Clip: Mô hình mận trái vụ của anh Lèo Văn Chaư - Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Dầu, xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Từ sự giới thiệu của Hội Nông dân xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La, PV Dân Việt đã có mặt tại bản Dầu để tìm hiểu mô hình trồng mận rải vụ của anh Lèo Văn Chaư – Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Dầu. Nhìn thấy PV, anh Chaư tay bắt mặt mừng mời chúng tôi lên thăm vườn mận rải vụ của gia đình.
|
Theo anh Lèo Văn Chaư, trồng mận rải vụ rất dễ bán. Ngoài ra, để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, gia đình ông còn dùng điện thoại thông minh livestream trên Facebook. Ảnh: Tuệ Linh.
|
Theo anh Chaư, mận là cây trồng chủ lực của người dân bản Dầu. Nhà nào cũng trồng mận với diện tích từ nghìn m2 đến cả ha. Tổng diện tích mận toàn bản khoảng 56ha, sản lượng hơn 700 tấn quả. Trong đó nhà anh Chaư hơn 1ha với 400 cây mận.
Trước đây người dân trồng mận không biết áp dụng khoa học kỹ thuật nên cứ lặp lại điệp khúc "được mùa, mất giá; mất mùa, được giá". Mặt khác, cây mận có thời gian thu hoạch ngắn, quả bé nên gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao.
Anh Chaư cho biết: Năm 2019, là hội viên Chi Hội Nông dân bản Dầu nên tôi và một số hội viên khác được Hội Nông dân tỉnh đưa đi tham quan mô hình trồng mận trái vụ cho hiệu quả kinh tế cao tại 2 huyện Mộc Châu và Yên Châu.
Sau khi tham quan, cộng với việc được cán bộ Hội Nông dân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Sơn La hỗ trợ vật tư và hướng dẫn kỹ thuật, gia đình anh Chaư đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cải tạo vườn mận theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.
|
Trái mận rải vụ thơm ngon, ngọt, giòn của nhà anh anh Chaư. Ảnh: Tuệ Linh.
|
|
Trồng mận rải vụ giúp kéo dài thời gian thu hoạch, nâng cao giá trị quả mận hậu. Ảnh: Thúy Hạnh.
|
Cụ thể, để cây mận hậu cho ra quả rải vụ, gia đình anh Chaư tiến hành cắt tỉa hạ cành, tạo tán, bón phân, kích cho mận ra hoa, đầu tư hệ thống tưới ẩm tự động. Nhờ vậy, vườn mận của anh Chaư cho quả to, ngon, ngọt, giòn, dóc hạt.
"Sau khi thu hoạch xong, tháng 7 tiến hành bón phân, cắt tỉa cho cây mận thông thoáng. Tháng 10, phun phòng rệp và các loại sâu. Tháng 11 đến tháng 12, bấm ngọn, phun thuốc ủ mầm hoa, kích hoa, bón phân, tưới nước… tuân thủ đúng kỹ thuật được tập huấn. Đặc biệt, làm mận rải vụ bắt buộc phải có nước tưới", anh Chaư tiết lộ.
Với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh cây mận, gia đình anh Chaư có mận hậu bán rải vụ từ tháng 1 đến hết tháng 5. Vì vậy, quả mận cho hiệu quả kinh tế cao trung bình gấp 50 lần mận chính vụ.
"Tháng 1 năm nay, gia đình bán mận rải vụ với giá 150.000 – 180.000 đồng/kg. Cá biệt cùng thời điểm này năm ngoái bán được giá 300.000 đồng/kg. Hiện, giá mận rải vụ tại vườn đang bán từ 50.000 – 100.000 đồng/kg tùy loại. Tính tổng cả mận rải vụ, chính vụ, trung bình mỗi năm gia đình lãi khoảng từ 200 – 300 triệu đồng từ trồng mận", anh Chaư nói.
|
Do điều kiện không có nước nên hiện anh Chaư mới áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật làm mận rải vụ trên 80 gốc mận hậu. Ảnh: Thúy Hạnh.
|
|
Vườn mận rải vụ được anh Chaư áp dụng kỹ thuật cắt tỉa, tạo tán nên ở gốc mận cũng cho ra quả. Ảnh: Tuệ Linh.
|
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Cọ ông Quàng Văn Hải đánh giá, mô hình trồng mận rải vụ của hội viên nông dân Lèo Văn Chaư là mô hình điển hình của xã và thành phố. Trồng mận rải vụ cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần mận chính vụ. Từ trồng mận rải vụ, mỗi năm gia đình anh Chaư có thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Với việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào chăm sóc mận hậu rải vụ đã giúp gia đình anh Chaư kéo dài thời gian thu hoạch, nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích canh tác. Đây là mô hình điển hình để giúp các hộ nông dân trồng mận học hỏi và làm theo. Qua đó, góp phần giúp người nông dân làm giàu trên chính mảnh đất mình sinh ra.
Theo Dân Việt