Theo người dân Cà Mau, rập (hay còn gọi là lợp) được cải tiến từ những loại rập gió, rập tre trước kia. Rập cua được thiết kế đặc biệt với một cổng vào bên hông để cua chỉ vào mà không ra được; chính giữa rập sẽ có một đoạn dây chì để gắn mồi. Mồi bắt cua biển là các loại cá tạp có trong vuông tôm.
|
Cua được thu hoạch bằng rập. |
Bà Nguyễn Thị Kỷ (ngụ xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn), cho biết: “Tại các vùng nuôi tôm quảng canh, đa số nông dân đều kết hợp nuôi thêm cua. Cua trong vuông tôm được thả vào khoảng 4 tháng là có thể thu hoạch. Trong quá trình đó cua ăn các loại cá tự nhiên có sẵn trong vuông. Bên cạnh đó, do điều kiện tự nhiên đặc trưng ở vùng đất Cà Mau nên chất lượng cua rất ngon.
“Muốn bắt cua chỉ cần gắn mồi vào rập, sau đó bơi xuồng thả trong các kênh ở vuông tôm, sau 2-3 tiếng thì đi thăm rập. Khi cua vào rập thì đem vào nhà trói liền, nếu để lâu thì cua sẽ tự kẹp lẫn nhau. Tôi chỉ cần khoảng 15-20 giây là trói xong một con cua” – bà Kỷ bộc bạch.
|
Cua phải được trói ngay sau khi đem vào nhà, để tránh chúng kẹp lẫn nhau. |
Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Thanh Trung (xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển), cho biết: “Tại vùng này, dùng rập bắt cua là hình thức phổi biến khoảng 7, 8 năm nay. Từ khi có những chiếc rập này, việc thu hoạch cua dễ dàng hơn. Cua nuôi trong vuông tôm từ lâu là nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, mỗi năm thu hàng chục triệu đồng, có hộ cả trăm triệu là bình thường”.
Theo Chúc Ly/Dân Việt