Trồng lúa mùa nổi, nông dân Long An bán giá cao vẫn đắt hàng

Google News

Mô hình sản xuất lúa mùa nổi, lúa hữu cơ xã Vĩnh Đại, Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An đang mang lại hiệu quả thiết thực.

Năm 2023 là năm thứ 4 liên tiếp, nông dân trong Hợp tác xã dịch vụ Lúa Mùa nổi xã Vĩnh Đại gieo sạ 100 ha với giống Nàng Tây Đùm. Nhờ thời tiết tương đối thuận lợi, lúa sinh trưởng và phát triển tốt.

Trong vụ đông xuân này, Hợp tác xã nông nghiệp 22/12 xã Vĩnh Đại có liên kết với Công ty Khai Phúc Lộc thử nghiệm thực hiện mô hình canh tác lúa hữu cơ với diện tích 70 ha. Trong đó, ấp Vĩnh Bửu, xã Vĩnh Đại 55 ha; ấp 1/5, xã Vĩnh Châu A là 15 ha.

Trong quá trình canh tác lúa hữu cơ, công ty cung ứng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học và hướng dẫn sản xuất lúa theo quy trình hữu cơ; hỗ trợ tiền bón phân lót và 9 lần phun xịt chế phẩm vi sinh.

Trường hợp khi thu hoạch, năng suất trong cánh đồng này thấp hơn bên ngoài thì công ty sẽ hỗ trợ thêm cho bằng với năng suất trung bình của cánh đồng trong khu vực này. Đồng thời, sẽ thu mua lúa của nông dân cao hơn giá thị trường tại thời điểm thu hoạch là 200 đồng/kg.

Trong lua mua noi, nong dan Long An ban gia cao van dat hang
Bí thư Huyện ủy Tân Hưng (Long An), ông Nguyễn Thanh Tiệp khảo sát thực tế tại ruộng lúa.

Theo đánh giá của huyện Tân Hưng, mô hình sản xuất lúa mùa nổi, lúa hữu cơ đang mang lại hiệu quả thiết thực.

Khảo sát thực tế tại mô hình sản xuất lúa mùa nổi, lúa hữu cơ xã Vĩnh Đại, Vĩnh Châu A, Bí thư Huyện ủy Tân Hưng – Nguyễn Thanh Tiệp yêu cầu địa phương tiếp tục duy trì và nâng cao việc liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

UBND huyện và các ngành chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nông dân thấy được hiệu quả của mô hình canh tác lúa theo hướng hữu cơ. Qua đó, nhân rộng mô hình trong thời gian tới nhằm tăng thu nhập cho nông dân và vừa cải thiện môi trường.

“Mô hình góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã và từng bước tham gia đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”", ông Nguyễn Thanh Tiệp nhấn mạnh.

Cây lúa mùa nổi được trồng phổ biến từ thập niên 90 trở về trước ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho đến khi bị cây lúa cao sản ngắn ngày thay thế. Nông dân trồng giống lúa này theo phương pháp truyền thống, không phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, giống lúa này khác với các giống lúa khác là trồng theo mùa nước lũ.

Khi lũ từ thượng nguồn đổ về, nước đến đâu, cây lúa vươn lóng đến đó, dài tới 3-5m, vượt lên mặt lũ để sinh trưởng, đơm bông với thời gian sinh trưởng khoảng 6 tháng. Đặc biệt, lúa mùa nổi còn tạo sinh cơ thuận lợi cho các loại thủy sản ẩn trú, sinh sôi và phát triển trong mùa lũ, giúp người dân tăng thêm thu nhập.

Theo Lê Đức/ Báo Long An