Với thân hình đen nhánh, chiếc càng nhọn hoắt và nọc độc ở đuôi, con vật này được đấng mày râu khắp nơi săn lùng về làm “thần dược”. Nhờ vậy, nhiều người có thể kiếm được cả triệu đồng mỗi ngày nhờ vào rừng săn loại côn trùng này để bán.
Từ trước đến nay, khi nhắc đến bọ cạp là nhiều người nghĩ ngay đến con vật “đáng sợ” với chiếc nọc độc ở đuôi. Vết cắn của chúng có thể gây sưng, nóng, đỏ, đau nhức và sốt, thậm chí ngứa rát ở chỗ bị cắn trong nhiều giờ.
Tuy nhiên, bọ cạp được nhiều người coi như “thần dược” và truyền tai nhau về công dụng “tăng cường sức khỏe nam giới” của nó. Do đó, bọ cạp được nhiều người săn lùng về làm mồi nhậu hoặc ngâm rượu uống.
Nhu cầu mua bọ cạp tăng cao, vì vậy, người dân ở nhiều nơi đã coi nghề săn bọ cạp núi là nghề tay trái “hái ra tiền”. Nếu may mắn, mỗi người có thể kiếm được cả triệu đồng mỗi ngày nhờ săn bọ cạp mang bán.
Bọ cạp núi được săn lùng.
Anh Hoàng Văn Hưng, trú tại Định Quán (Đồng Nai) cho biết, trước đây nơi anh sinh sống có rất nhiều bọ cạp. Chúng sống ở trong hang, quanh các khe đá, vách núi. Từ ngày có thương lái thu mua bọ cạp thì việc săn bọ cạp dần trở thành một nghề, giúp nhiều người kiếm thêm thu nhập. Vì vậy, số lượng bọ cạp cũng giảm dần, không còn nhiều như trước đây nữa.
“Chúng thường làm hang trên những bờ đất quanh rẫy điều, cà phê hoặc men theo bờ suối. Hang của chúng gần giống hang cua đồng, to hơn hang dế nhưng miệng hang dẹp chứ không tròn. Trước đây, mọi người thường phải dùng cuốc, thuổng để đào hang nhưng mấy năm gần đây thì dùng kiến nhọt để dụ chúng ra khỏi hang”, anh Hưng nói.
Không cần đào đất, những người săn bọ cạp hiện nay sử dụng kiến nhọt để dụ chúng ra khỏi hang.
Theo anh Hưng, thợ săn bọ cạp thường chuẩn bị những thanh thép nhỏ, buộc lông gà vào đầu, cho kiến bám vào rồi đẩy vào hang bọ cạp. Khi đó, kiến sẽ tấn công vào các khớp của bọ cạp khiến chúng đau đớn và chui ra khỏi hang.
“Mình đứng sẵn ở bên ngoài, thấy bò cạp chui ra thì nhẹ nhàng tóm lấy đuôi của chúng bỏ vào xô. Nhìn bọ cạp gớm ghiếc như vậy nhưng chúng hiền lắm, nếu biết cách bắt thì sẽ không bị cắn. Mà có cắn cũng không chết, chỉ đau và sốt nhẹ nên không sợ”, anh Hưng nói.
Những con bọ cạp núi bắt về đến đâu được thương lái lùng mua hết đến đó.
Theo anh Hưng, bọ cạp bắt về đến đâu được thương lái thu mua hết đến đó với giá từ 250-300.000 đồng/kg. Mỗi ngày có thể bắt được từ 1-2kg, nếu may mắn có thể bắt được từ 3-4kg nên nhiều người ham, rủ nhau vào rừng săn bọ cạp mang bán.
Cũng vào rừng săn bọ cạp khoảng 4 năm nay, chị Lưu Thị Loan, trú tại Ea T’Ling (Cư Jút, Đắk Nông) cho biết, trước đây, người dân khu vực chị sinh sống không ai dám bắt bọ cạp. Tuy nhiên, sau khi được một người bạn ở Đồng Nai hướng dẫn cách bắt bọ cạp bằng kiến, chị mới bắt đầu vào rừng săn bọ cạp để bán.
“Tôi nghe bạn tôi nói, ở Đồng Nai có khu vực họ sống bằng nghề săn bọ cạp. Vì vậy tôi cũng vào rừng săn, săn về chưa có người mua, phải ngồi lề đường bán. Sau này quen mối, họ vào tận nhà mua hoặc mình đăng lên mạng để bán”, chị Loan nói.
Bọ cạp được lùng mua với giá cao nên công việc bắt bọ cạp dần trở thành nghề tay trái giúp chị Hiền có thêm thu nhập.
Thông thường, hai vợ chồng chị sẽ đi bắt bọ cạp vào buổi sáng, buổi chiều vào rừng săn kiến. Bắt 1 buổi kiến thì chỉ bắt được khoảng 1 buổi sáng bọ cạp. Nếu kiến hung dữ thì bắt bọ cạp rất nhanh, còn kiến không chịu bò vào hang thì bắt được rất ít, thậm chí là phải về không.
Bọ cạp bắt về được chị Loan bán theo con hoặc theo cân. Nếu bán theo con thì 10.000 đồng/con, theo cân nặng thì 450.000 đồng/kg. Hôm nào may mắn, vợ chồng chị có thể bắt được từ 2-4kg bọ cạp, thu về cả triệu đồng.
Tuy nhiên, theo chị Loan, bọ cạp sinh sản từ 20-30 con mỗi lứa. Khoảng 1-2 tháng chúng lại đẻ lứa mới. Vì vậy, những người đi bắt bọ cạp thường chỉ bắt con to, không bắt bọ cạp mang bầu để vài tháng sau quay lại vẫn còn bọ cạp để bắt.
Người đi bắt bọ cạp sẽ không bắt những con bọ cạp đang mang bầu hoặc còn nhỏ để chúng sinh sôi.
Nhận thấy giá trị của bọ cạp mang lại, ngày càng nhiều người vào rừng săn nên số lượng bọ cạp ngày càng khan hiếm. Nhiều khi hai vợ chồng chị phải đèo nhau đi hàng chục cây số, sang tận huyện khác để bắt. Ngoài ra, đường vào rừng đa số là đường dốc, trời mưa dễ trơn trượt và ngã.
“Tôi bị ngã mấy lần, cái xô kiến nó đổ lên người, kiến cắn đau như ong đốt. Vừa đau vừa hết kiến phải xách xô đi về. Chưa kể, nhiều khi mình đi vào rẫy cà phê để bắt bọ cạp, 2 tay xách 2 chiếc thùng, có người còn tưởng ăn trộm đuổi đánh. Hơn nữa, vào rừng rậm rạp, không cẩn thận gặp rắn độc rất nguy hiểm”, chị Loan cho hay.
Vì vậy, dù bọ cạp được tìm mua với giá cao nhưng không phải ai cũng có kỹ năng, kinh nghiệm và can đảm để vào rừng bắt. Sau khi bắt về, bọ cạp được ngâm với nước muối loãng rồi dùng bàn chải rửa từng con, tráng qua một lần nữa bằng rượu rồi ngâm và gửi cho khách.
Bọ cạp bắt về được rửa sạch từng con bằng nước muối và rượu.
Theo Đông y, bọ cạp được gọi là toàn yết, dùng cả con để chế thuốc chữa bệnh. Bọ cạp có vị mặn, hơi cay, tính bình, hơi độc có tác dụng trừ phong, trấn kinh giật, chỉ định chữa động kinh, người co quắp, bán thân bất toại, cấm khẩu mồm miệng méo, hoa mắt chóng mặt, ung nhọt vỡ.
Gần đây một số người cho rằng bọ cạp có tác dụng với phái mạnh trong chốn phòng the. Tuy nhiên cho đến nay, công dụng của bọ cạp chỉ mới được truyền tai nhau chứ chưa có một tài liệu hay một công trình nghiên cứu khoa học nào ở Việt Nam cũng như trên thế giới công bố. Vì vậy, người tiêu dùng nên hết sức thận trọng, không nên tùy tiện sử dụng bọ cạp làm thuốc chữa bệnh hoặc trong đời sống hàng ngày khi chưa có sự tư vấn của thầy thuốc.
Theo Hồng Cảnh/Dân Việt