Người dân ĐBSCL thường nói "đã là dân miền Tây, không ai không biết đến ốc đắng", bởi lẽ loài ốc này sinh sống rất nhiều ở vùng sông nước. Ốc đắng thường sinh sản quanh năm, và từ lâu đã trở thành món ăn đặc sản của vùng sông nước miền Tây. Có nhiều cách bắt ốc đắng như: đặt tàu dừa, tàu lá chuối xuống các mé kênh, rồi dùng sợi dây buộc vào gốc cây để cố định vị trí. Đợi qua một đêm, người đặt sẽ dỡ lên để thu hoạch. Ở tỉnh Đồng Tháp, có một lão nông với cách bắt ốc độc đáo có thể bắt được hàng trăm ký ốc đắng một ngày.
|
Bao xi măng được thả xuống kênh sau khi được cột vào viên gạch. |
Đó chính là ông Nguyễn Văn Hiếu, ngụ xã Phú Điền, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp). Theo lão nông Hiếu chia sẻ, trong một lần tình cờ bắt ốc để nhậu, ông Hiếu thấy bao xi măng dưới sông có ốc bám vào. Với kinh nghiệm nhiều năm sống ở vùng sông nước miền Tây, ông Hiếu đã dùng các vỏ bao xi măng được rửa sạch, cột vào gạch ống và thả dài theo các đoạn kênh, rạch. Qua nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng cách bắt ốc đắng gần như độc nhất vô nhị đã ra đời. Chỉ với vài miếng bao xi măng cắt nhỏ, một đoạn dây và mấy viên gạch ống, mỗi ngày lão nông này có thể kiếm khoảng 100 kg ốc.
|
Ốc bám đầy bao xi măng. |
|
Một ngày bội thu của lão nông. |
Với giá ốc đắng trên dưới 10.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi ngày ông Hiếu có thể kiếm khoảng 1 triệu đồng/ngày. "Nếu bán cho bạn hàng thì giá 10.000 đồng/kg, còn bán lẻ cho người dân thì 11.000 – 12.000 đồng/kg, kiếm thêm được chút đỉnh", ông Hiếu nói với vẻ phấn khởi.
Ông Hiếu tiết lộ: "Nếu thấy chỗ nào có ốc nhiều thì nối dây và bao nhiều hơn, còn nếu chỗ nào có ít ốc thì thả bao thưa hơn, để dành thả chỗ khác".
Bắt ốc xưa nay được xem là nghề tay trái khi nông nhàn của bà con ở nông thôn miền Tây. Tuy nhiên, với ông Hiếu, hiện nghề "làm chơi ăn thiệt" này có thể giúp gia đình ông có nguồn thu tương đối ổn định, cải thiện thu nhập cho gia đình.
Theo Song Anh / Người Lao Động