Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) vừa có thông báo sẽ hủy bỏ niêm yết bắt buộc đối với hơn 101,5 triệu cổ phiếu TTB của Công ty CP Tập đoàn Tiến Bộ do vướng hàng loạt vi phạm về công bố thông tin. Theo đó, giá trị chứng khoán bị hủy niêm yết là hơn 1.015 tỷ đồng. Ngày hủy niêm yết có hiệu lực là ngày 8/1/2024.
Cụ thể, HoSE cho biết, cổ phiếu TTB của Công ty CP Tập đoàn Tiến Bộ đã bị đình chỉ giao dịch từ ngày 7/7 theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 27/6/2023. Đến ngày 11/9/2023, HoSE tiếp tục đưa ra văn bản đình chỉ giao dịch cổ phiếu TTB do công ty này tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi bị đưa vào diện hạn chế giao dịch. Đến nay, Tập đoàn Tiến Bộ chưa khắc phục được nguyên nhân đưa chứng khoán vào diện bị đình chỉ giao dịch.
Ngoài ra, cổ phiếu TTB còn nằm trong diện kiểm soát của HoSE theo quyết định ngày 20/9/2023 do chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 quá 30 ngày so với thời hạn quy định.
Theo HoSE, đến nay, Tập đoàn Tiến Bộ chưa công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023. Bên cạnh đó, kể từ thời điểm bị đình chỉ giao dịch đến nay, các vi phạm công bố thông tin của Tập đoàn Tiến Bộ chưa được khắc phục, có khả năng tiếp tục xảy ra và kéo dài, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông.
|
Công ty CP Tập đoàn Tiến Bộ nhiều lần bị xử phạt vì các vi phạm liên quan đến lĩnh vực chứng khoán. (Ảnh minh họa: Internet).
|
Ở diễn biến liên quan, trong văn bản giải trình và đưa ra biện pháp khắc phục vi phạm quy định về công bố thông tin, Tập đoàn Tiến Bộ cho biết, vào tháng 2/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên đã ra quyết định khởi tố đối với 4 bị can đều thuộc Tập đoàn Tiến Bộ. Sau đó, công ty đã có những thay đổi về nhân sự cấp cao. HĐQT và ban giám đốc cũng đang nỗ lực cùng đơn vị kiểm toán để hoàn thiện báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023.
Liên tiếp vi phạm công bố thông tin, bị xử phạt
Đáng chú ý, trong quá trình hoạt động trên thị trường chứng khoán, đây không phải là lần đầu tiên Tập đoàn Tiến Bộ bị xử phạt vì các vi phạm liên quan đến công bố thông tin.
Gần nhất, ngày 21/11/2023, Tập đoàn Tiến Bộ bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 260 triệu đồng do vi phạm công bố thông tin. Trong đó, Tập đoàn Tiến Bộ bị phạt 85 triệu đồng do không công bố báo cáo tài chính bán niên 2023 đã được soát xét và bị phạt 175 triệu đồng do công bố thông tin sai lệch. Mặt khác, Tập đoàn Tiến Bộ còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cải chính thông tin theo quy định.
Tương tự, hồi tháng 6/2023, Tập đoàn Tiến Bộ bị xử phạt 92,5 triệu đồng do không công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, đồng thời không công bố thông tin theo quy định pháp luật.
Trước đó, tháng 2/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên đã khởi tố 4 bị can thuộc Tập đoàn Tiến Bộ do liên quan đến vụ án cố ý công bố thông tin sai lệch trong hoạt động chứng khoán.
Trong quá khứ, cổ phiếu TTB cũng từng vướng vào một vụ việc thao túng giá cổ phiếu. Ngày 28/1/2022. Cụ thể, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định xử phạt 2 cá nhân là ông Dương Thanh Xuân và ông Nguyễn Thành Nam bị xử phạt mỗi người 600 triệu đồng vì đã cùng sử dụng 102 tài khoản để tạo cung cầu giả thao túng giá cổ phiếu TTB. Tuy nhiên, hai cá nhân này chỉ bị phạt hành chính mà không bị truy tố trách nhiệm hình sự vì chưa thu lợi bất hợp pháp.
Hay, vào tháng 12/2021, Tập đoàn Tiến Bộ bị phạt 70 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định đối với báo cáo tiến độ sử dụng vốn thu được trong đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ; báo cáo tài chính bán niên soát xét 2019; thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành ngày 1/12/2020.
Tiếp đến, tháng 8/2019, Tập đoàn Tiến Bộ cũng bị xử phạt tổng cộng 225 triệu đồng, không những thế còn có tình tiết tăng nặng là vi phạm nhiều lần.
Doanh thu đi lùi, lợi nhuận lao dốc
Công ty CP Tập đoàn Tiến Bộ có tiền thân là Doanh nghiệp tư nhân Công nghiệp và Thương mại Tiến Bộ, được thành lập năm 1998. Trụ sở chính công ty hiện nay đặt tại tổ 3, phường Quang Vinh, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Thanh Hưng.
Trên website doanh nghiệp, Tập đoàn Tiến Bộ giới thiệu là công ty kinh doanh đa ngành nghề, ở nhiều lĩnh vực mũi nhọn như: Bất động sản, sắt thép, vật liệu xây dựng, sản xuất quả cầu lông tiêu chuẩn thi đấu, giàn giáo, cốp pha. Trong đó nổi bật là các dự án bất động sản ở Thái Nguyên, Bắc Giang như: TTB Riverside; Green City Bắc Giang, Lotus Star…
|
Dự án Nhà ở chung cư thương mại tại Khu dân cư (dự án Green City Bắc Giang) do Công ty CP Tập đoàn Tiến Bộ làm chủ đầu tư. Ảnh: Internet.
|
Tập đoàn Tiến Bộ hiện có vốn điều lệ hơn 1.015 tỷ đồng. Năm 2015, cổ phiếu TTB chính thức được giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và đến năm 2018 thì chuyển niêm yết giao dịch sang sàn HoSE.
Nhìn lại kết quả kinh doanh quý III/2023, Tập đoàn Tiến Bộ ghi nhận doanh thu thuần đạt 24 tỷ đồng, giảm gần 94% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán giảm mạnh về 21,2 tỷ đồng, tương ứng giảm 94,5% so với cùng kỳ. Cùng với việc không thể cắt giảm chi phí điều hành, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp chỉ đạt 2,8 tỷ đồng, giảm gần 26% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh 99,9%, xuống còn hơn 202.000 đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 2,9 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm 68% về mức 834 triệu đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay. Cùng với đó, chi phí bán hàng và chi phí doanh nghiệp ghi nhận đạt 135 triệu đồng và 2,07 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 79% và 27,7% so với cùng kỳ. Kết quả, Tập đoàn Tiến Bộ báo lãi sau thuế âm 306 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 516 triệu đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Tập đoàn Tiến Bộ ghi nhận doanh thu thuần đạt 45 tỷ đồng, giảm 94% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi gộp tăng nhẹ lên mức 10,9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế âm 845 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước ghi nhận lãi gộp 8,5 tỷ đồng và 1,34 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Tại ngày 30/9/2023, quy mô tài sản của Tập đoàn Tiến Bộ ghi nhận đạt gần 1.816 tỷ đồng, giảm 9% so với đầu năm. Trong đó, chiếm phần lớn là khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng 738 tỷ đồng; đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết 257 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn khác 155 tỷ đồng; phải thu dài hạn khác 90 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, hàng tồn kho ghi nhận 166 tỷ đồng, chiếm chủ yếu là hàng hóa hơn 155 tỷ đồng, còn lại là nguyên vật liệu và thành phẩm. Ngoài ra, chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn là 121 tỷ đồng, toàn bộ là chi phí chung cư Tiến Bộ. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang là 245 tỷ đồng, trong đó chi phí lớn nhất là dự án Chung cư Green City Bắc Giang (237 tỷ đồng); dự án Đại Từ - Thái Nguyên (6,2 tỷ đồng); nhà xưởng kết hợp văn phòng (1,5 tỷ đồng).
Tính đến cuối quý III/2023, nợ phải trả của Tập đoàn Tiến Bộ ở mức 765 tỷ đồng, giảm 19%. Trong đó, chủ yếu là nợ ngắn hạn với 640 tỷ đồng, nợ dài hạn gần 125 tỷ đồng. Tổng vay và nợ thuê tài chính gần như không đổi so với thời điểm đầu năm, ghi nhận ở mức 180 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ghi nhận đạt 1.050 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 26,2 tỷ đồng.
Trong một diễn biến khác, ngày 20/11 vừa qua, HĐQT Công ty CP Tập đoàn Tiến Bộ vừa phê duyệt hợp tác kinh doanh cùng với liên danh 3 công ty để thực hiện dự án đầu tư nhà chung cư thương mại tại Bắc Giang. Địa điểm thực hiện dự án tại lô đất ký hiệu CT3 thuộc quy hoạch chi tiết Khu dân cư cạnh đường Xương Giang, phường Xương Giang, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
Tổng nhu cầu vốn của dự án là hơn 780 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Tiến Bộ góp hơn 624 tỷ đồng (chiếm 80%); 156 tỷ đồng còn lại từ liên danh 3 công ty gồm Công ty CP Đầu tư Địa ốc Đất Vượng, Công ty CP Bengal Việt Nam và Công ty CP Thương mại Tổng hợp Thái Nguyên (chiếm 20%).
Liên Hà Thái