Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, việc mua bán bằng phương thức online đã trở nên cấp thiết hơn với các đơn vị kinh doanh hàng hóa bởi người tiêu dùng ngày càng hạn chế đến nơi đông người, tránh tiếp xúc người lạ nhằm bảo vệ sức khỏe.
Mua sắm online đang trở thành một xu thế trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh Cục thương mại Điện tử và kinh tế số
Có thâm niên bán hàng online đã hơn 3 năm, chị Anh Nương (ở khu HH3B Linh Đàm) cho biết dù dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến đời sống kinh tế nhiều gia đình nhưng số lượng đơn hàng của chị liên tục tăng trong thời gian gần đây. Bên cạnh những sản phẩm như quần áo, đồ dùng gia đình, chị cũng đã tham gia bán hàng “giải cứu” các loại nông sản như tôm hùm, ngao hai cùi,... và đều nhận được sự ủng hộ tích cực từ những khách hàng quen.
Chị cho biết, thông qua những đợt bán hàng “giải cứu”, nhiều người chưa có dịp ăn những loại hải sản từng chỉ xuất hiện trong những nhà hàng sang trọng, giờ có cơ hội thưởng thức ngay tại gia đình với chi phí rẻ hơn từ 30-40% so với bình thường.
Chị Duyên cho biết hải sản mình bán rẻ hơn thị trường bởi đây là sản phẩm được bố mẹ mình khai thác và chế biến
Tương tự, chị Duyên (ở Giao Thủy, Nam Định đang thuê nhà tại Hoài Đức, Hà Nội) cho biết dịp này các nhà hàng hải sản, chợ đầu mối,... ngừng nhập các loại hải sản của gia đình chị khai thác từ biển. Vì thế, bên cạnh công việc chính của mình, chị cũng bán thêm hải sản trên trang facebook cá nhân. Chị chia sẻ, do đây là các loại hải sản được bố mẹ chị khai thác và tự tay chế biến nên đảm bảo chất lượng, và giá cả cũng thấp hơn giá thị trường. Sự khác biệt này giúp chị nhanh chóng có được một lượng khách hàng quen lớn, giúp gia đình có thêm một khoản thu nhập đáng kể.
Chị Dung (chủ cửa hàng phở Thái Hưng) chia sẻ dịch bệnh đã ảnh hưởng rất nhiều đến công việc kinh doanh nhưng chị đã tìm cách xoay chuyển tình thế, đưa cửa hàng phở của mình bán trên các kênh online và nhận được những phản hồi tích cực từ khách quen. Việc cửa hàng tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh giúp các nhân viên có được thu nhập ổn định, không bị sụt giảm quá nhiều so với trước khi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo Cục thương mại Điện tử và kinh tế số, thống kê từ các sàn thương mại điện tử như Sendo, Lazada, Tiki hay Shopee,... cho thấy, người tiêu dùng có xu hướng mua online nhiều hơn so với trước đây. Trên trang mua sắm Tiki, ngoài sách là sản phẩm chủ lực của sàn được ghi nhận tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái thì sức mua các mặt hàng khẩu trang, khăn ướt, máy lọc không khí... cũng tăng mạnh không kém trong 2 tháng đầu năm nay.
Với trang thương mại điện tử Shopee, lượt truy cập và khối lượng giao dịch tăng mạnh trong thời gian gần đây. Đặc biệt, lượng người mua không chỉ tập trung vào các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh mà đến từ tất cả các tỉnh, thành trên cả nước. Sức mua các sản phẩm liên quan đến chăm sóc sức khỏe có xu hướng gia tăng, cụ thể như các sản phẩm khẩu trang, nước rửa tay và các sản phẩm khử trùng.
Dù mới chú trọng kênh mua sắm online trong thời gian gần đây nhưng Saigon Co.op cũng có mức tăng trưởng ấn tượng. Chỉ tính từ ngày 16/3 tới hết ngày 31/3, Saigon Co.op đã ghi nhận 10.000 đơn hàng online từ người tiêu dùng thông qua ứng dụng Zalo, Viber. Các đơn hàng tập trung chủ yếu vào nhu thiết yếu hàng ngày như thực phẩm, mì gói, nước uống, nước giải nhiệt…; trong đó có đơn hàng giá trị cao nhất lên tới 10 triệu đồng.
Theo số liệu báo cáo Bảng xếp hạng các doanh nghiệp thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam do iPrice insights cập nhật vào ngày 03/03, Shopee Việt Nam tiếp tục dẫn đầu trong cả năm 2019 về lượng truy cập website, đạt trung bình 38 triệu lượt/tháng. Sendo với 27.2 triệu lượt/tháng, Lazada với 27 triệu lượt/tháng và Tiki với 24.5 triệu lượt/tháng.
Có thể thấy, dịch COVID-19 đang có tác động tích cực đến lĩnh vực mua sắm qua kênh thương mại điện tử của người Việt khi người tiêu dùng dần thích ứng với xu hướng của thế giới. Theo báo cáo eConomy SEA 2019 do Google và Temasek công bố, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đầu năm 2020 đạt 5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng lên tới 81%.
Đáng chú ý hơn, Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2019 được Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) phát hành, chỉ ra mức tăng trưởng của thị trường TMĐT Việt Nam đang cao nhất trong 3 năm trở lại đây.
Trong một dự báo gần đây, Công ty dữ liệu và phân tích GlobalData cũng cho rằng, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 17,3 tỷ USD vào năm 2023, tăng mạnh so với mức 9,4 tỷ USD của năm 2019.
Theo Dân Việt