Việt Nam thêm nơi làm linh kiện máy bay: Cơ hội mới!

Google News

Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ tại Đà Nẵng chính thức đi vào hoạt động, cung cấp hơn 4.000 bộ phận cho các loại Boeing.

Sáng ngày 29/3/2020, ông Phạm Trường Sơn - trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp TP Đà Nẵng cho biết, nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ đã chính thức đi vào hoạt động sau 1 năm xây dựng.

Nhà máy có diện tích 16,7ha, công suất thiết kế 12.470 tấn hệ mét/năm. Các phân khu sản xuất các bộ phận chi tiết dùng trong ngành hàng không vũ trụ, nguyên liệu thô và lắp ráp bằng vật liệu hợp kim nhôm. Sản phẩm được xuất khẩu đi các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ và Malaysia.

Trước đó, vào năm 2018, Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) cũng đã chính thức khánh thành nhà máy sản xuất động cơ hàng không, vũ trụ tại Việt Nam và có những sản phẩm đầu tiên xuất xưởng vào đầu năm 2019.

Công ty Công nghiệp nặng Mitsubishi - Nhật Bản cũng đã đầu tư cơ sở sản xuất cửa máy bay bằng các hợp chất sợi các-bon cho máy bay chở khách Boeing 777 tại Hưng Yên.

Viet Nam them noi lam linh kien may bay: Co hoi moi!

Máy bay A380 được lắp ráp trong nhà máy của Airbus tại Toulouse (Pháp). Ảnh: Tuổi trẻ.

Nhìn nhận về việc ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài xây dựng cơ sở sản xuất linh kiện máy bay tại Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng đây là một tín hiệu tốt, cho thấy một bước khởi đầu mới cho một trung tâm sản xuất linh kiện máy bay ở Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhìn nhận, khi các công ty nước ngoài mở rộng sản xuất ở Việt Nam sẽ phải chuyển giao kỹ thuật, huấn luyện nhân sự, đứng ra tổ chức sản xuất. Họ có thể đào tạo, sử dụng kỹ sư, công nhân Việt Nam.

"Công nghiệp hàng không phải phát triển dần dần. Việc các doanh nghiệp nước ngoài mở nhà máy tại Việt Nam cho thấy nhân lực của Việt Nam đủ điều kiện để làm gia công, có kỹ sư, lao động có thể huấn luyện hoặc có trình độ để chuyển giao kỹ thuật, làm việc", PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết.

TS Vũ Quốc Huy, Phó Viện trưởng Viện Cơ khí Động lực (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, việc ngày càng nhiều công ty sản xuất linh kiện máy bay đầu tư vào Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy ngành hàng không Việt Nam.

"Hiện tại, ngành hàng không cần ngành công nghiệp phụ trợ để sản xuất các linh, phụ kiện phục vụ cho máy bay. Riêng đối với máy bay Airbus ở Pháp, người ta cần tới 3.000 công ty sản xuất linh, phụ kiện. Cho đến nay ở Việt Nam hầu như mới chỉ có một, hai công ty sản xuất linh, phụ kiện phục vụ máy bay" - TS Huy nói.

TS Trần Tiến Anh, Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Đại học Bách khoa TP.HCM cũng nhận định, việc các cơ sở sản xuất linh kiện máy bay được xây dựng ở Việt Nam sẽ mở ra cơ hội việc làm cho các sinh viên hàng không của Việt Nam sau khi ra trường. Đây chính là cơ hội để lao động Việt được tiếp xúc với công nghệ cao, học từ thực tiễn.

Tuy nhiên, ông Anh cho rằng, các nhà máy sản xuất linh kiện máy bay ở nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chỉ giúp giải quyết vấn đề công ăn việc làm, lao động được học hỏi, làm quen với công nghệ cao và tích lũy dần theo thời gian để nâng cao trình độ của mình lên chứ phần giá trị gia tăng mà Việt Nam nhận được không nhiều.

"Lao động là của ta nhưng công nghệ là của họ. Quy trình kỹ thuật, kiểm soát chất lượng thế nào là do phía họ chịu trách nhiệm, Việt Nam phải làm theo đúng quy trình đó. Thậm chí, ngay phần nguyên liệu như thép, công ty Hàn Quốc sẽ phải nhập từ nước họ sang vì thép luyện kim của Việt Nam chưa đủ tiêu chuẩn.

Giống như Công ty TNHH Artus, do Pháp đầu tư, ở KCN Biên Hòa II (Đồng Nai) chuyên sản xuất linh kiện điện tử như mô tơ điện, bộ cảm biến điện, biến thế, những hộp điện tử cho máy bay chuyên dụng của hãng Airbus, Boeing... Toàn bộ quy trình kỹ thuật, chuẩn kểm tra chất lượng do Artus đứng ra chịu trách nhiệm", ông dẫn ví dụ.

 
Theo Ngọc Thanh/Baodatviet