Cây tùng bồng lai hay còn gọi là Tùng Lá Văn Trúc, Tùng Lá Thiên Môn Đông, gốc là cây bản địa của vùng California - Mỹ. Cây có sức sống mãnh liệt với bộ rễ có khả năng mọc sâu và bóm trụ rất tốt trên đất nên khi du nhập vào Việt Nam, tùng bồng lai không ngừng phát triển và được nhiều người yêu thích.
1. Đặc điểm của cây tùng bồng lai
Tùng bồng lai thường có kích thước nhỏ nhắn, được trồng trong các chậu cây phù hợp đặt ở trong nhà, trên bàn làm việc.
Lá của cây mọc rất nhiều, dày dặn, tập trung thành từng tán một, nhìn cứ ngỡ như đám mây xanh, chính vì thế mà trong tên của nó có từ "bồng lai". Mỗi chiếc lá nhỏ xíu và nhọn, mọc ở quanh cành. Thông thường, có khi đến 5 năm cây mới thay lá một lần.
Thân của loại tùng này khá mềm và dẻo dai, nên người trồng cũng có thể tùy ý uốn cành theo những hình dáng mà mình mong muốn.
Bộ rễ của tùng bồng lai mọc dài, sâu và bám rất chắc và đất trồng, nên nếu cây sinh trưởng ở những nơi có gió mạnh hay sống trên đá vẫn dễ dàng đứng vững.
Cây tùng bồng lai có sức sống mãnh liệt, khả năng thích nghi rất cao và tuổi thọ của nó cũng được kéo dài trong nhiều năm liền.
2. Ý nghĩa của tùng bồng lai
Có quan niệm cho rằng, tùng bồng lai chính là biểu trưng cho sức sống bền bỉ, dám đương đầu với thử thách và không ngừng vươn lên. Tuổi thọ của cây rất dài nên còn có ý nghĩa trường thọ và sống lâu.
Về phong thủy, việc bạn sở hữu một cây tùng bồng lai sẽ giúp mang lại may mắn, tài lộc, thịnh vượng đến với chủ nhân.
3. Cách trồng và chăm sóc
Với vẻ đẹp sang chảnh, hiếm có khó tìm, lại cũng chẳng yêu cầu sống trong môi trường thực sự lý tưởng nên khá dễ trồng và chăm sóc.
- Yêu cầu về nhiệt độ
Để trồng tùng bồng lai hiệu quả, tốt nhất là trồng trong khoảng từ 20 – 30 độ C. Bởi nếu thấp hơn hoặc quá lạnh thì cây sẽ khó sống còn nếu nóng quá, trên 40 độ C thì có khả năng cây sẽ mắc phải một loại nấm tên Seiridium Cardinale, khiến cây khô đen chồi và chết dần đi.
Khi bộ rễ của cây ổn định thì nó sẽ phát triển rất khỏe. Nếu đặt ở trong phòng máy lạnh, chỉ cần thi thoảng mang ra phơi nắng một lúc; còn nếu trồng ở sân vườn thì cũng không cần tưới hay bón phân gì nhiều, chỉ cần thường xuyên cắt tỉa cành.
- Yêu cầu về chế độ nước
Tùng bồng lai là loại cây dễ sống, hằng tuần, chỉ cần tưới nước 1 lần cho cây nếu ở trong điều kiện bình thường. Trong trường hợp thời tiết có độ ẩm cao thì có thể giãn khoảng cách này ra hoặc nắng nóng quá thì có thể tăng lên, điều chỉnh sao cho phù hợp.
Tuy là giống cây khá ưa nước nhưng tùng bồng lai lại không chịu được tình trạng bị ngập úng, tưới nước quá nhiều, quá ẩm sẽ tạo điều kiện cho những sinh vật hại, nấm sinh trưởng, ảnh hưởng đến đời sống của cây.
- Yêu cầu về đất trồng
Đó là loại đất vừa có khả năng giữ ẩm, vừa thoát nước tốt, vì tùng bồng lại là cây ưa ẩm nhưng lại không chịu được tình trạng ngập úng và tưới nước quá nhiều.
Một vài gợi ý để có được phần đất trồng thoát nước tốt đó là trộn đất với xỉ than đun rồi đập nhỏ, sàng bỏ lớp xỉ quá vụn; còn trộn đất với trấu, xơ dừa hay tro sẽ làm cho đất giữ ẩm tốt hơn.
Ngoài ra, đừng quên cung cấp đầy đủ dưỡng chất, trộn thêm phân bò khô hoặc phân bón để đất nuôi cây lớn nhanh và khỏe mạnh.
- Cách nhân giống
Hiện nay, có 3 cách nhân giống tùng bồng lai chính, đó là: gieo hạt, chiết cành hoặc tách cây con từ cây mẹ.
Khi đã chuẩn bị xong cây giống và phần đất như trên đây, chỉ cần đặt cây giống vào chậu, ấn nhẹ và tưới một lượt nước mỏng lên cây.
Sau khoảng 1 tháng, khi bộ rễ đã đầy đủ, cành nhánh phát triển, mọc ra nhiều thì có thể suy nghĩ đến việc chuyển chúng sang một chậu mới tốt hơn. Và cần lưu ý đặc biệt về giữ ẩm thường xuyên cho cây khi mới chuyển để cây dễ dàng thích nghi với đất và môi trường sống mới.
- Chế độ thay đất định kì cho tùng bồng lai
Bởi vì cây sống trong chậu nhỏ, lượng đất ít nên sẽ có thời điểm đất hết dưỡng chất, không cung cấp đủ cho cây phát triển khỏe mạnh nên cần định kỳ thay đất cho cây. Tốt nhất để thay đất, đổi chậu là vào đầu xuân. Bởi thời điểm này nhiệt độ thích hợp, cây thay đất xong sẽ nhanh chóng đâm chồi và mọc rễ mới.
Khi thay đất, nên rũ bỏ hoàn toàn phần đất cũ đi và chỉ cho đất mới vào. Sau đó chỉ tưới nước 1 lần duy nhất và ủ bọc nilon để giữ đất ẩm lâu.
4. Một số lưu ý khi trồng tùng bồng lai
Cây tùng bồng lai dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp cho những người có công vệc quá bận rộn, thường xuyên phải đi xa bởi cây không yêu cầu bón phân hay tưới nước thường xuyên.
Tuy nhiên, muốn cây luôn tươi tốt, trong quá trình trồng cần lưu ý:
- Không nên tưới quá nhiều nước;
- Nếu để cây trong phòng làm việc, môi trường ít ánh sáng mặt trời, hàng tuần nên mang cây ra ngoài hứng chút nắng để phát triển tốt nhất;
- Khi cây xuất hiện các lá vàng, lá úa, lá héo thì phải loại bỏ ngay;
- Nếu thấy cây bị rụng lá hoặc các nhánh cây có hiện tượng mềm, rục tức là đã đến lúc cây cần chăm sóc đặc biệt.
5. Con giáp nào phù hợp trồng cây tùng bồng lai?
Theo dân gian, từ xa xưa thì người tuổi Thân được cho là thích hợp nhất đối với cây này. Bởi tùng bồng lai mang những đặc điểm có hướng bù đắp hoàn hảo và những gì còn thiếu sót của người tuổi Thân. Chính vì thế, nếu là người tuổi Thân, chưng một chậu tùng bồng lai trong nhà sẽ giúp mang lại sự thành công trong sự nghiệp công danh, tài lộc.
Đồng thời, tùng bồng lai cũng phù hợp với tất cả các mệnh kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Nên nếu bạn yêu thích thì dù không phải tuổi Thân cũng có thể yên tâm sử dụng để thu hút thêm nhiều điều tốt đẹp cho cuộc sống, tình yêu và sự nghiệp của mình.
Theo Minh Hạ/Khám Phá