Từ chuyện Hưng Vlog: Cần bài trừ YouTuber bẩn, minh bạch việc đóng thuế

Google News

Nhiều YouTuber Việt Nam đang có mức thu nhập cao nhờ làm vlog. Liệu những cá nhân này có nộp thuế đúng theo quy định?

Tu chuyen Hung Vlog: Can bai tru YouTuber ban, minh bach viec dong thue
Nhiều YouTuber làm nội dung câu view cần bài trừ. Ảnh: Cắt clip 
Ngày nay, YouTuber xuất hiện hàng loạt, đây được xem là một trào lưu ăn theo kiếm tiền online.
Bài trừ YouTuber, vlog bẩn
Mới đây, một YouTuber có tiếng là Hưng Vlog đã thực hiện clip phản cảm. Cụ thể, anh nấu cháo và bỏ con gà nguyên lông khiến dư luận bức xúc. Sau đó, Hưng Vlog đã bị Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang xử phạt 7,5 triệu đồng. Ngoài Hưng Vlog, Bà Tân Vlog cũng không ít lần bị chỉ trích vì thực hiện các món ăn mất vệ sinh. Khoa Pug từng bị chỉ trích vì xem thường phụ nữ Nhật...
Một trong những YouTuber chuyên làm những nội dung nguy hiểm mang tính “thử thách” là NTN với clip diễn trò thả dao từ trên cao đầy nguy hiểm. Sau vụ này, TNT đã phải lãnh nhiều phản ứng từ dư luận, sau đó nam YouTuber này đã phải gỡ bỏ clip...
Bên cạnh những vlog phản cảm, giới YouTube có không ít nội dung lành mạnh, sáng tạo. Đặc biệt trong mùa dịch COVID-19, nhiều kênh nội dung lành mạnh trên YouTube đã đóng vai trò tích cực giúp nhiều người dân học tập của Khoai Lang Thang, Giang ơi...
Trao đổi với báo Lao Động, YouTuber nổi tiếng Khoai Lang Thang - người chuyên làm những video mang nguồn năng lượng tích cực đến người xem cho biết: "Với những gì mình làm, đăng lên mình phải chịu trách nhiệm với nó. Tôi nghĩ khi làm sáng tạo nội dung, quan trọng nhất là làm cái mình có lợi thế và có cảm xúc. Như vậy mình mới có thể đi lâu dài và thành công được.
Tôi nghĩ trong xã hội luôn có sự đa dạng. Có cầu ắt có cung, nên quan trọng vẫn nằm ở khán giả, khán giả sẽ là người quyết định mình muốn xem gì. Và có nhiều nội dung có thể không phù hợp với trẻ em, nên cách tốt nhất là phụ huynh nên tìm hiểu thêm cách quản lý những nội dung của các em nhỏ xem trên mạng".
Tiến sĩ tâm lý Hoàng Oanh cho biết: “Việc hiện nay nhiều người làm video đăng tải lên YouTube với nội dung phản cảm xuất phát điểm từ câu chuyện muốn câu view thu hút. Ngoài ra, họ đánh vào tâm lý người xem thích cái gì đó độc lạ, đi ngược với những clip trước đây. Bên cạnh đó, với sức cạnh tranh của hàng loạt YouTuber hiện nay, thì họ phải tìm cách ngoi lên bằng những clip phản cảm.
Để hạn chế tình trạng này cần phải mạnh tay hơn trong việc xử lí vi phạm, có thể phạt hành chính thật nặng, thậm chí là xóa kênh vĩnh viễn nếu nghiêm trọng. Bên cạnh đó, vai trò của bố mẹ, phụ huynh rất quan trọng, cần định hướng con cái xem những video tốt, tránh sa vào những video thiếu chuẩn mực ”.
YouTuber có bị thu thuế?
Chính vì YouTube có chế độ trả tiền cho người làm nội dung nên đã xảy ra hiện tượng “người người làm YouTube, nhà nhà làm YouTube”.
Anh Dũng Phạm hiện đang quản lí 1 số kênh YouTube cho biết, ở Việt Nam thường doanh thu YouTube dao động trong khoảng 0.7 USD đến 1 USD/1.000 lượt xem, thậm chí cao hơn. Với những clip trên YouTube đạt 1 triệu lượt xem, nguồn thu sẽ khoảng 700 USD -1000 USD, tùy vào chất lượng video.
Chính vì thế, dễ dàng thấy thu nhập của các YouTuber ở Việt Nam như Hưng Vlog, Bà Tân Vlog là không nhỏ.
Truy thu thuế thế nào?
Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, lãnh đạo Cục thuế TPHCM cho biết, vừa qua Cục thuế cũng có truy thu thuế những cá nhân viết phần mềm trò chơi, khi có thông tin về doanh thu của những cá nhân này Cục thuế sẽ tiến hành thu thuế 7%. Vì vậy, những cá nhân là Vlog, YouTube thì vẫn được xếp vào diện như những cá nhân viết phần mềm và thu thuế theo dạng dịch vụ cá nhân kinh doanh.
Cục thuế có một bộ phận, có Phòng quản lý hộ kinh doanh sẽ chuyên theo dõi các cá nhân này trên mạng, khi phát hiện những cá nhân nào làm Vlog, YouTube có nhiều người theo dõi và phát sinh doanh thu, thì sẽ lập danh sách và phối hợp cùng ngân hàng để thu thuế các đối tượng này.


Theo Đình Dy - Cao Huân/Lao động