Từ nay đến cuối năm 2024, có còn cơ hội kiếm tiền từ vàng?

Google News

Trong thời gian còn lại của năm 2024, nhà đầu tư vẫn còn cơ hội kiếm tiền từ vàng và nên chọn vàng nhẫn hơn vàng miếng.

Năm 2023 và nửa đầu năm nay, vàng là loại tài sản đầu tư, cất trữ thu hút nhiều sự quan tâm, không những của nhà đầu tư thế giới hay các ngân hàng trung ương mà còn cả nhà đầu tư trong nước. Kênh đầu tư vàng đã có những thời điểm mang lại lợi suất tốt hơn so với nhiều tài sản khác.

Trong nửa đầu năm nay, hiệu suất các kênh đầu tư theo tính toán của WiGroup lần lượt như sau: vàng nhẫn 21,34%; cổ phiếu 10,04%; trái phiếu doanh nghiệp 7,84%; vàng SJC 4,03%; USD 3,99%; tiền gửi 2,42% và trái phiếu chính phủ 1,41%.

Đầu tư vàng nhẫn hấp dẫn hơn vàng miếng

Tuy nhiên gần đây có những dấu hiệu cho thấy làn sóng đầu tư vàng của nhà đầu tư trên thị trường toàn cầu có phần chững lại. Cập nhật mới nhất cho thấy, Ngân hàng trung ương của Trung Quốc không mua bất kỳ loại vàng nào trong vòng hai tháng 5 và 6-2024 trong bối cảnh giá vàng thế giới đang giảm từ mức cao kỷ lục.

Lượng vàng mà nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới mua vào cũng đang chững lại. Trong bối cảnh này, nhiều người không khỏi băn khoăn liệu không biết có nên tiếp tục đầu tư vào vàng trong thời gian còn lại của năm 2024.

Tu nay den cuoi nam 2024, co con co hoi kiem tien tu vang?
 Nhiều chuyên gia tư vấn tài chính cho rằng trong bối cảnh như hiện tại, các yếu tố hỗ trợ giá vàng tăng vẫn còn nhưng không quá mạnh, vì vậy nhà đầu tư cần đặc biệt cẩn trọng.

Nhận định về vấn đề này, ông Huỳnh Hoàng Phương, chuyên gia tư vấn tài chính, Công ty cổ phần FIDT (Đơn vị tư vấn đầu tư, quản lý tài sản) cho rằng trong thời gian còn lại của năm 2024, nhà đầu tư vẫn còn cơ hội kiếm tiền từ vàng. Từ đầu năm 2024, FDIT đã khuyến nghị nhà đầu tư nên có vàng trong danh mục và chọn vàng nhẫn bởi đối với vàng miếng, Việt Nam đang phải giải quyết các bài toán liên quan vấn đề liên quan đến chính sách.

Theo ông Phương, vàng nhẫn an toàn hơn vì biến động sát hơn với thế giới. Bản chất các tài sản biến động theo môi trường vĩ mô. Trong môi trường đó, mọi người sẽ nhìn vào câu chuyện kinh tế và các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá vàng.

Số liệu mà ông Phương có được cho thấy nếu thống kê trong giai đoạn khoảng 10 năm, ví dụ như từ 2012 đến 2022, về bản chất vàng là lớp tài sản rủi ro cao, lợi suất thấp. Nguyên nhân vì trong một chu kỳ kinh tế kéo dài, lạm phát thấp thì vàng không phát huy được giá trị của mình. Nhưng tính trong chu kỳ thực sự dài, ví như 50 năm thì câu chuyện hoàn toàn khác vì xảy ra nhiều giai đoạn lạm phát cao, rủi ro địa chính trị tăng, như vậy vàng sẽ phát huy lợi thế.

"Giai đoạn từ khi xảy ra dịch COVID-19 đến nay, lạm phát trỗi dậy, địa chính trị cũng biến động. Như vậy, môi trường vĩ mô hiện tại đang ủng hộ vàng, chừng nào những yếu tố này chưa chấm dứt, nhà đầu tư vẫn nên có vàng trong tài khoản", chuyên gia tài chính Huỳnh Hoàng Phương khuyến nghị.

Dư địa tăng giá vàng không còn nhiều

Ông Tạ Thanh Tùng, Trưởng bộ phận nghiên cứu & tư vấn bất động sản FDIT nhận định, vàng vẫn còn dư địa tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm nhưng mức độ không còn quá nhiều.

Trong ngắn hạn, nhà đầu tư có thể nắm giữ vàng nhưng không phải quá hấp dẫn để tăng tỷ trọng. Về dài hạn nếu kinh tế thế giới tốt hơn thì giá vàng sẽ ổn định hơn trong những giai đoạn không có biến động về chính trị.

Tiềm năng tăng giá của vàng không còn nhiều, đó chính là quan điểm của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam. Theo ông Minh, vàng là tài sản nắm khi có những bất ổn về kinh tế, chính trị, tuy nhiên thế giới đã đi qua những giai đoạn bất ổn nhất, tiềm năng tăng giá vàng không còn quá nhiều.

"Trong giai đoạn tới, vàng chỉ nên là kênh phòng thủ, phòng trường hợp có những cuộc khủng hoảng khác, không nên nắm giữ quá nhiều"- Ông Minh tư vấn.

Theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), giá vàng tăng có nguyên nhân do sự thúc đẩy của hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương, dòng đầu tư châu Á, căng thẳng địa chính trị và nhu cầu tiêu dùng.

Theo ước tính của WGC, nhu cầu từ các ngân hàng trung ương dự kiến góp phần thúc đẩy giá vàng tăng ít nhất 10% vào năm 2023 và có khả năng tăng 5% trong năm nay.

Hội đồng Vàng Thế giới dự báo, giá vàng có thể tiếp tục tăng: “Lực đỡ quan trọng của giá vàng có thể đến từ việc lãi suất giảm ở các thị trường phát triển, thu hút dòng đầu tư phương Tây, cũng như sự hỗ trợ liên tục từ các nhà đầu tư toàn cầu đang tìm cách phòng ngừa rủi ro bong bóng trong bối cảnh thị trường chứng khoán mất động lực và căng thẳng địa chính trị dai dẳng”.

Cũng theo phân tích của WGC, thị trường vàng thế giới vẫn chưa bão hòa và có thể tiếp tục tăng, nhưng ở mức độ hạn chế.

Theo PLO