Tranh chấp Trung Nguyên: Đi ngược lại giá trị cốt lõi doanh nghiệp

Google News

“Chúng ta là người ngoài cuộc nên không thể biết ai đúng ai sai trong câu chuyện tranh chấp này nhưng sự tranh chấp này đã đi ngược lại với giá trị 'hạnh phúc' của Trung Nguyên".

Trong những ngày vừa qua, câu chuyện tranh chấp tài sản, thương hiệu Trung Nguyên giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và chồng là ông Đặng Lê Nguyên Vũ đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Cùng nhau xây dựng Trung Nguyên trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu về sản phẩm cà phê cả trong và ngoài nước, nhưng giữa lúc doanh nghiệp đang phát triển hưng thịnh nhất thì bất ngờ những tranh chấp giữa hai vợ chồng người sáng lập Trung Nguyên xảy ra, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của công ty.
Tranh chap Trung Nguyen: Di nguoc lai gia tri cot loi doanh nghiep
 Cuộc tranh chấp quyền lực tại Trung Nguyên giữa 2 vợ chồng ông bà chủ doanh nghiệp diễn ra suốt 3 năm và vẫn chưa có hồi kết.
Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long, ở khía cạnh tích cực thì những ồn ào vừa qua, đã khiến cho Trung Nguyên được nhiều người biết đến hơn. Với hiệu ứng truyền thông, nhiều người dù chưa từng sử dụng cà phê Trung Nguyên cũng có thể sẽ tò mò tìm đến để thử. Trong xây dựng hình ảnh, việc tạo ra scandal cũng là một trong những cách truyền thông mà nhiều thương hiệu chọn.
Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long khẳng định, Trung Nguyên mất nhiều hơn được trong vụ việc này. Trong kinh doanh, mỗi doanh nghiệp đều đầu tư một khoản tiền không nhỏ để xây dựng hình ảnh của mình. Việc chọn được một câu chuyện, một khẩu hiệu gắn liền với sự hình thành và phát triển của doanh nghiệp để người tiêu dùng nhớ đến vì thế được quan tâm đặc biệt. Từ khi thành lập, Trung Nguyên đã xây dựng hình ảnh sáng tạo với khẩu hiệu “Khơi nguồn sáng tạo”. Sau này, Trung Nguyên đổi thành “Cà phê của giàu có và hạnh phúc”. Đây là từ khóa mà Trung Nguyên muốn khách hàng nhớ tới.
Nhưng tranh chấp vừa qua giữa vợ chồng cà phê Trung Nguyên đã phá vỡ những thông điệp mà Trung Nguyên muốn truyền tải đến khách hàng. Về mặt gia đình, mọi người đều đang nhìn thấy sự mâu thuẫn, lục đục giữa vợ chồng, con cái. Điều đó thể hiện sự không hạnh phúc.
Xét về nội bộ của Trung Nguyên, sự tranh chấp quyền điều hành giữa các thành viên trong công ty, một phe nghiêng về bà Thảo, một phe ủng hộ ông Vũ cũng đã thể hiện sự rối loạn của doanh nghiệp.
“Chúng ta là người ngoài cuộc nên không thể biết ai đúng ai sai trong câu chuyện tranh chấp này nhưng sự tranh chấp này đã đi ngược lại với giá trị “hạnh phúc” mà Trung Nguyên xây dựng bấy lâu. Về tổng thể, chúng ta nhìn thấy một màu sắc u ám và không hạnh phúc”, chuyên gia này cho biết.
Cũng theo chuyên gia Nguyễn Ngọc Long, trong một doanh nghiệp, sự ổn định là yếu tố quan trọng để người lao động gắn bó lâu dài và tận tâm cống hiến. Khi người lao động nhìn thấy doanh nghiệp có tranh chấp nội bộ và lùm xùm như vậy thì cũng ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý của họ và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Khởi điểm cho những sóng gió tại Trung Nguyên là tháng 4/2015, khi ông Đặng Lê Nguyên Vũ bất ngờ bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại Trung Nguyên.
Không tìm được tiếng nói chung, vợ chồng vua cà phê liên tiếp kéo nhau ra tòa kiện tụng để tranh giành quyền điều hành tại Trung Nguyên. Đến nay, tranh chấp này vẫn chưa có hồi kết.
Theo Phạm Dung/Lao Động