Theo tìm hiểu của PV, hiện nay, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà đô thị (HUD) quản lý 21 cơ sở nhà, đất ở Hà Nội. Với việc quản lý nhà, đất của HUD theo Nghị định 167 về sắp xếp, xử lý lại tài sản công, bên cạnh một số lô đất sẽ chuyển giao về địa phương, Bộ Xây dựng đã có đề xuất để doanh nghiệp được giữ lại nhiều lô có diện tích lớn.
Cụ thể, đối với đất làm tòa nhà văn phòng HUD Tower, số 37 Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội (diện tích 6.500m2), Bộ Xây dựng đề xuất xem xét đưa ra khỏi đối tượng của Nghị định 167.
|
Tòa nhà văn phòng HUD Tower, số 37 Lê Văn Lương, có diện tích 6.500m2. |
Bộ Tài chính thì cho rằng, căn cứ nghị định này và hồ sơ pháp lý của khu đất thì tài sản này thuộc phạm vi áp dụng Nghị định 167. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng căn cứ quy định này để rà soát, đề xuất phương án sắp xếp, xử lý cơ sở nhà đất này. Trường hợp Bộ Xây dựng xác định không thuộc đối tượng của Nghị định 167 và không đề xuất phương án xử lý thì Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định.
Thêm hai lô đất khác, trong đó, một lô hiện đang là văn phòng điều hành Ban Quản lý dự án khu vực I, lô CC3 thuộc dự án Khu đô thị mới Mỹ Đình II, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (diện tích đất gần 1.700m2) và lô đất thuộc dự án Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm đang được cho thuê, Bộ Xây dựng đều thống nhất với đề xuất của HUD rằng, doanh nghiệp được giữ lại để tiếp tục sử dụng.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, những lô đất này chưa sử dụng đúng mục đích, HUD đang cho doanh nghiệp khác thuê. Bộ Xây dựng không báo cáo rõ việc chấm dứt thuê tại cơ sở này, do đó phương án đề xuất tiếp tục sử dụng là chưa phù hợp quy định. Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo HUD chấm dứt việc cho thuê và lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất đối với cơ sở này.
Trường hợp HUD không chấm dứt cho thuê, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với UBND TP Hà Nội thu hồi. Còn nếu chấm dứt rồi thì Bộ Xây dựng báo cáo cụ thể phương án sắp xếp, xử lý.
Ngoài ra, còn 5 cơ sở của HUD đang làm bãi đỗ xe (với diện tích 2.400m2). Bộ Xây dựng có ý kiến, các cơ sở này được đánh giá phù hợp về chức năng sử dụng đất với quy hoạch được duyệt. Do vậy, Bộ Xây dựng đề xuất giữ lại tiếp tục sử dụng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo HUD làm rõ và khẳng định việc sử dụng đúng mục đích làm bãi đỗ xe của 5 cơ sở trên.
Không chỉ vậy, Bộ xây dựng cũng đề xuất để HUD tiếp tục sử dụng một ki-ốt tại phường Phương Liệt, với diện tích hơn hơn 100m2. Nhưng Bộ Tài chính cho biết, cơ sở này đang xảy ra tranh chấp nên tạm thời chưa phê duyệt phương án trên. Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Xây dựng yêu cầu HUD giải quyết triệt để tranh chấp trước khi có phương án sắp xếp.
Được biết, HUD là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây Dựng, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch và phát triển nhà ở, với hàng loạt dự án quy mô trên cả nước.
Theo thông tin của Cổng thông tin điện tử Bộ Xây dựng, ghi nhận đến thời điểm ngày 31/12/2018, vốn Nhà nước sở hữu tại doanh nghiệp này là hơn 3405,6 tỷ đồng.
*Kiến Thức tiếp tục thông tin liên quan vụ việc
Khánh Hoài (Tổng hợp)