Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa ban hành Kết luận thanh tra (KLTT) số 209/KL-TTr việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động tại Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Cao su Đồng Nai (Cao su Đồng Nai - Donaruco). Thời kỳ thanh tra từ 1/1/2022 đến 30/6/2024.
Một nội dung được thanh tra chỉ rõ đó là việc trả lương của Cao su Đồng Nai cho người quản lý chưa gắn với mức độ đóng góp vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh và kết quả quản lý, điều hành hoặc kiểm soát của từng người quản lý.
Việc chi trả lương không có sự tham gia của Ban Chấp hành Công đoàn Công ty trước khi thực hiện. Việc này vi phạm quy định về lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước.
Liên quan đến vấn đề này, trong thông cáo mới phát đi, phía Donaruco cho biết, Tổng công ty đã xây dựng, được phê duyệt quỹ tiền lương, quỹ thù lao kế hoạch và thực hiện của người quản lý theo quy định tại Nghị định số 53/2016/NDD- CP ngày 13/6/2016 của Chính phủ và Thông tư số 28/2016/TT-BLĐTBXH ngày 1/9/2016 của Bộ LĐ-TB&XH.
Về số liệu tiền lương bình quân năm 2023, số tiền 5,9 triệu đồng/người/tháng là tiền lương bình quân theo Hợp đồng lao động được ký kết với công nhân dựa trên thang bảng lương của người lao động do Tập đoàn phê duyệt, không phải là mức lương thực trả. Mức lương thực trả của người lao động được xác định trên quy mô của doanh thu thực hiện và kết quả sản xuất kinh doanh, số liệu này của năm 2023 đối với lao động trực tiếp là tiền lương 9,1 triệu đồng/người/tháng, thu nhập bình quân 10,9 triệu đồng/người/tháng.
Phía Cao su Đồng Nai cho biết thêm, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nơi có tốc độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa diễn ra mạnh mẽ, do đó có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, tuy nhiên Tổng Công ty cũng gặp nhiều áp lực, chịu sự cạnh tranh lao động gay gắt do lực lượng lao động dịch chuyển từ ngành nông nghiệp sang các ngành công nghiệp - dịch vụ ngày càng nhiều.
|
Thù lao của các doanh nghiệp nhà nước khá khủng. Ảnh minh họa. |
Lương thưởng tại các doanh nghiệp nhà nước khác ra sao?
Tại một số đơn vì Tổng công ty nhà nước, hiện mức chi trả thù lao, lương thưởng vừa công bố niêm yết trên sàn chứng khoán trong nửa đầu năm 2024 cũng không hề nhỏ.
Đơn cử là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, HoSE: HVN). Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa là người nhận lương cao nhất với gần 572 triệu đồng/6 tháng, cao hơn khoảng 60 triệu đồng so với cùng kỳ, tương đương 95,33 triệu đồng/tháng. Tiếp đến là Tổng giám đốc Lê Hồng Hà nhận lương gần 507 triệu đồng/6 tháng, giảm 54 triệu đồng so với cùng kỳ. 6 Phó Tổng giám đốc nhận 408 triệu đồng/người/6 tháng, giảm khoảng 40 triệu đồng/người so với cùng kỳ.
Tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (VRG, HoSE: GVR), doanh nghiệp dành 1,8 tỷ đồng chi trả thù lao cho các thành viên HĐQT trong nửa đầu năm nay. Trong đó, Chủ tịch Trần Công Kha nhận hơn 371 triệu đồng/6 tháng, tăng hơn 50 triệu đồng so với cùng kỳ.
Trong khi đó, 6 thành viên Ban Tổng giám đốc nhận tổng thù lao hơn 1,62 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Trung bình 5 Phó Tổng giám đốc và Kế toán trưởng nhận thù lao 300-330 triệu đồng/6 tháng, tăng nhẹ so với cùng kỳ.
Tại Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II, UPCoM: VSF), Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên cho thấy, Vinafood II chi 1,04 tỷ đồng để trả thù lao cho 5 thành viên HĐQT và 5 thành viên Ban Kiểm soát. Trong đó, Chủ tịch Nguyễn Huy Hưng nhận thù lao 288 triệu đồng/6 tháng, tăng 50 triệu đồng so với cùng kỳ.
Trưởng Ban kiểm soát Nguyễn Tuấn Vinh nhận gần 205 triệu đồng thù lao trong nửa đầu năm nay, tăng hơn 70 triệu đồng so với cùng kỳ.
Tương tự, 5 thành viên Ban Tổng giám đốc nhận 1,13 tỷ đồng tiền lương trong nửa đầu năm nay. Mỗi thành viên nhận từ 204-256 triệu đồng/6 tháng, tăng tới 100 triệu đồng/người so với cùng kỳ.
Minh Châu