Theo thông tin từ Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu đoàn kiểm tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tình hình thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao và các giải pháp góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017, đến thời điểm này ngân hàng Vietcombank vẫn đang nắm hơn 7,16% cổ phần MBB, 8,19% Eximbank, 5,07% OCB và 4,3% Saigonbank.
Trước thời điểm Thông tư số: 36 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, Vietcombank sở hữu 9,8% cổ phần MBB, 8,2% Eximbank, 5,26% SaigonBank và 4,6% OCB. Những con số cho thấy Vietcombank chưa thực hiện nghiêm túc Thông tư 36 khiến các cổ đông, khách hàng Vietcombank băn khoăn, liệu Vietcombank có bị bắt buộc thoái vốn tại các TCTD này? Lộ trình thoái vốn thế nào? Việc thoái vốn có ảnh hưởng đến hoạt động của Vietcombank không? Nếu không thực hiện đúng lộ trình, Vietcombank có bị "tuýt còi" không?
Để làm rõ vấn đề này, Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu , Chuyên gia tài chính-ngân hàng.
|
Ảnh minh họa: Internet. |
Chia sẻ với Kiến Thức, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định, việc Vietcombank phải thoái vốn tại các TCTD là điều bắt buộc, bởi theo quy định tại Thông tư 36, NHTM chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 TCTD khác, trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của ngân hàng đó. Bên cạnh đó, tỷ lệ nắm giữ của NHTM tại TCTD khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết và không được cử người tham gia HĐQT của TCTD mà ngân hàng mua cổ phần, trừ trường hợp TCTD đó là công ty con của ngân hàng.
Theo lộ trình, các NHTM đang nắm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại hơn 2 TCTD khác phải tính đến việc thoái vốn trong vòng 1 năm.
“Đây là một quy định bắt buộc đối với tất cả các ngân hàng, Vietcombank cũng không thể có lựa chọn nào hơn là phải tuân thủ quy định này. Theo đó, trong 4 ngân hàng MBB, Eximbank, SaigonBank và OCB mà Vietcombank đầu tư vào, Vietcombank chỉ có thể giữ được cổ phần tối đa tại 2 ngân hàng và trong 2 ngân hàng đó, tại mỗi ngân hàng Vietcombank không thể nắm quá 5% vốn điều lệ của ngân hàng mà Vietcombank đã đầu tư”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Về lộ trình thoái vốn, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, điều này sẽ do mỗi ngân hàng quy định. NHNN cũng sẽ đưa ra thời hạn để các ngân hàng thoái vốn theo Thông tư 36, tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, một số ngân hàng vẫn còn tình trạng chưa thực hiện nghiêm túc Thông tư 36.
“Có lẽ, từ nay đến cuối năm, Vietcombank nên tìm cách rút vốn để thực hiện đúng với quy định của nhà nước, trễ nhất là giữa năm 2018. Bởi trong thời gian mấy năm vừa qua cũng đủ để các ngân hàng thoái vốn rồi. Nếu Vietcombank giữ số cổ phần đầu tư tại MBB thì phải rút từ 7,16% xuống 5%, nếu giữ Eximbank thì phải rút từ 8,19% xuống 5%, tại OCB từ 5,07% xuống 5%, còn số cổ phần 4,3% tại Saigonbank thì Vietcombank vẫn ở mức có thể đầu tư được.”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh, việc thoái vốn sẽ có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của Vietcombank và các ngân hàng đối tác nhưng không nhiều.
Bên cạnh đó, giải thích về câu hỏi, vì sao đến nay ngân hàng Vietcombank vẫn chần chừ chưa thoái vốn, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng có 3 nguyên nhân chính:
Thứ nhất, có thể do Vietcombank chưa tìm được cổ đông lớn để mua lại số cổ phần mà đơn vị này đã đầu tư vào các TCTD khác.
Thứ 2, khó tìm được đối tác phù hợp với chiến lược kinh doanh của mình. Bởi ngân hàng bán cổ phần đầu tư cho Vietcombank họ cũng muốn ngân hàng nào đó thay thế Vietcombank cũng phải là đối tác kinh tế phù hợp với đường lối phát triển của họ.
Như trường hợp của Eximbank, nếu thoái vốn phải bán đi 3,19% - đây là một lượng cổ phần khá lớn cho một hoặc nhiều nhà đầu tư. Thành ra, ngay cả chính ngân hàng trước đây được Vietcombank đầu tư vào cũng không phải dễ dàng để tìm được đối tác phù hợp với chiến lược kinh doanh của họ.
Thứ 3, hiện giá cổ phiếu của các ngân hàng không được cao như ngày xưa nên Vietcombank có thể phải chịu trách nhiệm cho việc bán lỗ.
“Đây có thể là điều mà ban lãnh đạo Vietcombank không muốn. Nếu may mắn Vietcombank sẽ tìm được nhà đầu tư mua với giá cao hoặc bằng thì tốt, tuy nhiên, đây là điều không dễ khi mà thị trường đang xuống như vậy”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay chưa có chế tài nào để xử lý vi phạm này, tuy nhiên, tới một lúc nào đó NHNN cũng cần phải chốt thời gian để các ngân hàng thực hiện đúng Thông tư 36. Nếu sau thời gian đó, ngân hàng nào không tuân thủ thì phải có biện pháp, chế tài cụ thể để xử lý chứ không thể nào làm ngơ mãi được.
"Bởi khống chế cái trần 5% và khống chế số lượng ngân hàng để nắm giữ cố phiếu không vượt quá 2 ngân hàng là một trong những điều kiện quan trọng để tránh tình trạng lợi ích nhóm, tránh tình trạng các ngân hàng sở hữu chống chéo với nhau, từ đó có thể lợi dụng vị trí ưu thế của mình trong thị trường", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ.
Bảo Ngọc