Vay nợ hơn 41.000 tỷ, mỗi ngày Hoà Phát phải trả lãi tới 5,3 tỷ

Google News

(Kiến Thức) - Với hơn 41.000 tỷ đồng vay nợ tài chính, Hoà Phát đã phải chi ra 481 tỷ đồng chi phí lãi vay trong quý 1, tương ứng mỗi ngày trả tới hơn 5,3 tỷ đồng.

Trong quý 1/2020, doanh thu thuần của Hoà Phát đạt 19.233 tỷ đồng, tăng 28% so cùng kỳ. Giá vốn chiếm 15.470 tỷ đồng nên lãi gộp ở mức 3.763 tỷ đồng, tăng khá 43% so cùng kỳ. Tương ứng tỷ suất lãi gộp biên cải thiện từ 17,5% lên mức 19,5%. 

Đáng nói, kỳ này Hoà Phát phải chi tới 481 tỷ đồng chi phí lãi vay, gấp 2,6 lần cùng kỳ; lỗ chênh lệch tỷ giá tới 293 tỷ. Tương ứng mỗi ngày Hoà Phát phải chi tới hơn 5,3 tỷ đồng cho chi phí lãi vay. 

Do đó, hoạt động tài chính của Hoà Phát trong quý 1 âm tới 714 tỷ đồng. 

Thêm vào đó, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của Hoà Phát tăng lần lượt gần 34% và 26% so cùng kỳ khi chiếm 258 tỷ và 153 tỷ đồng.

Sau cùng, Hoà Phát đạt 2.285 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 26% so cùng kỳ 2019.

Trong cơ cấu lợi nhuận, lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thép của Hoà Phát đóng góp 2.872 tỷ đồng, mảng nông nghiệp tới 481 tỷ đồng, sản xuất công nghiệp khác là 73 tỷ đồng, kinh doanh bất động sản cũng chỉ gần 93 tỷ đồng.

Vay no hon 41.000 ty, moi ngay Hoa Phat phai tra lai toi 5,3 ty
 

Tại thời điểm 31/3/2020, tổng tài sản của Hoà Phát tăng thêm 5.333 tỷ đồng lên mức 107.209 tỷ đồng. Trong đó hàng tồn kho vẫn ở mức cao như đầu kỳ tới 19.554 tỷ đồng. Hoà Phát cũng đang ghi nhận tới hơn 18.133 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Nợ phải trả tới 57.045 tỷ đồng, tăng thêm 3.056 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ tài chính chiếm chủ yếu tới 41.343 tỷ đồng. Cụ thể là vay nợ tài chính ngắn hạn chiếm tới 21.100 tỷ đồng, tăng thêm 4.263 tỷ đồng so đầu kỳ. Còn vay nợ dài hạn cũng tăng thêm hơn 400 tỷ lên 20.243 tỷ đồng. 

Theo báo cáo phân tích ngày 14/4 của CTCP Chứng khoán KB Việt Nam, nhằm kích thích nền kinh tế sau khi bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19, khả năng trong khoảng thời gian 6 tháng cuối năm 2020, Chính phủ sẽ đẩy mạnh đầu tư công thông qua các dự án cơ sở hạ tầng như các dự án cao tốc Bắc Nam, Mỹ Thuận – Cần Thơ, đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất.... Việc đẩy mạnh các dự án cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy tiêu thụ vật liệu xây dựng, trong đó Hòa Phát sẽ nhiều khả năng được hưởng lợi.

Ngoài ra, Bộ Công Thương vừa quyết định gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với các sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam, kéo dài đến tháng 3/2023. Việc áp thuế tự vệ giúp ngăn chặn thép từ các nhà sản xuất nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc tràn về Việt Nam, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất thép trong nước. 

Ngoài ra, giai đoạn 1 dự án Dung Quất Hòa Phát sẽ chính thức đi vào hoạt động, giúp nâng tổng công suất sản xuất thép xây dựng của Hòa Phát lên 4 triệu tấn/năm củng cố lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Chứng khoán KB Việt Nam cũng hạ giá mục tiêu của Hòa Phát về mức 24,900 đồng/cổ phiếu từ mức 29,800 đồng/cổ phiếu trước đó, phản ánh các khó khăn trong ngắn hạn trong ngắn hạn mà Hòa Phát đang phải đối mặt.

Cụ thể là tác động tiêu cực của dịch COVID–19; giá thép đầu ra giảm trong khi giá nguyên vật liệu vẫn duy trì ở mức cao; giai đoạn 2 dự án Dung Quất nhiều khả năng bị chậm tiến độ do các chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam để hoàn tất các công đoạn lắp đặt thiết bị. 

Do đó, KB Việt Nam ước tính lợi nhuận sau thuế của Hoà Phát trong năm 2020 giảm khoảng 27% so với các ước tính trước đây do giả định giảm giá thép tiêu thụ khoảng 500,000 đồng/ tấn (-4%) và khối lượng tiêu thụ thép khoảng 400,000 tấn (-10%) so với các báo cáo trước. 

Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/4, cổ phiếu HPG đóng cửa tại mức giá 21.950 đồng/cổ phiếu, giảm 16,5% trong vòng 1 quý vừa qua. Khối lượng giao dịch bình quân khá cao ở mức hơn 8 triệu đơn vị mỗi phiên.

Minh An