Vào năm 2016, nhiều khu vực trên cả nước rộ lên trồng hoa hồng. Anh Tuân cũng bắt đầu bỏ tiền đầu tư mô hình này để làm kinh tế. Ngay từ khi bắt đầu, anh nhận thấy hồng là loại cây mang đến siêu lợi nhuận cho người nông dân, vốn bỏ ra ít nhưng thu lãi rất lớn.
“Chỉ bỏ ra vài nghìn đến 50.000 đồng/cây giống, tôi đem trồng và chăm sóc sau 2 năm sẽ thu được 400.000 đồng/cây bán với số lượng lớn, còn có những cây sẽ bán giá từ 500.000 – 2 triệu đồng (tùy thuộc vào số lượng mua)”, anh cho biết.
Theo anh, đó chỉ là số tiền thu được khi bán cả cây, còn chưa kể trong quá trình thu hoạch, anh còn cắt cành làm giống, một phần mở rộng diện tích trồng, phần còn lại sẽ được đem bán cho các thương lái thu mua số lượng lớn. Với mỗi cành cắt ra làm giống, chỉ mất khoảng hơn tháng để chúng ra rễ, anh có thể bán được từ 30.000 – 50.000 đồng/cành và số lượng này quá lớn nên anh không thể tính được.
|
Theo anh Tuân, hoa hồng là cây siêu lợi nhuận vì vốn ít, bán lãi cao và thu hồi tiền nhanh. |
Sau hơn 3 năm, anh đã sở hữu hơn 10 vườn hồng và nguồn thu lại không hề nhỏ. “Tôi không nắm được chính xác là thu được bao nhiêu tiền vì tôi không thuê quản lý và kế toán riêng. Tôi chỉ biết số tiền thu được từ trồng hồng đem vào việc tái đầu tư, mở rộng diện tích trồng trọt, chi tiêu mọi sinh hoạt trong gia đình... Không chỉ thế, tôi dành ra được 1 tỷ đồng để mua suất đất chuẩn bị xây nhà”, anh cho hay.
Khi được hỏi về những khó khăn trong quá trình trồng hồng, anh tâm sự bản thân xuất phát từ con nhà nông nên việc trồng cây không có gì khiến anh phải bận tâm. Vả lại, hồng cũng là một trong những loại cây dễ trồng, người dân chỉ cần biết đây là cây ưa ánh sáng và chịu được hạn là đủ. “Cây hồng đem vào bóng râm hoặc bị úng nước quá vài ngày, chúng sẽ chết ngay lập tức”, anh nói.
|
Sau hơn 3 năm trồng hồng, anh Tuân thu về cả tỷ đồng. |
Điều khó khăn nhất anh gặp phải khi trồng loại cây này là việc chọn giống để trồng. Theo anh, hồng được chia làm 3 loại chính: hồng ghép, hồng cổ và hồng ngoại.
Trong đó, hồng ghép chủ yếu trồng để cắt bông đem bán chợ. Còn 2 loại hồng kia, người trồng bán theo cây cho những khách có nhu cầu. Ngay từ đầu anh đã loại bỏ việc trồng hồng để cắt bông bán, anh cho rằng việc làm này xoay vốn nhanh, lợi nhuận cao nhưng mất thời gian cắt bông và đem bán...
Anh tập trung trồng 2 loại hồng cổ và hồng ngoại. Tuy nhiên, khi mới bắt tay vào trồng, mọi thứ không như mơ, anh phải mất một số tiền khá lớn để trả giá cho việc không biết lựa chọn giống cây. “Có một số giống hồng rất nhiều bệnh, khó chăm sóc và khách lại không ưa chuộng. Cây lớn lên nhìn xấu, không ai mua, tôi đành đem vứt đi hết”, anh chia sẻ.
Sau này, anh có kinh nghiệm và biết chọn giống nào đang được thị trường săn tìm và dễ trồng. Vì thế, việc trồng, buôn bán của anh của diễn ra thuận lợi hơn.
Hơn nữa, về đầu ra, anh thường không phải lo nhiều. Vì theo anh, hồng là cây trồng không ồ ạt, khách khắp nơi từ Nam ra Bắc đều đặt mua hồng của anh. Với những cây không bán được, anh sẽ chăm sóc tiếp để năm sau bán. Mỗi năm, gốc cây sẽ to lên và giá trị càng cao. Nên cây hồng có “ế”, anh cũng không sợ như các cây trồng khác.
Trong thời gian tới, anh cũng dự định sẽ đi đầu tư vào các vườn trồng hồng khác. Lúc đó, anh sẽ chỉ đạo, góp ý thêm cho những người thực hiện mà vẫn có thu được lợi nhuận đều đều.
Theo Anh Thư /Dân Việt