Theo báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), 11 tháng năm 2020 xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 3,01 tỷ USD, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong 10 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam với 56,8% thị phần. Giá trị xuất khẩu rau quả sang thị trường này trong 10 tháng đầu năm 2020 đạt 1,55 tỷ USD, giảm 26,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Thế nhưng, trong tháng 11 vừa qua, thị trường 1,4 tỷ dân này bắt đầu gom mua nhiều mặt hàng trái cây của Việt Nam khiến giá tăng mạnh. Đơn cử, giá chuối xanh thu mua đã tăng lên trên 12.000 đồng/kg và dự kiến còn tăng dịp cuối năm khi Trung Quốc tăng cường thu mua tích trữ.
|
Sầu riêng Tiền Giang khan hiếm, giá tăng kỷ lục |
Theo Cục Chế biến, trước đó giá chuối ở mức thấp là do các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, dừng hoặc tiến độ thông quan hàng hóa chậm.
Tương tự, tại Tiền Giang đang vào vụ sầu riêng nhưng trái sầu riêng rất khan hiếm và giá cao ở mức kỷ lục, lên 80.000-85.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 3 năm qua.
Đáng chú ý, thời gian này thương lái phải đi đến từng vườn để thu mua song không đủ cung cấp cho đối tác trong và ngoài nước. Các nhà vườn cho biết, giá sầu riêng tăng mạnh là bởi gần 70% vườn cây sầu riêng ở Tiền Giang bị thiệt hại bởi đợt hạn mặn trước đó.
Giống như trái cây, giá rau tại nhiều tỉnh miền Trung tăng cao chưa từng có do mưa kéo dài khiến nguồn cung hạn chế.
Cụ thể, tại TP. Tam Kỳ (Quảng Nam), rau cải tăng từ 20.000 lên 50.000 đồng/kg; rau húng tăng lên 100.000 đồng/kg; rau muống, mồng tơi tăng từ 5.000 lên 20.000 đồng/kg.
Tại Lâm Đồng, giá hầu hết các loại rau quả tương đối ổn định, trừ một số loại như su hào, ớt chuông tăng 4.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá ớt tăng là do sản lượng giảm trong khi nhu cầu tăng, đặc biệt chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Theo C.Giang/ Vietnamnet