Trà hoa vàng (hay còn gọi là kim hoa trà) từ lâu đã được ví như vàng. Vậy trà hoa vàng có tác dụng gì? Trà hoa vàng có tác dụng rất tốt trong việc phòng, chống rối loạn chuyển hóa chức năng, chống lão hóa, ngăn chặn, ức chế phát triển ung thư... Loại cây dược liệu quý hiếm này được tìm thấy ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc và tỉnh Quảng Ninh, Vĩnh Phúc của nước ta.
|
Người dân huyện Tam Đảo trồng và thu hái trà hoa vàng-loại cây trồng được coi là "vàng xanh" với giá trị kinh tế rất cao trong những năm gần đây. Ảnh: IT. |
Ở Vĩnh Phúc, trà hoa vàng được tìm thấy tại Tam Đảo. Ông Bùi Văn Cầu, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Tam Đảo cho biết: "Trước đây, người dân Tam Đảo chưa chú ý đến cây trà hoa vàng, nhưng sau khi thấy các thương lái ở các nơi khác đến tìm và khai thác, rồi bán sang Trung Quốc, người dân Tam Đảo bắt đầu tìm hiểu về cây trà hoa vàng mọc hoang trên chính đất cằn của mình".
|
Kinh tế của gia đình anh Nguyễn Văn Sâm, thôn Đồng Bùa, xã Tam Quan (Tam Đảo) khấm khá hẳn lên nhờ nhân giống thành công loại dược liệu quý trà hoa vàng. Mỗi năm gia đình anh Sâm lãi hàng trăm triệu đồng từ trồng trà hoa vàng. Ảnh: Thu Thủy. |
Từ những năm 2014-2015, người dân Tam Đảo bắt đầu tìm kiếm những cây trà hoa vàng trong rừng sâu và nhân giống để trồng. Gia đình anh Nguyễn Văn Sâm là hộ đầu tiên trong xã Tam Quan trồng loại cây này. Ban đầu khi trồng, gia đình anh không biết hoa có giá trị kinh tế mà chỉ bán lá với 50.000 đồng/kg. Khi thấy thị trường ngày càng có nhu cầu sử dụng hoa, anh đầu tư, chăm sóc theo quy trình nghiêm ngặt và nhân giống thành công. Lứa thu hoạch đầu tiên, gia đình anh cũng thu được vài trăm triệu đồng.
Khi biết giá trị của trà hoa vàng, gia đình anh Sâm đã mở rộng diện tích trồng gần 2ha với 5 vạn cây giống. Hiện nay, anh chủ yếu cung cấp các giống trà hoa vàng cho thị trường Nhật Bản, Úc và Trung Quốc. Nhờ loại cây này, kinh tế gia đình anh Sâm khá giả hẳn lên.
|
Người dân huyện Tam Đảo trồng trà hoa vàng thu hái hoa tươi hiện bán với giá 1,5 triệu đồng/kg. |
Trên địa bàn huyện Tam Đảo có khoảng 10ha vườn trồng trà hoa vàng của các gia đình, tập trung chủ yếu ở các xã Tam Quan, Đại Đình. Cây trà hoa vàng được mệnh danh là “vàng xanh” của vùng đất Tam Đảo. Hiện nay, hoa trà tươi có giá khoảng 1,5 triệu đồng/kg, hoa trà sấy khô giá khoảng 22 triệu đồng/kg, lá trà khô giá 300.000 đồng/kg. Thị trường của trà hoa vàng rất tiềm năng, việc cung ứng hiện nay chỉ đáp ứng được một phần nhỏ bộ phận khách hàng.
Nhận thức giá trị của loại "vàng" đang trổ trên đất "cằn", UBND huyện Tam Đảo đã xây dựng dự án đề xuất UBND tỉnh khôi phục và bảo tồn cây dược liệu trên địa bàn nói chung và cây trà hoa vàng nói riêng.
Hiện nay, Tam Đảo đã khôi phục, phát triển các loại dược liệu bản địa, trong đó có trà hoa vàng, phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương. Huyện đã đưa vào bảo tồn hơn 250 loài cây dược liệu, lưu giữ nguồn gen đặc hữu có giá trị và nguy cơ tuyệt chủng cao; đồng thời, quan tâm, xây dựng vườn ươm và nơi lưu giữ nguồn giống.
|
Một vườn ươm cây giống trà hoa vàng trên địa bàn huyện Tam Đảo. Ảnh: KH&PT. |
Dự kiến, đến cuối năm 2021, toàn huyện sẽ cung cấp 80% giống dược liệu sạch, chất lượng cao cho thị trường; hơn 560ha cây dược liệu được đầu tư, khôi phục và phát triển, trong đó, có 45 ha dược liệu cũ, 510 ha trồng mới và khoảng 5ha đang quy hoạch, bảo tồn như: Trà hoa vàng, ba kích, sâm nam, đinh lăng và cà gai leo.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo Lê Quý Dương cho biết: "Tam Đảo đã hình thành vùng dược liệu quy mô lớn với những mô hình trồng cây đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Ba kích, đinh lăng, trà hoa vàng... Tuy nhiên, việc phát triển cây dược liệu thời gian qua còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, tốc độ phát triển chậm, chưa hình thành vùng hàng hóa; việc chế biến mới dừng lại ở mức sơ chế đơn giản và xuất bán thô".
Vì vậy, để bảo tồn nguồn dược liệu quý này, trước mắt, cần xây dựng thương hiệu sản phẩm “Trà hoa vàng Tam Đảo”, trong đó, trồng mới hơn 100ha trà hoa vàng, xây dựng quy trình chế biến, đóng gói, có chỉ dẫn địa lý và đăng ký thương hiệu sản phẩm.
Bên cạnh đó, hỗ trợ các vườn ươm giống, bảo tồn nguồn giống để đảm bảo giống cây dược liệu phù hợp với nhu cầu của địa phương và kiểm soát được chất lượng nguồn giống; đồng thời, hỗ trợ về KHKT để sản phẩm có chất lượng tốt nhất khi được xử lý, bảo quản tốt sau thu hoạch; hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp tham gia sản xuất, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm...
Theo Thu Thủy (Báo Vĩnh Phúc)