Đại hội đồng cổ đông thường niên của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã STB), theo dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 28/4/2017 nhưng đến chiều 21/4, ngân hàng này đã phát ra thông cáo báo chí về việc tạm hoãn đại hội cổ đông thường niên năm. Thời gian tổ chức đại hội được dời sang tháng 5, dự kiến ngày 26/5.
Tuy nhiên, mới đây đại diện ngân hàng Sacombank lại công bố không thể tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2015, 2016 vào ngày 26/5/2017 mà dự kiến sẽ lùi ngày tổ chức sang ngày 30/6/2017.
Việc liên tiếp rời ngày tổ chức Đại hội đồng cổ đông của Sacombank sang ngày khác đã khiến nhà đầu tư và nhiều đối tác nước ngoài tỏ ra thất vọng… Còn dư luận thì băn khoăn không biết nguyên nhân chính thức nào khiến Sacombank lại phải tiếp tục hoãn tổ chức Đại hội đồng cổ đông?
|
Ảnh minh họa: Internet. |
Theo giải thích của Sacombank, lý do hoãn đại hội là do ban tổ chức chưa hoàn tất công tác chuẩn bị nhân sự cho Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017 - 2021, ngoài ra các tài liệu phục vụ đại hội cũng chưa được chuẩn bị thỏa đáng.
Cụ thể, đại diện Sacombank cho biết: Hiện tại, Đề án tái cấu trúc Sacombank sau sáp nhập đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt ngày 22/5/2017 nên Báo cáo tài chính được kiểm toán cùng các tài liệu Đại hội và danh sách nhân sự dự kiến bầu Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2021 đang được khẩn trương hoàn tất.
Tuy nhiên, trên đây chỉ là lý do mà Sacombank đưa ra. Theo nguồn tin đăng tải trên các phương tiện thông tấn, báo chí gần đây, Sacombank đã có danh sách ứng cử viên vào HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2017 - 2021, với nhiều cái tên mới đến từ Vietcombank và tập đoàn Him Lam của ông Dương Công Minh cùng cá nhân ông Nguyễn Đức Hưởng, nguyên phó chủ tịch thường trực LienVietPostBank.
Thế nhưng, danh sách này sau đó đã thay đổi do có ứng viên quan trọng rút tên. Điều đó khiến dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng, việc ứng viên quan trọng trong danh sách ứng cử viên vào HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2017 - 2021 rút tên chính là nguyên nhân khiến Sacombank phải tiếp tục hoãn tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên?
Nghi vấn trên của dư luận hoàn toàn có cơ sở, bởi lần hoãn tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 26/5/2017 cũng do lý do tương tự.
Cụ thể, theo nguồn tin của Dân Việt đăng tải ngày 25/4/2017, ông Đặng Văn Thành, "cha đẻ" của Sacombank, và nhóm cổ đông nước ngoài bất ngờ rút lui, không tham gia mua lại cổ phần của ông Trầm Bê và người có liên quan để quay trở lại ngân hàng này ngay trước ngày Sacombank thông báo hoãn lịch đại hội.
Trước đó, ông Thành và nhóm cổ đông gồm Evercore Group và Redsun Capital Limited đã gửi đề án tái cơ cấu Sacombank lên NHNN. Ông Thành xin phép NHNN tiếp cận số liệu, rà soát và đánh giá tình hình hoạt động của Sacombank để thẩm định chính xác thực trạng Sacombank sau sáp nhập.
Ngoài ra ông Thành và nhóm cổ đông cũng đề xuất sẽ bổ sung năng lực tài chính cho Sacombank thông qua việc tăng ròng vốn điều lệ thêm 20.600 tỷ đồng để cải thiện căn cơ các chỉ số an toàn hoạt động…
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2017, Sacombank đạt lợi nhuận trước thuế là 309 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng đạt 3,78%. Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý I của Sacombank cũng cho thấy những vấn đề cần phải có những giải pháp đột phá mới có thể giải quyết được.
Cụ thể, trong quý I, nợ xấu là 10.082 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn là 6.602 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 4,88%, giảm so với mức 5,35% tại thời điểm đầu năm. Trong đó ghi nhận nợ có khả năng mất vốn giảm 469 tỷ đồng.
Trái phiếu VAMC tính đến cuối quý I là 37.760 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Riêng trong quý I, Sacombank đã bán nợ xấu cho VAMC là 460 tỷ đồng. Nếu tính cả nợ xấu bán cho VAMC, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank là 23,1%. Có thể, tỷ lệ nợ xấu không dừng ở đấy khi nhìn vào khoản lãi dự thu của Sacombank. Hết quý I, Sacombank có các khoản phải thu hơn 42.048 tỷ đồng, trong đó lãi dự thu là 26.009 tỷ đồng.
Bảo Ngọc (Tổng hợp)