Vietnam Airlines tạm đình chỉ, xem xét sa thải tiếp viên để lây nhiễm COVID-19
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa có quyết định tạm đình chỉ công việc với ông D.T.H., tiếp viên hàng không của hãng (BN 1342), để xem xét kỷ luật với hình thức sa thải do những vi phạm trong việc cách ly y tế phòng ngừa COVID-19. Thời gian tạm đình chỉ công việc của ông H. từ ngày 2/12 đến hết ngày 31/12/2020.
|
Vietnam Airlines đã tạm đình chỉ, xem xét sa thải tiếp viên để lây nhiễm COVID-19. (Ảnh minh họa). |
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM tối ngày 30/11, ca mắc COVID-19 là tiếp viên H., đang được điều trị tại TP.HCM. Trong thời gian cách ly tại khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý (ở số 115 đường Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM) từ ngày 14 - 18/11, BN 1342 có tiếp xúc với đồng nghiệp trên chuyến bay khác (BN 1325).
Sau khi xét nghiệm 2 lần cho kết quả âm tính, BN 1342 được về cách ly tại nhà trọ (P305, lầu 3, số 50 Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM).
Tuy nhiên, tại phiên họp Chính phủ sáng 2/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian cách ly tại nhà BN 1342 đã tự ý bỏ ra ngoài. Bệnh nhân đi ăn trưa ngày 21/11 và tới trường Hutech (Đại học Công nghệ TP.HCM) ngày 22/11.
Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: “Chúng tôi đánh giá đây là vi phạm rất nghiêm trọng trong cách ly tại khu tập trung và cách ly tại nhà, rất nguy hiểm”.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tạm dừng các chuyến bay thương mại. (Ảnh VGP/Quang Hiếu). |
Trước diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Công điện số 1699/CĐ-TTg ngày 2/12/2020 về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Một trong số các nội dung của Công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Đối với trường hợp lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 tại TP.HCM: UBND TP.HCM chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, mạnh mẽ, thần tốc truy vết mọi đối tượng F1, F2 của các ca lây nhiễm mới phát hiện, với tinh thần cao nhất, đạt kết quả tối đa, không để lây lan vòng 3.
Việc để xảy ra lây nhiễm là vụ việc vi phạm nghiêm trọng quy định về phòng, chống dịch. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân liên quan, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ. Bộ Y tế, UBND TP.HCM có trách nhiệm giám sát xử lý vụ việc vi phạm này.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về COVID-19 chiều ngày 1/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tạm dừng các chuyến bay thương mại từ nước ngoài, chỉ thực hiện các chuyến bay giải cứu (đối với các trường hợp khó khăn, thực sự cần thiết).
Vietnam Airlines đang thê thảm ra sao?
Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình hoạt động của các hãng hàng không quốc tế nói chung, Vietnam Airlines nói riêng. Thực tế, tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines đang rơi vào tình cảnh thê thảm.
Ông Trần Thanh Hiền - Trưởng ban Tài chính Vietnam Airlines, cho biết, hết tháng 6/2020, doanh thu của hãng chỉ đạt trên 20.000 tỷ đồng, đạt 53%, lỗ 6.500 tỷ đồng. Riêng Công ty mẹ lỗ 5.111 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời điểm đó Vietnam Airlines vẫn còn dư khoảng 2.695 tỷ đồng. Do các khoản vay ngắn hạn đã được đẩy lên (4.600 tỷ đồng), các khoản đàm phán giãn, hoãn nợ (hơn 3.600 tỷ) được thực hiện đồng bộ nên hãng vẫn duy trì được hoạt động.
Theo đại diện của hãng, kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020, hãng đạt gần 24.000 tỷ đồng doanh thu, bằng 42% so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, lỗ hợp nhất dự kiến ở mức 10.750 tỷ đồng, tương đương 71% kế hoạch năm 2020, trong đó mức lỗ của Công ty mẹ là hơn 8.700 tỷ đồng. Mức thua lỗ này thổi bay thành quả tổng lợi nhuận 10.380 tỷ đồng của hãng bay trong 5 năm qua (2015-2019).
|
TP.HCM tạm đóng cửa khu cách ly tập trung gồm 2 cơ sở của Vietnam Airlines ở đường Hồng Hà (quận Tân Bình), các nhân viên của hãng này được chuyển đi nơi khác. (Ảnh minh họa). |
Những khó khăn về tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines chưa dừng lại ở đó. Trong cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020 còn cho thấy, doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vietnam Airlines sụt giảm tới 70% so với cùng kỳ, xuống còn 7.600 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 30/9/2020, tiền gửi ngắn hạn của Vietnam Airlines chỉ còn 656 tỷ đồng, khi mà cuối năm 2019 đạt trên 3.579 tỷ đồng. Trái ngược với tiền mặt co hẹp, nợ phải trả của doanh nghiệp này cũng tăng gấp nhiều lần, vượt 8 lần vốn chủ sở hữu (6.610 tỷ đồng) lên mức 55.759 tỷ đồng.
Trong đó, khoản vay nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng gấp hai lần, lên 11.684 tỷ đồng, vay nợ dài hạn lên 27.871 tỷ đồng. Khối nợ khổng lồ đã khiến chi phí tài chính phải chi trả trong 3 quý lên tới 1.386 tỷ đồng, riêng chi phí lãi vay đã hơn 725 tỷ đồng.
Để duy trì hoạt động, thời gian qua Vietnam Airlines phải giảm lương nhân viên, đàm phán với các tổ chức tín dụng giãn, hoãn nợ. Thậm chí từ tháng 6/2020, lãnh đạo Vietnam Airlines còn kêu cứu, nếu không được Chính phủ “rót tiền” hỗ trợ, đến tháng 8/2020 hãng sẽ cạn tiền hoạt động.
Vietnam Airlines sau đó đã trình phương án xin hỗ trợ từ Chính phủ với số tiền 12.000 tỷ đồng, gồm 4.000 tỷ đồng thông qua cho vay và tăng vốn điều lệ 8.000 tỷ đồng, trong đó phần vốn Nhà nước tương ứng theo tỷ lệ cổ phần nắm giữ là 6.800 tỷ đồng.
Về vấn đề trên, trong nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14 đã nhất trí đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines, bị thiệt hại do dịch bệnh COVID-19.
Quốc hội cho phép ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, nhất chí cho Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng quy định tại điểm a, điểm c và điểm d khoản 2 Điều 15 của Luật Chứng khoán và Chính phủ.
Có thể thấy, Vietnam Airlines đã tìm mọi cách để khắc phục những khó khăn về tình hình kinh doanh. Tuy nhiên, khi hãng bãy chưa kịp bật dậy, nay lại dính sạn tiếp viên để lây nhiễm COVID-19, các chuyến bay thương mại quốc tế cũng bị tạm dừng. Điều này, khiến dư luận đặt câu hỏi: Không biết đến khi nào Vietnam Airlines mới “ngóc đầu” lên được.
Luật sư Đặng Xuân Cường - Trưởng Ban Hình sự (TAT Law firm) cho rằng, với bệnh nhân 1342 có tiếp xúc với 1 tiếp viên của chuyến bay khác từ Rumani về đã có biểu hiện rõ của việc vi phạm quy định cách ly. Tùy vào tính chất và mức độ vi phạm của hành vi trốn khỏi nơi cách ly mà xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
“Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu”.
Căn cứ hướng dẫn của hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao tại Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020, thì người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện "hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người" quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 240 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017) và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người:
Trốn khỏi nơi cách ly; Không tuân thủ quy định về cách ly; Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.
Do đó, trường hợp cá nhân không tuân thủ quy định cách ly tại nhà gây lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người” theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017).
Khung hình phạt thấp nhất của tội này là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Khung hình phạt cao nhất của tội này là phạt tù từ 10 năm đến 12 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Khánh Hoài