Từ xưa đến nay, cau là loài cây quen thuộc được nhiều gia đình ở nông thôn chọn trồng trước hiên và trong vườn nhà. Nhưng, cả làng, cả xã, nhà nào cũng trồng cau có lẽ chỉ có ở xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục (Hà Nam). Bao năm qua, những hàng cau, những vườn cau thẳng tắp được trồng khắp các xóm thuộc hai miền Cát Lại và Ngô Khê của xã đã tạo nên nét độc đáo cho làng quê này...
|
Người dân xã Bình Nghĩa trồng cau tạo cảnh quan cho ngôi nhà của mình, góp phần tạo nên nét đẹp đặc sắc cho cả làng, cả xã. |
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, cây cau gắn bó với mảnh đất này từ thuở khai làng lập ấp. Giống bao miền quê khác, cau được người dân Bình Nghĩa dùng để thắp hương tưởng nhớ tổ tiên vào các ngày cúng giỗ của gia đình, dòng tộc; dùng để đi lễ đình, chùa vào ngày mùng một, mười rằm... Trong sinh hoạt hàng ngày, trước kia, cau được dùng để ăn (cùng với lá trầu, vôi, vỏ cây chay), để tiếp khách (các cụ xưa có câu "miếng trầu là đầu câu chuyện”).
Đặc biệt, theo phong tục của Việt Nam (phong tục này được duy trì đến ngày nay), buồng cau là sính lễ đặc biệt quan trọng không thể thiếu trong tráp nhà trai mang tới nhà gái trong đám hỏi, đám cưới. Ở nông thôn, nhà có đám hỷ, đám hiếu trên bàn bao giờ cũng có chén nước, đĩa trầu mời khách khi mọi người đến chung vui hay chia buồn cùng thân chủ...
Trả lời câu hỏi vì sao nhà nào, xóm nào ở xã Bình Nghĩa cũng trồng cau, bác Trần Xuân Thiệu, người cao tuổi xóm 3, Cát Lại chia sẻ: Cây cau gắn bó với người dân Bình Nghĩa từ thuở khai làng, lập ấp và gắn bó mật thiết với cuộc sống sinh hoạt của người dân từ đó đến nay. Ngoài lý do này, người dân Bình Nghĩa chọn trồng cau bởi cây cau dáng thẳng, lá xanh, chịu được gió bão, tạo tầm nhìn thoáng mát, làm đẹp cảnh quan cho từng ngôi nhà, cho cả làng, cả xã.
Không những vậy, đất Bình Nghĩa phù hợp với cây cau, cau trồng phát triển nhanh, buồng quả đẹp, ngon; trồng cau lại ít sâu bệnh, tốn ít đất, không tỏa rợp bóng nên có thể trồng thêm các loại cây khác trong vườn... Chính vì vậy, người dân nơi đây nhà nào cũng trồng cau, có nhà trồng cả vườn cau lên tới hàng chục, hàng trăm cây.
Nói về cây cau, anh Trần Văn Hoan, cán bộ văn hóa xã Bình Nghĩa cho biết thêm: Trước đây, người dân xã Bình Nghĩa trồng cau chủ yếu là để tạo cảnh quan, phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày như ăn trầu, đi lễ, cưới hỏi...
Hiện 100% hộ dân trong xã (khoảng trên 4.000 hộ) vẫn giữ được nếp xưa, trồng cau bên ngõ, trước hiên và trong vườn nhà. Những năm qua, khi nhu cầu về mặt hàng cau trên thị trường tăng, giá cau có thời điểm lên cao, nhờ vậy, trồng cau cũng đem lại nguồn lợi kinh tế (tuy không cao) cho các hộ gia đình...
Về Bình Nghĩa, theo những con đường làng quanh co được bê tông phẳng nhẵn, rộng rãi, đi tới nhà nào, xóm nào cũng nhìn thấy những cây cau, những hàng cau, những vườn cau thẳng tắp với những tầu lá xanh biếc vươn cao tạo nên nép đẹp gần gũi, thân thiết mà riêng biệt của làng quê nơi đây.
Những cây cau thẳng tắp gợi nhớ về câu chuyện cổ tích "Sự tích trầu cau" mà người dân Việt Nam ai ai cũng biết. Câu chuyện ngợi ca tình cảm anh em, tình cảm vợ chồng, tình cảm gia đình mộc mạc nhưng đậm đà, sâu sắc, thủy chung, giàu đức hy sinh.
Trên đất Bình Nghĩa hôm nay, cây cau - hình ảnh tượng trưng cho tấm lòng ngay thẳng, vững vàng, đầy tình yêu thương trong sự tích xưa được người dân nơi đây ngày ngày ươm trồng, chăm sóc, gìn giữ như gìn giữ và phát triển nét đẹp văn hóa gia đình truyền thống: Đoàn kết, yêu thương, sẻ chia... trong cuộc sống hằng ngày.
Theo Phạm Hiền /Báo Hà Nam