Tỷ phú nông dân đẹp trai ở Quảng Ninh phất lên nhờ nuôi tôm thẻ

Google News

Trở về sau 2 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự, chàng thanh niên dân tộc Dao Đặng Văn Ba, thôn Đồi Mây, xã Hải Lạng (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) đã trở thành tấm gương sáng.

Phát huy những phẩm chất tốt đẹp và truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” được rèn luyện trong quân ngũ, Đặng Văn Ba, dân tộc Dao, thôn Đồi Mây, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) đã nắm trong tay thành công nhờ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng.

Ty phu nong dan dep trai o Quang Ninh phat len nho nuoi tom the

 

Anh Đặng Văn Ba, chuẩn bị thức ăn cho tôm trong vụ tôm sắp tới tại thôn Đồi Mây, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh).

Sinh ra và lớn lên ở vùng miền núi còn nhiều khó khăn, chàng trai sinh năm 1993 ôm ấp uớc mơ trở thành bộ đội. Năm 2012, thanh niên Đặng Văn Ba đã lên đường nhập ngũ. Bản chất cần cù, ham học hỏi, vào trong đơn vị, anh luôn là một đoàn viên chấp hành tốt điều lệnh, kỷ luật của đơn vị và vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Năm 2014, anh ra quân và xin vào làm việc tại Công ty CP Than Mông Dương, TP Cẩm Phả. Ngoài công việc làm ca ở Công ty, anh phụ giúp cha mẹ việc gia đình vào những lúc rảnh rỗi.

Với bản chất chịu khó, luôn có ý thức vươn lên, Đặng Văn Ba đã bàn với cha mẹ đầu tư mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng. Lúc đầu anh gặp phải sự phản đối của gia đình do những lo lắng thất bại, nguồn vốn hạn hẹp.

Nhưng với quyết tâm và ý chí của mình, anh đã thuyết phục được cha mẹ để anh và em trai đi học tập và vay vốn đầu tư mô hình này.

Anh Ba chia sẻ: “Ước muốn thay đổi kinh tế gia đình đã có trong tôi từ lâu, tôi không muốn cha mẹ phải vất vả đi rừng, làm thuê theo thời vụ nữa. Tôi và em trai đã lớn đến lúc phải gánh vác thay cha mẹ, nên mới quyết tâm học và đầu tư nuôi tôm”.

Ty phu nong dan dep trai o Quang Ninh phat len nho nuoi tom the-Hinh-2

 

Đầm nuôi tôm thẻ chân trắng 1.000m2 của gia đình anh Đặng Văn Ba, thôn Đồi Mây, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Năm 2015, anh bắt đầu mày mò học hỏi và mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi tôm với số vốn 200 triệu đồng, phần lớn vay từ bạn bè, người thân.

Lúc đầu anh chỉ đầu tư 500m2, các mùa vụ đầu cho thu nhập ít do chưa có nhiều kinh nghiệm. Năm 2018, anh tham gia lớp học miễn phí về kỹ thuật nuôi tôm do huyện tổ chức. Từ đó anh và em trai thay đổi phương pháp nuôi, kỹ thuật nuôi.

Nhờ vậy, 5 năm gần đây mô hình nuôi tôm đã cho thu nhập trung bình khoảng 300-400 triệu đồng/năm. Riêng năm 2022 vừa qua, vụ tôm thắng lợi đã đem đến cho gia đình anh hơn 1 tỷ đồng.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của anh Đặng Văn Ba đã được nhiều người dân trong vùng đến học tập.

Chàng thanh niên trẻ tuổi luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm tới bà con, chòm xóm. Từ mô hình nuôi tôm 9 năm qua, gia đình anh Ba đã trở nên khấm khá và đã vất vả hơn trước rất nhiều, anh đã lập gia đình riêng và xây nhà cửa kiên cố, mở rộng đầm tôm lên diện tích hơn 1.000m2.

Anh Ba chia sẻ: “Thời gian tới đây, tôi sẽ nghiên cứu thêm và mở rộng mô hình, điều này đòi hỏi thời gian và vốn đầu tư lớn, nhưng kỹ thuật và kinh nghiệm vẫn là yếu tố quan trọng nhất, tôi cùng em trai của mình sẽ tiếp tục học tập để nắm vững và làm chủ kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng.

Từ việc mở rộng mô hình, tôi cũng mong muốn được tạo điều kiện việc làm cho bà con xung quanh trong những thời kỳ cao điểm của mùa vụ”.

Ông Trần Văn Hoạch, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBMTTQ xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) cho biết: “Anh Đặng Văn Ba là một tấm gương nông dân tiêu biểu của xã. Tuy tuổi còn rất trẻ nhưng đã được rèn giũa trong quân ngũ nên có được những phẩm chất rất tốt.

Đặc biệt, anh Ba có sự mạnh dạn của tuổi trẻ và tinh thần ham học hỏi nên đã quyết định lựa chọn mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, mặc dù đây là một mô hình kinh tế bị lệ thuộc khá nhiều vào thời tiết, dịch bệnh, giá cả thị trường..., nhưng với quyết tâm của mình anh Đặng Văn Ba đã thành công và giúp lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm, dệt nên ước mơ làm giàu cho bà con nông dân học tập và noi theo”.

Theo Hoài Minh (Báo Quảng Ninh)