyên làm nhiệm vụ giao hàng nhưng họ chỉ làm việc trong thời gian quy định, ngoài ra vẫn phải thuê thêm.
|
Các tán cây luôn là sự lựa chọn lý tưởng cho các shipper dừng chân trong tiết trời oi bức. |
|
Do nhiệt độ ngoài trời cao nên các thùng, túi đựng luôn được trang bị cách nhiệt. |
Trung bình mỗi đơn giao giá từ 25.000-35.000 đồng (nội thành), 40.000-60.000 đồng (ngoại thành) nhưng nắng nóng có thể tăng gấp đôi, gấp ba. Thuê shipper không dễ như nhiều người nghĩ bởi nếu không đáp ứng được tiêu chí giá tốt thì không ai muốn nhận.
Trung bình mỗi ngày hiện nay anh Cường có khoảng 10-15 đơn cần ship ngoài, tính ra cũng mất cả triệu bạc để sở hữu được “chân chạy”. Anh vẫn hay nói đùa với nhân viên: “Tưởng xưa chỉ có khách hàng mới là thượng đế, nay cả shipper cũng là thượng đế”.
Cuộc chiến thuê shipper với những cửa hàng, cửa hiệu lớn đã là bài toán nan giải, nhưng đối với các tiểu thương kinh doanh còn khó bội phần. Chị Vũ Yến (Trung Hòa, Cầu Giấy) - chuyên bán nem chua Thanh Hóa - cũng kêu trời kêu đất mấy hôm nay bởi khách thì giục giã cần hàng ngay mà shipper chẳng kiếm được ai.
Do buôn bán nhỏ lẻ nên có đơn chị mới gọi người. Mỗi sáng, chị thường lên các diễn đàn mạng xã hội “truy tìm” đồng đội. Chị cho biết, có những hôm có độc một kiện hàng mà gọi đến người thứ 10 mới gật đầu chấp thuận.
“Nhiều lúc bí người tôi còn phải huy động cả nhà đi giao vì trời nắng, phí cao mà cũng khó thuê. Nên có khách đặt hàng gấp quá tôi thường từ chối khéo vì không kham nổi” - chị Yến chia sẻ.
|
Hình ảnh các shipper xuất hiện thường trực trên các cung đường Thủ đô. |
Phải ra đường ngày nắng nóng đúng là cực hình, không phải ai cũng đủ sức khỏe và sự kiên nhẫn để chịu được.
Làm nghề shipper được 1 năm nay, anh Thanh Tùng (Bạch Mai, Hà Nội) tâm sự: “Nhiều người sống tốt và giàu lên nhờ công việc này, tính trung bình một shipper làm bình thường lương tháng dao động từ 10-12 triệu đồng, còn ai cần cù và sắp xếp lịch khoa học có thể lên đến 20-30 triệu là bình thường”. Thế nhưng, để có được mức thu nhập này, cái giá đánh đổi cũng tương đối lớn khi phải phơi nắng, “chạy nhông nhông” giữa cái nắng 40 độ nhiều giờ liên tục.
Không những vậy, mỗi người chỉ có thể giao được 6-8 đơn hàng trên một cung đường rồi chuyển chỗ khác, chưa kể thời gian giao thường rơi vào cao điểm nên đường dễ tắc. Rồi có trường hợp đến nơi khách không bắt máy, đòi đổi đồ, trả lại hàng hay chủ thuê đòi shipper ứng tiền trước sau đó mới thu của khách, rất mệt mỏi.
“Đi dưới cái nắng 40-50 độ C ngoài đường, chỉ mong đến nơi giao được hàng, nhận được tiền cho xong để về nghỉ mà gặp những tình huống trên chúng tôi oải vô cùng, chỉ muốn vứt cái xe máy rồi tìm chỗ mát mà ngả lưng thôi”, anh than thở.
Trời nóng, cái nghề như “làm dâu trăm họ” của anh càng cực, bởi chỉ cần một lỗi nhỏ để khách phàn nàn là sau sẽ mất luôn mối. Vì thế, cực chẳng đã, nhiều chủ hàng gọi anh đành từ chối bởi quãng đường quá xa, địa chỉ khó tìm, hàng dễ vỡ hỏng, chi phí chi trả thấp, nhất là chạy dưới thời tiết nóng khủng khiếp như mấy ngày qua.
Theo Hoàng Dung/ Vietnamnet