Tỷ phú Việt ở đâu trên bản đồ "siêu giàu" của thế giới?

Google News

Với tốc độ tăng trưởng người siêu giàu vào hàng nhanh nhất thế giới cùng những chuyển dịch tích cực trên bản đồ tỷ phú thế giới, vị thế của những tỷ phú USD Việt Nam đang ngày càng được khẳng định.

Ty phu Viet o dau tren ban do
 Tỷ phú Trần Đình Long. Ảnh: Zing.
Những dịch chuyển bất ngờ
Trong năm 2018, đã có thêm 2 tỷ phú Việt Nam ghi danh vào danh sách tỷ phú thế giới của Tạp chí Forbes (ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Ô tô Trường Hải (Thaco) và ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát), nâng tổng số đại diện của Việt Nam góp mặt trong danh sách này lên 4 tỷ phú (bên cạnh ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Tổng giám đốc Vietjet Air).
Tính đến ngày 7/10/2018, theo cập nhật bảng xếp hạng của Forbes, ông Phạm Nhật Vượng đang sở hữu khối tài sản 6,4 tỷ USD, xếp thứ 234 người giàu thế giới, bà Nguyễn Thị Phương Thảo nắm giữ 2,8 tỷ USD, xếp thứ 820 người giàu thế giới. Với 1,7 tỷ USD, ông Trần Bá Dương đang ở vị trí thứ 1.355, trong khi đó, ông Trần Đình Long đang xếp ở vị trí 1.789 với khối tài sản 1,2 tỷ USD.
Tại thời điểm đầu năm 2018, số lượng tỷ phú trên toàn thế giới đã lên đến con số 2.754, tăng 711 so với năm 2017. Trong đó, Mỹ vẫn giữ vị trí đứng đầu về số lượng tỷ phú, con số 585 – đã tăng thêm 20 người so với năm 2017, và tổng số tài sản tỷ phú tăng thêm lên tới 340 tỷ USD. Quốc gia có tốc độ tăng về số lượng tỷ phú nhanh nhất là Trung Quốc – với 54 tỷ phú mới ghi nhận và tổng số tài sản của các tỷ phú Quốc được nâng lên thành 1.123 tỷ USD, tăng 311,4 tỷ phú.
Nếu so với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Phillippines hay Thái Lan thì quy mô của Việt Nam vẫn khá nhỏ bé, cả về số lượng lẫn quy mô tài sản. Kể từ năm 2013, Việt Nam mới có tỷ phú USD đầu tiên có mặt trong danh sách, và sau 5 năm, danh sách những tỷ phú USD được công nhận tại Việt Nam mới có 4 người. Trong khi đó, riêng Thái Lan đã có tới 30 doanh nhân có giá trị tài sản trên 1 tỷ USD.
Ngay cả trong khu vực Đông Nam Á cũng có những doanh nhân tầm cỡ thế giới, với tên tuổi đứng đầu toàn cầu trong lĩnh vực họ kinh doanh. Thống kê cụ thể danh sách mới nhất của Forbes thì trong khu vực Đông Nam Á có 92 người có tài sản trên 1 tỷ USD, mang quốc tịch của 6 nước: Thái Lan (32 người), Indonesia (14 người), Philippines (13 người), Singapore (21 người), Malaysia (13 người) và Việt Nam (4 người).
Dù không thuộc top những quốc gia có nhiều người siêu giàu nhất thế giới nhưng Việt Nam lại đứng thứ 3 trong top 10 quốc gia/vùng lãnh thổ có giới siêu giàu tăng nhanh nhất, theo Báo cáo World Ultra Wealth Report được hãng nghiên cứu Wealth-X công bố. Báo cáo của Wealth-X cho biết, tốc độ tăng trưởng người siêu giàu giai đoạn 2012 – 2017 của Việt Nam ở mức 12,7% mỗi năm, chỉ xếp sau Bangladesh (17,3%) và Trung Quốc (13,4%). Người siêu giàu theo định nghĩa của hãng nghiên cứu này là các cá nhân có tài sản trên 30 triệu USD. Báo cáo này cũng đánh giá ngoài Trung Quốc, các quốc gia như Hàn Quốc, Việt Nam và Indonesia đang ghi nhận tốc độ tăng trưởng tài sản cá nhân ấn tượng.
Năm 2018, vị thế của tỷ phú Việt trên bản đồ tỷ phú thế giới cũng chứng kiến sự chuyển dịch được đánh giá là tích cực. Trong khi trước đây, những người giàu nhất Việt Nam thường được gắn với lĩnh vực bất động sản thì nay đã khác. Sự dịch chuyển sang lĩnh vực sản xuất của ông Phạm Nhật Vượng, cùng sự góp mặt của “Vua ô tô” và “Vua thép” Việt Nam đã cho thấy một câu chuyện mới.
VinFast là dự án kinh doanh mới nhất của ông Phạm Nhật Vượng – một doanh nhân Việt Nam trong vòng 1/4 thế kỷ qua đã biến khoản vay 40.000 USD thành đế chế kinh doanh trị giá 10 tỷ USD. Tập đoàn Vingroup của ông hiện hoạt động trong hàng loạt lĩnh vực từ trung tâm mua sắm, căn hộ, khu nghỉ dưỡng, trường học trên khắp cả nước. Nhà máy sản xuất ô tô VinFast đánh dấu bước tiến đầu tiên của tập đoàn vào lĩnh vực sản xuất.
Trong khi đó, Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương là công ty ô tô hàng đầu Việt Nam, chiếm hơn 40% thị phần. Trong tương lai sắp tới, ngành ô tô có thể sự 'nhộn nhịp' hơn khi Vingroup cũng đã tham gia vào thị trường này ở Việt Nam. Tất nhiên, người ta hy vọng về một cái bắt tay giữa ông Phạm Nhật Vượng và ông Trần Bá Dương để đưa giấc mơ thương hiệu ô tô quốc gia trở thành hiện thực sớm hơn.
Còn nhiều “két tiền” chưa lộ?
Như vậy, tới thời điểm này, mới có 4 tỷ phú USD người Việt ghi danh toàn cầu. Song, trên thực tế còn rất nhiều gương mặt sáng giá với những “két tiền” được cho là khổng lồ mà ít ai có thể đo đếm.
Trong số doanh nhân Việt Nam, có vài cái tên được đồn đoán sở hữu khối tài sản trị giá tỷ USD như Nguyễn Đăng Quang (Masan) hay Trần Quí Thanh (Tân Hiệp Phát)…
Trong khi trường hợp của ông Nguyễn Đăng Quang khá dễ đoán vì các doanh nghiệp của doanh nhân ngày đều đã cổ phần hóa và lên sàn chứng khoán. Tuy không nằm trong danh sách Forbes 2018 nhưng ông Nguyễn Đăng Quang được coi là tỷ phú USD thứ 3 Việt Nam, trước cả ông Trần Đình Long. Theo hãng tin tài chính Bloomberg, khối tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Masan (MSN) đã tăng gấp đôi trong vòng 6 tháng (tính tới cuối tháng 1/2018) lên mức 1,2 tỷ USD.
Trong khi đó, trường hợp của ông Trần Quí Thanh lại là ẩn số thú vị. Ông Thanh có quá trình kinh doanh từ việc tạo lập thương hiệu bia Bến Thành, bia tươi Laser và đến hiện nay đang đầu tư vào ngành nước giải khát. Tân Hiệp Phát là một mô hình kinh tế khá đặc biệt - một doanh nghiệp gia đình, không có cổ phần từ bên ngoài, không huy động vốn từ sàn chứng khoán. Nhiều thông tin về kinh doanh cũng như tài sản vì thế không được công khai.
Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất trong ngành nước giải khát có khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp FDI như Coca-Cola, Pepsi. Từ năm 2014, Tân Hiệp Phát đã đạt gần 7.000 tỷ đồng doanh thu. Với con số này, Tân Hiệp Phát là một trong những doanh nghiệp tư nhân có doanh thu lớn nhất Việt Nam. Tổng lợi nhuận doanh nghiệp này liên tục tăng lên. Lợi nhuận trước thuế từ mức hơn 900 tỷ đồng năm 2014 đã tăng gấp đôi lên 1.840 tỷ đồng vào năm 2017.
Cách đây vài năm, tờ Wall Street Journal của Mỹ từng đề cập đến kế hoạch Tân Hiệp Phát dự định bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài để nâng giá trị công ty lên mức 2 tỷ USD. Với việc dự kiến bán một tỷ lệ cổ phần thiểu số và được định giá lên đến 2 tỷ USD, tức Tân Hiệp Phát đã có giá trị ít nhất 1 tỷ USD từ vài năm trước.
Nhiều cái tên khác như bà Nguyễn Thị Nga (Chủ tịch Tập đoàn BRG), ông Đỗ Quang Hiển (Chủ tịch Tập đoàn T&T)… cũng thể sẽ góp phần kéo dài danh sách giới siêu giàu Việt. Ông Trần Lê Quân (Thế giới Di động), ông Nguyễn Duy Hưng (Chứng khoán SSI, PAN Group), ông Trần Lệ Nguyên (Tổng giám đốc Kido), vợ chồng ông Hồ Hùng Anh (Masan, Techcombank),... cũng gián tiếp sở hữu một khối lượng lớn cổ phần cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Thời gian tới, Việt Nam được dự báo sẽ còn nhiều tỷ phú USD hơn nữa khi nhiều doanh nghiệp lớn sẽ lên sàn hoặc đăng ký giao dịch. Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế sẽ góp phần cho xu hướng này trở lên rõ rệt hơn.
Theo Hồ Mai/Nhà Đầu tư