Tiểu thương không dám nhập nhiều hàng
Có mặt tại chợ Hà Đông - một trong những khu chợ truyền thống có tiếng của Hà Nội vào chiều ngày 6/1, phóng viên ghi nhận phiên chợ khá tập nập người qua lại. Thế nhưng, chị H., chủ một tiệm đồ chơi trẻ em cho biết, sở dĩ hôm nay chợ tập nập hơn hẳn là do vào ngày nghỉ (Thứ 7), các gia đình sinh sống gần đây đưa con vào chợ để đi chơi, ăn uống và mua sắm.
“Bình thường tầm này năm ngoái là trong này cũng đông phết rồi đấy. Năm nay thế này là vắng khách rồi”, chị H. nói.
|
Đã treo nhiều đồ trang trí Tết, tuy nhiên lượng hàng tiêu thụ lại khá chậm |
Hỏi về tình trạng hàng hóa cho dịp Tết nguyên đán, chị H. cho biết gia đình chị năm nay không nhập về nhiều hàng như mọi năm, mà chờ xem lượng tiêu thụ nhiều hay ít để những ngày cận Tết có thể lấy thêm hàng hoặc không.
Đồng quan điểm với chị H., bà T. chủ một ki-ốt đồ điện trong chợ Hà Đông cũng cho rằng lượng hàng hóa năm nay tiêu thụ “chậm” hơn mọi năm, chợ vắng và không còn sầm uất như trước.
Dễ dàng quan sát, các ki-ốt đông khách nhất là các gian hàng bán sỉ bánh, kẹo và các loại mứt Tết. Thế nhưng các gian này không phải lúc nào cũng có khách, điều mà các năm trước có thể hoàn toàn trái ngược.
|
Lượng người tiêu dùng đến các chợ truyền thống năm nay thuyên giảm so với các năm trước. |
Anh V., cùng gia đình vào chợ để mua đồ chơi cho con cho hay, gia đình anh sống cách chợ chỉ vài trăm mét, nên vẫn thường đến chợ để mua đồ. Theo anh V., lượng người vào chợ vẫn đông, nhưng lượng mua thì có giảm sút, bởi bản thân anh và những người anh quen đều có tâm lý giảm mua, hạn chế mua thừa đồ Tết như các năm trước.
“Năm nay kinh tế khó khăn chung, hầu như ai cũng hạn chế mua đồ thôi, nhưng cũng phải mua sao cho có cái Tết đủ đầy. Nhà mình ngoài đi chợ ra thì còn tìm trên mạng Facebook hay Shopee, thấy bên nào rẻ hơn thì mua, chứ không nhất thiết ra chợ mua nữa.”
Người mua hàng thay đổi thói quen
Không chỉ anh V. mà còn nhiều người khác cũng đang dần bỏ thói quen ra chợ truyền thống để mua sắm đồ. Nếu như trước đây, người tiêu dùng phải đến tận nơi (các khu chợ, cửa hàng, trung tâm mua sắm, siêu thị…) để xem hàng, xem giá thì nay chỉ cần vài thao tác trên điện thoại thông minh, người tiêu dùng dễ dàng so sánh giá cả, chất lượng của món hàng muốn mua. Thậm chí, không ít doanh nghiệp tung ra các chương trình giảm giá khi mua hàng trực tuyến còn thấp hơn tại các cửa hàng truyền thống.
|
Các cửa hàng tại chợ truyền thống vắng khách lạ kỳ, dù đã gần Tết nguyên đán. |
“Các mặt hàng Tết trên mạng thì giờ cũng nhiều, dễ dàng đặt mua mà cũng chỉ mất 1, 2 ngày là ship về tận nhà. Khoảng 1, 2 năm trở lại đây tôi không còn ra các khu chợ mặt đất nữa. Phần vì không biết liệu đồ ăn, đồ uống có đảm bảo hay không, cũng không phải món đồ nào cũng rõ nguồn gốc xuất xứ. Thay vào đó thì tôi hay dẫn các cháu vào trung tâm thương mại, vừa đảm bảo về hàng hóa lại vừa có chỗ cho trẻ con vui chơi”, chị T. thường trú tại quận Hà Đông chia sẻ.
Theo khảo sát, người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng đến cửa hàng tiện lợi, siêu thị... bởi hàng hóa phong phú, trưng bày đẹp, khoa học; không gian sạch sẽ và thoáng mát, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Quan trọng là tất cả mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ, được niêm yết giá rõ ràng và được kiểm định.
Theo ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Phòng phát triển hàng nhãn riêng Co.op, thống kê những năm trước cho thấy giỏ quà 199.000 đồng bán chạy nhất. Năm nay, những giỏ quà gồm sản phẩm thiết yếu như đường, bột ngọt, hạt nêm, nước tương, nước mắm, bánh tráng, bún, lạp xưởng… được tính toán khoa học để có giá tốt nhất. Phần bao bì cũng được đầu tư chỉn chu hơn để nâng giá trị giỏ quà. Giỏ quà tết Co.op năm nay có giá rất mềm, chỉ từ 99.000 - 249.000 đồng.
|
Góc chợ truyền thống "đìu hiu" vì vắng khách |
Có thể thấy, với sự xuất hiện của các trung tâm thương mại, nơi kết hợp cả vui chơi giải trí, dịch vụ và mua sắm, đồng thời là sự “lên ngôi” của các sàn thương mại điện tử, thì chợ truyền thống đang ngày một “lép vế”. Thậm chí, không ít tiểu thương vốn quen buôn bán trực tiếp, nay cũng phải “học” cách để sử dụng công nghệ tiên tiến, áp dụng vào kinh doanh.
Cũng vì lẽ đó, Sở Công Thương đang phối hợp rà soát, đánh giá lại hiệu quả hoạt động để các chợ truyền thống tồn tại, phát triển phù hợp xu thế. Bên cạnh hạn chế, chợ truyền thống vẫn có nhiều tiện lợi, phù hợp tập quán mua bán.
Đi chợ là nét văn hóa truyền thống bao đời nay của gia đình Việt Nam. Chợ truyền thống thường tận dụng mặt bằng giá rẻ để kinh doanh, tiết kiệm chi phí… Đối tượng kinh doanh chủ yếu là tiểu thương, người dân sản xuất và bán trực tiếp sản phẩm. Mặt hàng kinh doanh tại chợ phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, tập trung chủ yếu vào hàng may mặc, đồ gia dụng, đặc biệt là thực phẩm tươi sống... Ưu thế của chợ truyền thống so với bán hàng online là được kiểm tra chất lượng hàng tận tay, thuận mua vừa bán, có thể trao đổi thỏa thuận giá cả theo ý muốn.
Minh Châu