Thanh tra tỉnh Hưng Yên vừa tổ chức Hội nghị công bố kết luận thanh tra dự án Khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden ở xã Phụng Công (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) do Công ty cổ phần thương mại sản xuất vật liệu xây dựng Đại Hưng (gọi tắt là Công ty Đại Hưng) làm chủ đầu tư.
Theo kết luận, đoàn thanh tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra, xác minh toàn diện việc thực hiện pháp luật về đầu tư; việc chấp hành pháp luật về đất đai; việc thực hiện pháp luật về xây dựng; việc chấp hành về thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước; việc ký hợp đồng hợp tác đầu tư nguyên tắc và hợp đồng mua bán căn hộ (nhà ở) tại dự án đối với các đơn vị liên quan.
|
Khu vực xây dựng hàng trăm căn biệt thự tại huyện Văn Giang. |
Tại thời điểm thanh tra (tháng 3/2020), dự án điều chỉnh của Công ty Đại Hưng mới chỉ được đồng ý về mặt chủ trương. Quá trình triển khai các bước tiếp theo của các sở, ngành gặp khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và chưa phát sinh thất thoát, thiệt hại đối với ngân sách Nhà nước... Tuy nhiên, kết luận thanh tra chỉ ra hàng loạt tồn tại, sai phạm của Công ty Đại Hưng khi thực hiện dự án như: Thực hiện báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư; báo cáo giám sát, đánh giá thực hiện đầu tư theo quy định; chưa đăng ký biến động thay đổi tên pháp nhân; vi phạm quy định pháp luật về đất đai; vi phạm pháp luật về đầu tư; vi phạm quy định pháp luật về xây dựng.
Qua kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế và các khoản phải nộp vào ngân sách nhà nước cho thấy, Công ty Đại Hưng còn phải nộp vào ngân sách Nhà nước về tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp…
Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ trách nhiệm của các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường khi chưa sâu sát; chưa kiên quyết xử lý khi phát hiện sai phạm của đơn vị.
Trong đó, Sở Xây dựng tiếp nhận hồ sơ trình thẩm định chưa bảo đảm nội dung theo quy định. Còn UBND huyện Văn Giang, xã Phụng Công chưa sâu sát trong công tác quản lý nhà nước về quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn, chưa có biện pháp phát hiện, ngăn chặn kịp thời vi phạm.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Thế Cử đã yêu cầu các đơn vị có sai phạm cần nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Đồng thời yêu cầu Công ty Đại Hưng nghiêm túc chấm dứt và khắc phục các sai phạm; các sở, ngành, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, thanh tra theo đúng nhiệm vụ, chức năng để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về đất đai, xây dựng; chủ động rà soát, nghiên cứu các văn bản để tham mưu UBND tỉnh, bảo đảm việc triển khai xây dựng của Công ty Đại Hưng đúng quy định của pháp luật.
Theo tìm hiểu của PV, Công ty Đại Hưng tiền thân là Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Văn Giang (VMC), được thành lập từ năm 2002 với vốn điều lệ ban đầu chỉ là 3,5 tỷ đồng.
Công ty có trụ sở tại thôn Đầu, xã Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Năm 2015, Công ty Đại Hưng tăng vốn điều lệ từ 25 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng.
Thời gian đầu thành lập Công ty, ông Nguyễn Tiến Mạnh (1946) giữ vụ trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty. Vị này cũng là người đại diện phần vốn tại VMC do Công ty Tân Xuyên nắm giữ.
Trong đó, Công ty Tân Xuyên nay được biết đến với thương hiệu TAXUCO, được chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước là Công ty Tân Xuyên thuộc Tổng Công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng (Viglacera) năm 2004.
Năm 2011 - 2013 -2014 - 2015 các vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Đại Hưng được thay đổi lần lượt cho các ông/bà Nguyễn Khoát Hải - Đào Xuân Ban - Phạm Bá Đại - Nguyễn Thị Chiến.
Đến tháng 7/2016, vị trí Chủ tịch HĐQT được chuyển lại cho ông Nguyễn Công Huy. Tuy vậy, ông Nguyễn Tiến Mạnh vẫn là Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Công ty.
Thêm một điểm nữa là Công ty Đại Hưng có 14 cổ đông sáng lập và hầu hết đều là cá nhân.
Khánh Hoài (tổng hợp)