Hành tím là một trong những cây trồng chủ lực, đem về nguồn thu nhập chính cho người trồng hành ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng).
Tính riêng vụ hành tím thương phẩm trồng phục vụ thị trường trong dịp tết Nguyên đán năm 2024 đến nay, nhiều hộ dân có lợi nhuận rất tốt, bởi hành trúng mùa, được giá nên hộ dân rất phấn khởi.
Diện tích trồng hành tím của thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) hằng năm hơn 7.000ha, với khung lịch mùa vụ bắt đầu vụ hành từ tháng 11 năm trước đến tháng 2 năm sau.
Cụ thể, hành sớm sẽ trồng từ tháng 11/2023 và thu hoạch vào tháng 1, 2 năm 2024 (vụ hành này thường được hộ dân trồng để bán trong dịp tết Nguyên đán) và hành mùa trồng vào tháng 12/2023 đến tháng 2/2024, thu hoạch vào tháng 2 đến tháng 4/2024.
Hành tím trồng tập trung tại các xã: Vĩnh Hải, Lạc Hòa, Lai Hòa, Vĩnh Tân, Vĩnh Hiệp, Phường 1, Phường 2 và phường Vĩnh Phước.
Trong mùa vụ hành sớm năm 2024, nông dân thị xã Vĩnh Châu rất phấn khởi, vì mùa vụ trồng hành thuận lợi, đạt năng suất cao, thị trường tiêu thụ ổn định đem lại nguồn thu nhập cao cho hộ.
Bà Sơn Thị Tonh, ấp Wáth Pích, phường Vĩnh Phước cho biết: "Tôi đã thu hoạch dứt điểm vụ hành sớm trong tháng 3 vừa qua (hành thương phẩm). So với cùng kỳ năm trước thì hành năm nay có năng suất cao hơn khoảng 100kg/1.000m2. Mặc dù giá bán có thấp hơn nhưng bù lại năng suất hành tăng nên vẫn đảm bảo lợi nhuận tốt ".
Bà Tonh trồng hành theo hướng hữu cơ trên bờ bao nuôi tôm, vì vậy sản phẩm thu hoạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Với 3.000m2 trồng hành tím, sản lượng đạt gần 6 tấn, giá bán hành được thương lái thu mua tại ruộng 23.000 đồng/kg, trừ chi phí bà Tonh thu lợi nhuận gần 50 triệu đồng/vụ.
Ông Thạch Soal, nông dân xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) thu hoạch hành tím, hành tím vụ này trúng mùa, trúng giá. Ảnh: THÚY LIỄU
“Vụ hành sớm vừa mới thu hoạch trong dịp tết Nguyên đán vừa qua, tôi thu về sản lượng hơn 6 tấn/3.000m2, giá bán 20.000 - 23.000 đồng/kg, trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận gần 60 triệu đồng.
Để giảm chi phí sản xuất hành, trong nhiều mùa vụ qua, thực hiện theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, tôi đã canh tác hành theo hướng hữu cơ, nhờ vậy hành phát triển tốt, củ to, chắc, vỏ mượt, màu sắc sáng đẹp, sản lượng cao hơn so với trồng hành truyền thống từ 25 - 30%.
Hiện tại, tôi đang tiếp tục xuống giống vụ hành mùa vừa để bán hành giống và bán hành thương phẩm”, ông Thạch Soal, xã Vĩnh Hải chia sẻ.
Là một trong những hợp tác xã trồng và hỗ trợ tiêu thụ hành tím cho nông dân trong và ngoài hợp tác xã, ông Thạch Dil - Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Samaki, xã Vĩnh Hải cho biết: “Trong vụ hành sớm, hợp tác xã đã xuống giống hành thương phẩm 16ha, năng suất hành 20 tấn/ha, sản lượng 320 tấn. So cùng kỳ năm trước, vụ hành này năng suất cao nên thành viên hợp tác xã đều có lợi nhuận từ 40 - 50%.
Bên cạnh trồng hành thương phẩm, hợp tác xã còn trồng hành giống để cung cấp giống chất lượng cho thành viên trong hợp tác xã và hộ dân bên ngoài.
Cùng với đó, để hỗ trợ thành viên tiêu thụ hành, hợp tác xã đã liên kết với một số công ty, doanh nghiệp tiêu thụ nên thành viên yên tâm canh tác hành; đồng thời, hợp tác xã còn tranh thủ từ ngành chuyên môn hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng hành cho thành viên, đặc biệt là vận động thành viên trồng hành theo quy trình VietGAP và theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để cung cấp cho các thị trường cao cấp và phục vụ xuất khẩu”.
Để tạo đầu ra ổn định cho hành tím, thị xã Vĩnh Châu đã cơ cấu mùa vụ trồng hành phù hợp theo cách phân bố diện tích trồng hành thương phẩm theo từng vùng đất, từng địa phương trên địa bàn thị xã để đảm bảo lượng hành cung ứng trên thị trường vừa phải, không ồ ạt.
Tính riêng vụ hành sớm năm 2024, thị xã đã xuống giống trên diện tích 5.400ha, ước sản lượng hơn 105.000 tấn, giá bán 18.000 - 23.000 đồng/kg, người trồng hành có lợi nhuận 9.000 - 12.000 đồng/kg.
Theo ông Mã Chí Thọ - Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu, Vĩnh Châu được biết đến như “thủ phủ” hành tím của tỉnh Sóc Trăng.
Do đó, để giữ vững diện tích trồng hành và nâng giá trị sản phẩm, đơn vị đã phối hợp ngành chuyên môn của tỉnh triển khai các mô hình trồng hành theo quy trình VietGAP và trồng hành theo hướng hữu cơ, đến nay diện tích trồng hành theo các quy trình trên chiếm hơn 30%.
Đối với đầu ra của hành tím, đơn vị liên kết với một số công ty, doanh nghiệp để tiêu thụ hành cho nông dân. Cùng với đó, đơn vị cũng đang kêu gọi các doanh nghiệp thu mua hành thực hiện nâng cao chuỗi giá trị hành bằng cách chế biến hành phi, hành sấy khô… Tới đây, đơn vị sẽ tiếp tục quy hoạch các vùng trồng hành tập trung theo hướng hữu cơ để kêu gọi doanh nghiệp, công ty liên kết tiêu thụ.
Theo Thúy Liễu/Báo Sóc Trăng