"Khảo sát tại các cửa hàng hải sản ở TP.HCM cho thấy, bào ngư sống đang được bán giá 1,1 - 1,3 triệu đồng/kg. Riêng với những loại kích cỡ lớn, hàng tuyển chọn có giá trên 1,5 - 3 triệu đồng/kg. Vì vậy người tiêu dùng hãy cẩn trọng với bào ngư đông lạnh Trung Quốc được gắn mác Hàn Quốc bán giá 15.000 đồng?"
Giá rẻ giật mình
Bào ngư được coi là loại hải sản cao cấp với rất nhiều dinh dưỡng. Chính vì thế, giá thành của nó luôn ở mức cao. Thế nhưng thời gian gần đây, chị em nội trợ với chiếc ví “bình dân” lại kháo nhau mua cả cân bào ngư về tẩm bổ cho chồng, cho con.
Tại nhiều địa chỉ chợ online, thương lái đang bán bào ngư được quảng cáo là “bào ngư Hàn Quốc chính hiệu, ngon và nhiều dinh dưỡng” với giá vô cùng phải chăng là 15.000 đồng/con.
“Bào ngư là hải sản nhà giàu, xưa nay chỉ bán với giá hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng mỗi cân. Cho nên với mức giá hiện nay 15.000 đồng/con, là cơ hội để nhiều người được trải nghiệm món này”, chị Nguyễn Thị Thu Thảo (ngụ đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TP.Hồ Chí Minh) chuyên bán hải sản online cho biết.
Bào ngư vốn được coi là món ăn cao cấp, đắt đỏ và phần lớn bán cho người có thu nhập cao, nhưng hơn tháng nay, bào ngư Trung Quốc gắn mác "Hàn Quốc" ồ ạt về Việt Nam, được dân buôn online bán giá siêu rẻ 15.000 - 20.000 đồng/con (loại 10 - 20 con 1kg). 1kg bào ngư gắn mác này tính ra có giá 150.000 - 400.000 đồng, rẻ bằng một phần tư so với thông thường.
Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, anh Nguyễn Văn Tú (37 tuổi, ở Quảng Ngãi) cho biết, hiện tại anh đang bán bào ngư trong nước với giá sỉ khoảng 450 nghìn đồng/kg, còn giá lẻ khoảng 600 nghìn đồng/kg. Bào ngư nhập khẩu anh không làm được do người dân không đủ tiền mua loại cao cấp.
"Bào ngư nhập khẩu từ Hàn Quốc về không có giá dưới 1 triệu đồng/kg, vậy mà tôi không hiểu sao trên chợ mạng rao bán bào ngư nhập giá có 15 nghìn đồng/con. Nếu là hàng nhập khẩu thì phải có tem mác, chuẩn nguồn gốc xuất xứ mới đảm bảo giá trị dinh dưỡng, còn hàng trôi nổi, không có giấy tờ thì không yên tâm về chất lượng. Người dân vùng tôi sống không có quá nhiều tiền để mua hàng nhập khẩu nên tôi chỉ chọn bán hàng Việt Nam, khi mua và giao tận tay khách hàng bào ngư vẫn còn sống", anh Tú cho biết.
Cần lựa chọn sáng suốt
Trong khi đó, nói về việc này, anh Trần Văn Phương (TP.HCM) cho biết, nhà anh chuyên bán bào ngư sống cấp đông, được nhập khẩu từ Trung Quốc, có giấy tờ đầy đủ.
"Giá sỉ tôi bán 340 nghìn đồng/kg với size từ 18 - 22 con, còn giá lẻ khoảng 500 nghìn đồng/kg. Tất cả hàng cấp đông của tôi bán ra đều là hàng Trung Quốc chứ không có chút nào nhập khẩu từ Hàn Quốc. Do có giấy tờ đầy đủ nên tôi luôn bao chất lượng. Hàng có giấy tờ đầy đủ thì tôi không lo gì, còn những nơi họ bán tràn lan trên mạng, không có giấy tờ thì tôi không rõ của nước nào", anh Phương cho biết thêm.
Còn chị Nguyễn Thị Linh (một người bán online ở Hà Nội), bào ngư Việt chị bán có giá 37 - 40 nghìn đồng/con, hàng còn sống nên khách mua rất đông.
"Mọi năm tôi không dám buôn mặt hàng đắt tiền này, nhưng năm nay có đầu mối gọi nhờ giải cứu giúp họ. So với mọi năm, bào ngư năm nay giá rẻ hơn một nửa. Nguồn khách bên tôi cũng khá ổn định nên khi tôi đăng giá bán lẻ từng con, khách đặt đông lắm. Bào ngư rẻ mà còn sống nên tôi mới bán, tuy nhiên, hàng này sống không được lâu, lượng khách đặt bao nhiêu thì tôi nhập bấy nhiêu thôi", chị Linh cho biết.
Cũng theo chị Linh, bào ngư nhập khẩu thường là hàng đóng túi cấp đông gửi về và có tem mác. Bào ngư Hàn Quốc và bào ngư Việt khác nhau về độ dinh dưỡng nên giá thành cũng chênh nhau nhiều.
Lý giải vì sao năm nay bào ngư có giá rẻ như vậy, chị Linh cho rằng, do dịch bệnh bào ngư không xuất khẩu được sang các nước khác. Chị Linh khuyên người tiêu dùng, muốn mua bào ngư chất lượng thì phải cân nhắc lựa chọn nơi uy tín.
Ông Trần Văn Trường - Giám đốc công ty Hải sản Hoàng Gia - cho rằng, bào ngư Hàn Quốc về Việt Nam đa phần là hàng tươi sống, có giá bán lẻ 1,1 - 1,3 triệu đồng/kg. Hiện các sản phẩm mà nhiều cửa hàng online rao bán với giá 150.000 - 400.000 đồng/kg là hàng đông lạnh hoặc hàng nhập lậu từ Trung Quốc. Loại này được phía Trung Quốc nuôi bằng thức ăn công nghiệp và chưa được phép nhập khẩu sống về Việt Nam.
"Hiện, bào ngư sống mới chỉ có hàng của Australia và Hàn Quốc được phép nhập chính ngạch. Do đó, người tiêu dùng nên chọn mua bào ngư ở các địa chỉ uy tín và còn sống để tránh gặp hàng kém chất lượng gắn mác Hàn Quốc", ông Trường khuyên. Ngoài ra, ông cũng cho biết, bào ngư là hàng quý hiếm được nhập khẩu nên sản phẩm này không giảm giá mạnh mà chỉ sụt nhẹ so với cách đây một vài năm do nhiều đầu mối cùng nhập giúp giá cạnh tranh.
Theo Trúc Chi/Đời sống & Pháp luật