Vì sao bàn đá lông công có giá tới nửa tỷ?

Google News

Chuyên gia cho rằng nếu chỉ xét vật liệu, chiếc bàn đá lông công không thể có giá đến 500 triệu đồng. Tuy nhiên, công sức nghệ nhân bỏ vào là rất lớn.

Tại một triển lãm đang diễn ra ở Đồng Mô (Hà Nội) đang xôn xao về "báu vật" có một không hai: Một mặt bàn bằng đá melachite (đá đuôi công) tự nhiên, đang được chào bán với mức giá 500 triệu đồng.
Mặt bàn đá lông công này được sở hữu bởi ông Phạm Tường Minh (50 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ông cho biết để làm chiếc bàn này ông phải sử dụng hơn 150 miếng ghép được chắt lọc ra trong 400 kg đá đuôi cuông melachite. Mất 3 năm để sưu tầm đủ vật liệu và nửa năm công sức để ghép các mảnh melachite lại và chế tác thành mặt bàn.
Mặt bàn có đường kính khoảng 70cm, nặng khoảng 80 kg, được ông Minh đặt tên là Tâm nhãn, với ý tưởng về một đóa hoa nở rộ và con mắt nằm ở trung tâm. Các họa tiết đều hoàn toàn tự nhiên từ những viên đá mà ông Minh sưu tầm được.
Nhận xét về loại đá Melachite này, ông Nguyễn Anh Tuấn (chuyên gia thuộc Tổng hội địa chất Việt Nam) cho biết đây là loại đá hiếm, có thang độ cứng trên 5, dùng thủy tinh không thể cắt xước bề mặt đá. Loại đá này chịu lực tốt và trọng lượng không nặng như các dòng đá khác. Vua chúa phương Tây hay dùng loại đá này để lát cung điện bởi ưu điểm về bề mặt sáng bóng và màu xanh lục rất đặc trưng của đá.
Vi sao ban da long cong co gia toi nua ty?
 Bàn đá lông công Melachite của ông Phạm Tường Minh. Ảnh: VNE.
Tuy nhiên, thời hiện đại khó có thể tìm được những khối đá Melachite cỡ lớn vài chục centimet, chỉ còn các khối đá khoảng 10-20 cm đã là rất hiếm, ngoài ra chỉ còn là đá non, đá vụn - ông Tuấn cho biết.
Giá đá lông công Melachite cũng có nhiều loại. "Nếu đá thô, đá vụn chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng/kg, còn với đá đã qua xử lý bề mặt thì tùy vào chất lượng đá, màu sắc, kích thước mà giá thành khác nhau, trung bình khoảng 1.500.000 đồng/kg.
Nhận xét về bàn đá lông công của ông Phạm Tường Minh, ông Tuấn cho rằng đây là một tác phẩm nghệ thuật tinh vi, sắc xảo. Tác phẩm này đã thể hiện được tài năng tay nghề cũng như cái tâm của nghệ nhân dành cho tác phẩm.
"Nếu chỉ cân đá lên mà tính tiền thì rất khó nói. Đó là bán đá chứ không phải bán tác phẩm nghệ thuật từ đá. Do đó sản phẩm này được phát giá vài trăm triệu đồng là chuyện có thể hiểu được. Bởi sản phẩm ở đây được bán gồm tinh thần, tâm huyết, tay nghề của nghệ nhân truyền vào" - chuyên gia Nguyễn Anh Tuấn nhận định.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Anh Tuấn, một nghệ nhân ở đường Tôn Đức Thắng, Hà Nội (xin giấu tên) cho rằng nếu chỉ cân đá lên theo kg thì giá sẽ rất rẻ, khoảng hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, nghệ nhân này cũng cho rằng vì đây là sản phẩm nghệ thuật, được làm hoàn toàn thủ công trong thời gian dài nên giá thành cao là dễ hiểu.
Vi sao ban da long cong co gia toi nua ty?-Hinh-2
Một sản phẩm đá phong thủy được làm từ đá lông công Melachite có giá bán khoảng 3 triệu đồng. 
"Thuận mua vừa bán, với nghệ thuật hay đồ mỹ nghệ thì thực ra những món đồ đó tự tìm chủ cho mình. Người có tiền chưa chắc đã mua được vì chưa có duyên" - nghệ nhân này cho biết.
Trong khi đó, ông Đỗ Duy Minh - chủ một cửa hàng đá quý và tranh đá quý ở Hải Phòng cho biết dù chiếc bàn được làm từ 150kg đá lọc ra bởi 400kg đá nguyên liệu, nhưng không phải chủ nhân chiếc bàn vứt đi chỗ đá loại.
"Tôi nghĩ rằng chủ nhân chiếc bàn này cũng là một người buôn bán, kinh doanh đá quý, đá phong thủy. Melachite còn là một loại đá có công hiệu trong phong thủy. Tôi ví dụ trong 400kg đá này, những viên đá không đẹp, không đúng ý chủ nhân hoàn toàn có thể được chế tác lại thành chuỗi hạt, mặt nhẫn và bán kiếm lời. Người ta cũng là người kinh doanh, không để lãng phí đi đâu lạng đá nào đâu" - ông Minh cho biết.
Còn việc được phát giá 500 triệu đồng, ông Minh nhận định: "Đã là sản phẩm mồ hôi công sức, trí tuệ của bất cứ ai thì người đó được quyền phát giá. Bản thân tôi cũng có những bức tranh đá quý giá trăm triệu. Thuận mua vừa bán thôi".
Theo Minh Hoàng/Báo Đất Việt