Huyện Thạch Thất (Hà Nội) không chỉ nổi tiếng với nghề khai thác đá ong làm vật liệu xây dựng mà còn được biết đến nhờ nghệ thuật chế tác đá ong độc đáo. Bên cạnh những bức tượng 12 con giáp, phù điêu hoa sen, cây đa, bến nước, sân đình,... thì bộ phù điêu tứ quý bằng đá ong (tùng - cúc - trúc - mai) đẽo gọt công phu cũng được các đại gia ưa chuộng.
Gắn bó với nghề chế tác đá ong hơn chục năm nay, anh Nguyễn Huy (Thạch Thất) cho hay, thú trang trí nhà bằng đá ong hiện trở thành “mốt” của nhiều đại gia. Có người sẵn sàng chi hàng chục triệu để trang trí khuôn viên nhà bằng bộ tứ quý mang ý nghĩa phong thủy.
|
Phù điêu tùng - cúc - trúc - mai ngày càng hút khách sành chơi. |
Trong đó phải kể đến là bộ phù điêu tứ quý của một đại gia Quảng Ninh để trang trí cổng, sân vườn. “Trước khi làm, vị này sẽ mô phỏng mẫu, làm mẫu trên đá xanh thanh hóa, chất liệu khác và xem trước những mẫu tôi từng làm, thống nhất về kích thước, chất đá, họ đồng ý rồi mới đặt cọc”, anh nói.
Bộ gồm 4 bức tùng - cúc - trúc - mai, được làm từ những khối đá ong to, mịn, rắn chắc, già hơn so với loại đá khác và màu đá phải sáng vàng. Đây là loại đá ong tốt nhất, được người dân Thạch Thất gọi là đá thăn.
|
Phù điêu tứ quý có giá hàng chục triệu đồng. |
Anh Huy chia sẻ, do đây là bức phù điêu lớn nên phải dùng những khối đá to, được cẩu bằng máy ở độ sâu 1,5-2 mét. Sau đó, đá sẽ đẽo gọt thành phôi, rồi mới điêu khắc tỉa hình cây hoa cho hoàn thiện. Trong đó, khâu cuối điêu khắc thành hình tùng - cúc - trúc - mai với những cánh lá nhỏ là lâu và khó nhất, rất kén người, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao, trí tưởng tượng và đôi bàn tay khéo léo để làm sao bức điêu khắc phù hợp tỷ lệ, nhìn sống động, có hồn.
Bộ tứ quý điêu khắc trong hơn một tháng mới hoàn thiện, mỗi bức rộng khoảng 1 mét, cao 1,5 mét được đẽo gọt 10-15 ngày nên anh phải huy động 2-3 thợ cùng làm cho kịp tiến độ. Tuy nhiên, không phải ai cũng đáp ứng được yêu cầu, bởi với vị khách khó tính như vậy thì càng đòi hỏi sự tỉ mỉ, có con mắt nghệ thuật.
Anh Huy kể, vị gia chủ đặc biệt mê bộ phù điêu tứ quý này bởi không chỉ để trang trí, mà trong phong thủy còn có nghĩa cầu mong may mắn, bình an, tài lộc, gắn với đời sống tâm linh dân gian. Hơn nữa, đá ong còn mang nét tự nhiên, hoài cổ, gần gũi với vùng đồng bằng Bắc Bộ.
“Chỉ có khách sành chơi mới dám chi hàng chục triệu để trang trí cổng, sân vườn như vậy. Mỗi bức phù điêu trong bộ tứ quý bằng đá ong này có giá dao động 8-10 triệu tùy thời điểm”, anh tiết lộ.
Sau khi hoàn thiện, các bức phù điêu sẽ được vận chuyển tận nơi cho khách và hoàn nốt công đoạn xây ốp. Có người chơi bộ phù điêu nhỏ hơn tùy vào khuôn viên của mỗi nhà.
Gắn bó với nghề chế tác đá ong hơn 10 năm, với anh Huy, làm nên những bức phù điêu bằng đá ong không chỉ để trang trí, làm đẹp cho cuộc sống hiện đại, mà còn để lưu giữ những giá trị văn hóa hàng trăm năm của miền đất cổ.
Theo Vietnamnet