Ít ai nghĩ rằng, cách đây hơn 4 năm anh Trúc từng là kỹ sư điện.
Ngã rẽ bất ngờ đến với cây nấm
Qua nhiều cuộc điện thoại, chúng tôi cũng hẹn gặp để được tới thăm HTX Nông sản hữu cơ Trúc Phượng do anh Lê Đình Trúc (sinh năm 1985) ở thôn Hùng Sơn, xã Yên Thọ, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa.
Anh Trúc cũng chính Giám đốc Hợp tác xã. Điều khiến chúng tôi khâm phục ở vị giám đốc này là một người luôn có hoài bão lớn, muốn xây dựng mô hình nấm công nghệ cao hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP cho sản phẩm nấm của địa phương mình.
|
Lê Đình Trúc, thôn Hùng Sơn, xã Yên Thọ, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa từ chàng kỹ sư điện thành công với mô hình nấm công nghệ cao cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm. |
Dẫn chúng tôi đi thăm quan mô hình trồng nấm của HTX Trúc Phượng, giám đốc Lê Đình Trúc tâm sự, cho đến tận bây giờ anh vẫn không thể tin vào những gì mình đã vượt qua để có được những thành quả ban đầu mà HTX đang có như hiện nay.
Trao đổi với phóng viên Báo Dân Việt anh Lê Đình Trúc tâm sự: "Đầu năm 2016, đó là là một kỷ niệm buồn nhất trong cuộc đời tôi và nó cũng là ngã rẽ định mệnh mang tôi đến với cây nấm như hiện nay. Khi đó, bố tôi đang làm chủ nhiệm HTX trồng nấm tại địa phương nhưng do bị bệnh bố tôi đã ra đi mãi mãi, để lại nhiều trăn trở về cây nấm. Trước lúc mất, bố tôi có tâm niệm mong có người nối nghiệp ông duy trì và phát triển cây nấm hơn nữa".
Lúc bấy giờ, để đáp lại tâm niệm cuối cùng của người bố đã mất, Lê Đình Trúc bỏ nghề kỹ sư điện đưa vợ con về quê nối nghiệp bố để trồng nấm.
Thất bại để thành công
Tiếp quản lại cơ ngơi trồng nấm của người bố để lại nhưng với phương pháp sản xuất cũ, năng suất thấp… Lê Đình Trúc quyết định dốc toàn bộ số vốn tích lũy để đầu tư xây dựng lại hệ thống nhà màng, mở rộng quy mô, cải tiến máy móc theo phương hướng trồng nấm công nghệ cao.
|
Trải qua nhiều thất bại, Lê Đình Trúc, thôn Hùng Sơn, xã Yên Thọ, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa đã thành công với mô hình trồng nấm công nghệ cao. |
Nhưng khi bắt tay vào làm nấm thì chàng kỹ sư điện Lê Đình Trúc mới nhận thấy khó khăn muôn vàn đang chờ đợi phía trước anh, từ những thất bại như phôi giống không tốt, quá trình hấp sấy và khử trùng không đảm bảo nhiệt độ, hay quy trình chăm sóc không đúng khiến… HTX nấm của anh liên tục thua lỗ.
Thất bại là vậy, nhưng với ý chí của một người nông dân cần cù, Lê Đình Trúc đã không nản lòng. Mặt khác, anh càng hăng say tìm hiểu hơn về cây nấm, anh hăng say đến độ đam mê cây nấm từ lúc nào không hay.
Sau nhiều lần thất bại Lê Đình Trúc cũng đã dần đúc rút được nhiều kinh nghiệm trồng nấm. Đắng lòng, anh mới phát hiện nguyên nhân nấm không thành là do nhiệt độ môi trường ở mỗi nơi một khác.
Theo anh Lê Đình Trúc, cây nấm không ưa thời tiết nắng nóng, muốn cây nấm sống khỏe và phát triển tốt phải tạo được điều kiện khí hậu thuận lợi. Sau khi tìm ra phương pháp, anh quyết định huy động thêm vốn để tiếp tục lại sự nghiệp.
Khắc phục nguyên nhân ấy, những lứa nấm của anh bắt đầu cho "trái ngọt", 80% số bịch phôi được nuôi trồng đều thành công.
|
Lê Đình Trúc, thôn Hùng Sơn, xã Yên Thọ, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa còn sáng chế ra lò hấp, làm tăng năng suất cho mỗi lần hấp nguyên liệu trồng nấm. |
Sau đó, anh đầu tư xây dựng nhà giàn, hệ thống phun nước tự động… điều đặc biệt, anh Trúc đã quyết định lắp đặt các giá đỡ để nuôi nấm vừa thuận lợi trong việc chăm sóc, cũng như giúp cây nấm phát triển hơn...
Theo kinh nghiệm trồng nấm của anh Lê Đình Trúc thì việc trồng nấm quan trọng nhất là phải khắc chế được thời tiết. Nấm thường bị bệnh do thời tiết không đảm bảo để nó sinh trưởng, các bệnh thường gặp ở nấm chủ yếu là do vi rút nấm khác xâm nhập.
Và rồi, thành công cũng đã đến với anh. Sau nhiều năm tâm huyết với cây nấm, đến nay Lê Đình Trúc đang là chủ sở hữu HTX Nông sản hữu cơ Trúc Phượng rộng 5.000 m2 với doanh thu hơn 1,7 tỷ đồng mỗi năm.
Thực hiện chương trình mỗi xã 1 sản phẩm-OCOP, Hợp tác xã của anh Trúc có 3 loại nấm đạt OCOP chuẩn 3 sao cấp tỉnh Thanh Hóa gồm nấm mộc nhĩ, nấm linh chi và nấm bào ngư xám.
Mỗi năm HTX Trúc Phượng xuất ra thị trường khoảng 400.000 bịch nấm các loại. Dự kiến đến năm 2021 số lượng sẽ tăng lên 500.000 bịch.
Trong đó, nấm bào ngư là một trong những mặt hàng bán chạy nhất và đây cũng là sản phẩm được đầu tư trồng nhiều nhất tại cơ sở.
Năm 2019 vừa qua, anh xuất bán ra thị trường hơn 300.000 bịch (khoảng 40 tấn), với giá bán 35.000 đồng/1kg (sỉ) và 40 nghìn/1kg (lẻ), thị trường tiêu thụ chủ yếu là Hà Nội và Thanh Hóa.
|
Mỗi năm HTX Trúc Phượng, do anh Lê Đình Trúc, thôn Hùng Sơn, xã Yên Thọ, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa làm giám đốc sản xuất ra thị trường khoảng 400.000 bịch nấm các loại. |
"Nghĩ lại, lúc đó mình quá liều, khi ấy tôi chưa biết một chút gì về cây nấm, tất cả mọi thứ liên quan đến cây nấm lúc bầy giờ là một điều hoàn toàn mới mẽ với tôi. Quyết định khi đó của tôi là khá táo bạo khiến vợ và gia đình vô cùng bất ngờ nhưng rồi ai cũng ủng hộ" - anh Lê Đình Trúc nói.
Tạo uy tín trên thị trường
Đưa chúng tôi đi thăm trại nấm, anh Trúc cho biết, tất cả phải có bí quyết. Điều quan trọng là phải uy tín, đảm bảo chất lượng và ưu đãi về giá. "Mình làm đúng, làm chuẩn thì mới có nhiều nấm thành phẩm chất lượng. Từ đó uy tín ngày càng tăng và lượng hàng bán ra ngày một nhiều" - anh Trúc nói.
Để đảm bảo chất lượng phôi, anh Trúc phải tự kiểm tra tất cả khâu sản xuất. Đầu tiên là khâu chọn bột gỗ, sau đó vô men, ủ phôi, vô meo, lên giàn nấm... Các khâu đều có phương pháp làm và tỷ lệ riêng.
Do nhu cầu tiêu thụ trên thị trường tăng cao nên HTX Trúc Phượng hiện tập trung nhiều vào trồng nhiều nấm bào ngư xám. Anh Trúc cho biết, loại nấm này rất sạch, đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường. Để nấm phát triển, anh lắp đặt dàn phun sương tự động. Với hệ thống này, nhà nấm đủ độ ẩm để nấm phát triển tốt.
Nói về nấm bào ngư xám, anh Trúc cho hay: "Nấm bào ngư xám là một trong những giống nấm khó chăm sóc. Tuy nhiên, đây lại là loại nấm dễ bán trên thị trường. Nấm bào ngư xám có ưu điểm dễ ăn, ngon, bổ dưỡng mà giá thành lại tầm trung bình nên được nhiều người đón nhận."
|
Thực hiện chương trình mỗi xã 1 sản phẩm OCOP, hợp tác xã của anh Trúc có 3 loại nấm đạt OCOP chuẩn 3 sao cấp tỉnh Thanh Hóa là nấm mộc nhĩ, nấm linh chi và nấm bào ngư xám. |
Theo anh Trúc sản phẩm cung cấp ra thị trường đảm bảo nguyên tắc 100% sạch, vì vậy HTX đã đầu tư mua thêm trang thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất như dây chuyền đóng bịch tự đồng, dây chuyền khử trùng, đóng gói.
HTX còn xây dựng nhà cấy giống, nhà ươm, nhà nuôi trồng nấm theo quy trình VietGAP, áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ Nhật Bản trong nuôi trồng nấm.
Nhờ làm đúng quy trình, kỹ thuật và giữ uy tín nên nấm của gia đình anh được người tiêu dùng ưa chuộng.
Chia sẻ về hướng đi sắp tới anh Lê Đình Trúc, thôn Hùng Sơn, xã Yên Thọ, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong thời gian tới anh sẽ mở rộng mô hình hơn nữa. Theo đó, anh sẽ thuê lại khoảng 2 ha đất để mở rộng nhà xưởng, tăng sản lượng khai thác lên gấp 2 - 3 lần trong năm 2021. Ngoài ra, HTX đang trong quá trình xây dựng chỉ dẫn địa lý và bảo hộ thương hiệu, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nấm của mình.
Ông Nguyễn Hữu Quang - Chủ tịch UBND xã Yên Thọ, huyện Như Thanh (tỉnh Thanh Hóa) cho biết: "Từ những hoạt động có hiệu quả kinh tế, có thể nói HTX Trúc Phượng là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông sản hữu cơ của huyện Như Thanh. HTX đã mạnh dạn đầu tư khoa học, công nghệ tiên tiến để sản xuất nấm theo hướng hữu cơ, thực hiện việc phát triển sản xuất theo mô hình gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho các thành viên, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng NTM của địa phương.
Với thành tích vượt khó vươn lên làm giàu trong lao động sản xuất, trong phong trào thi đua của địa phương, vừa qua, anh Lê Đình Trúc được Hội đồng chung khảo bình chọn là 1 trong 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2020".
Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2020" sẽ được tổ chức trọng thể vào trung tuần tháng 10/2020 tại Thủ đô Hà Nội nhân Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2020).
|
Theo Dân Việt