Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã: HBC) vừa công bố thông tin đã nhận được thư trúng thầu 5 dự án xây dựng nhà ở xã hội của Bộ đất đai, Công trình công cộng, Nhà ở và Phát triển Đô thị Kenya. Theo công bố, các dự án nhà ở xã hội này được triển khai dành cho lực lượng cảnh sát, quân đội và sinh viên trường Đại học Kỹ thuật của Kenya.
Cụ thể, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình sẽ là tổng thầu thiết kế và thi công nhà ở cùng cơ sở hạ tầng cho các đơn vị gồm: Trường Đào tạo đơn vị dịch vụ tổng hợp Embakasi; Trụ sở cảnh sát Ruiru; Nhà ở trụ sở chính Buruburu; Trường Đào tạo cảnh sát quốc gia Kiganjo; Trường Đại học Kỹ thuật Kenya. Cả 5 dự án này có quy mô khoảng 3.400 căn hộ, tổng giá trị hợp đồng dự kiến khoảng 72 triệu USD.
Ngoài ra, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết, đã nhận được thư mời vào vòng trong cho 2 dự án nhà ở xã hội khác tại Kenya. Tổng số lượng căn hộ trong 2 dự án này dự kiến khoảng 6.200 căn, với tổng giá trị hợp đồng tương đương 91,6 triệu USD. Nếu trúng thầu thêm 2 dự án này, tổng giá trị các hợp đồng xây dựng nhà ở xã hội tại Kenya của Hòa Bình sẽ lên đến 163,6 triệu USD.
Chia sẻ về việc hoạt động tại Kenya, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho hay: “Trước mắt, Hòa Bình sẽ tập trung vào phân khúc nhận thầu xây dựng các dự án nhà ở xã hội, sau đó tiến đến thi công các dự án cao cấp hơn”.
|
Trúng thầu 5 dự án NOXH tại Kenya, nguồn tiền Hoà Bình sao? (ảnh minh họa: Internet). |
Nợ vay gấp 10 lần vốn chủ sở hữu
Nhìn lại báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2023 đã được công bố cho thấy, doanh thu của Xây dựng Hòa Bình trong kỳ đạt 2.190 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhờ giá vốn hàng bán giảm mạnh 41% so với cùng kỳ, giúp công ty lãi gộp hơn 53 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 426 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của Hòa Bình đạt hơn 20 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là âm hơn 112 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính được tiết giảm 17% so với cùng kỳ về còn 135 tỷ đồng, ngược lại chi phí bán hàng tăng 15% lên mức 16,8 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn ghi nhận khoản lỗ hơn 32 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết.
Đáng chú ý, trong quý cuối năm 2023, khoản mục chi phí quản lý doanh nghiệp của Xây dựng Hòa Bình ghi nhận được hoàn nhập 223 tỷ đồng. Theo thuyết minh, đây là khoản hoàn nhập trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi ở mức 310 tỷ đồng. Kết quả trừ chi phí, Xây dựng Hòa Bình báo lãi sau thuế hơn 101 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 1.201 tỷ đồng và dứt mạch 4 quý lỗ liên tiếp.
Tính chung cả năm 2023, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần giảm 47% so với năm trước, còn 7.546 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế âm hơn 782 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 2.570 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ (lỗ ròng) ghi nhận lỗ hơn 777 tỷ đồng, so với cùng kỳ 2.566 tỷ đồng. Với kết quả trên, công ty đã không thể hoàn thành kế hoạch đặt ra cho năm 2023 là đạt doanh thu 12.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng.
Thêm nữa, với việc lỗ ròng hơn 777 tỷ đồng trong năm 2023, tổng số lỗ lũy kế của Xây dựng Hòa Bình tại ngày 31/12/2023 lên tới gần 2.878 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tăng khiến cho vốn chủ sở hữu của công ty giảm 63% so với đầu năm xuống 453 tỷ đồng. Đồng thời, lỗ lũy kế của công ty đã vượt mức vốn điều lệ (2.741 tỷ đồng).
Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của Xây dựng Hòa Bình ở mức hơn 13.054 tỷ đồng, giảm 16% so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn chiếm phần lớn với 8.820 tỷ đồng, giảm 20% so với đầu năm. Lượng tiền mặt và tiền gửi chỉ còn hơn 400 tỷ đồng. Hàng tồn kho ở mức 2.338 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với đầu năm.
Bên kia bảng cân đối kế toán hợp nhất, nợ phải trả của Xây dựng Hòa Bình ghi nhận ở mức hơn 12.601 tỷ đồng, giảm 12% so với đầu năm, chủ yếu là nợ ngắn hạn với 11.138 tỷ đồng. Nợ vay tài chính chiếm gần 4.718 tỷ đồng, so với đầu năm giảm hơn 1.412 tỷ đồng và gấp hơn 10 lần vốn chủ sở hữu (453 tỷ đồng).
Trong một diễn biến khác, trước đó, vào ngày 2/2/2024, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) đã có văn bản lưu ý về việc cổ phiếu HBC của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình có khả năng bị hủy niêm yết nếu công ty tiếp tục vi phạm quy định về niêm yết.
Cụ thể, cổ phiếu HBC đang trong diện bị kiểm soát của HoSE do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm trong 2 năm liên tiếp. Theo quy định, nếu chậm nộp liên tiếp 3 năm, cổ phiếu của công ty đại chúng sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc. Do đó, HoSE lưu ý cổ phiếu HBC có thể sẽ bị hủy niêm yết nếu công ty tiếp tục chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2023.
Liên Hà Thái