Thông tin này khiến thị giá cổ phiếu leo lên vị trí thứ 2 thị trường.
Dù có mức giảm khá mạnh trong phiên giao dịch sáng nay, thị giá cổ phiếu VCF của Vinacafe Biên Hòa vẫn đang là 255.000 đồng/cổ phiếu, chỉ xếp sau SAB của Sabeco (309.000 đồng/cổ phiếu).
Đây là kết quả sau 4 phiên liên tục tăng trần trước đó, tương đương mức tăng 30% (gần 60.000 đồng/cổ phiếu về giá trị tuyệt đối), lên cán mốc 260.000 đồng/cổ phiếu chốt phiên giao dịch 8/12/2017.
Mức tăng chỉ trong vài phiên này cao hơn cả mức tăng trong gần 1 năm qua của chính cổ phiếu VCF tính đến ngày 5/12, ở mức khoảng 27%.
|
Không chỉ tăng về giá, khối lượng giao dịch bình quân cũng tăng 1.100-1.300 cổ phiếu/phiên những ngày gần đây. |
Khối lượng giao dịch trong 4 ngày qua cao gấp 4 lần lượng thanh khoản cổ phiếu của cả năm (khoảng 325 cổ phiếu/phiên). Trước đó, nhiều chuyên gia nhận định với cơ cấu cổ đông khá cô đặc, mức thanh khoản của cổ phiếu này rất khó có sự tăng trưởng đột biến.
Rất dễ nhận thấy giá cổ phiếu VCF tăng nhanh trong thời gian qua dựa vào lực đẩy duy nhất là thông tin HĐQT công ty này thông qua việc tạm ứng cổ tức năm 2017 bằng tiền, với tỷ lệ 660%, tương ứng 66.000 đồng/cổ phiếu. Đây là con số bất ngờ và chưa có tiền lệ trong lịch sử hoạt động của công ty này.
Việc này cũng đang gây bất ngờ lớn cho cổ đông, bởi trước đó Ban lãnh đạo VCF khẳng định tại ĐHĐCĐ tổ chức giữa tháng 4 vừa qua, nhiều khả năng năm 2017, công ty sẽ không chia cổ tức.
Cũng phải nói thêm rằng, liên tục hơn 3 năm qua (từ năm 2013), Vinacafe Biên Hòa đều nói không với việc chi trả cổ tức cho cổ đông.
|
Diễn biến giá cổ phiếu của VCF từ đầu năm đến nay |
Với tỷ lệ tạm ứng cổ tức cao như vậy, VCF có thể sẽ phải chuẩn bị một lượng tiền mặt cực lớn để đáp ứng.
Cụ thể, VCF đang có gần 26,6 triệu cổ phiếu lưu hành. Như vậy ước tính công ty sẽ phải bỏ ra hơn 1.750 tỷ đồng để thực hiện tạm ứng cổ tức đợt này.
Số tiền chia cổ tức này chiếm tỷ lệ lớn trong kết quả lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng) tính đến ngày 31/12 của VCF.
Thời điểm đưa ra thông tin về việc tạm ứng cổ tức khiến không ít cổ đông đặt câu hỏi về ý đồ thực sự của quyết định này.
Cách đây một tuần, CTCP Tập đoàn Masan thông báo việc Công ty TNHH Một thành viên Masan Beverage (công ty con của tập đoàn này) chào mua công khai toàn bộ cổ phần của VCF. Mức giá Masan Beverage dự định chào mua là 202.000 đồng/cổ phiếu, nhằm tăng tỷ lệ sở hữu hiện có từ 68,5% lên 100%.
Điều đáng nói nữa là tại mức giá chào mua công khai, Masan Beverage sẽ phải chi ra gần 1.700 tỷ đồng để thâu tóm toàn bộ công ty này. Khi VCF chi trả cổ tức thì chính Masan Beverage đang là cổ đông lớn nhất tại đây, sẽ nhận được khoảng 1.200 tỷ đồng.
Như vậy, số tiền thực tế Masan bỏ ra để tăng sở hữu tại VCF chỉ khoảng 500 tỷ đồng. Đồng thời, động thái này cũng tạo nên một bước giá mới cho số cổ phiếu Masan Beverage đang sở hữu tại doanh nghiệp này.
Theo Masan, bằng việc mua thêm khoảng 30% cổ phần của VCF, lợi nhuận của Masan dự kiến sẽ tăng lên, do giảm cổ đông thiểu số. Ngoài việc giúp cải thiện đáng kể biên lợi nhuận thuần, giao dịch này còn mang lại dòng tiền lớn hơn và tinh giản bảng cân đối kế toán hợp nhất cũng như cấu trúc tập đoàn. Giao dịch dự kiến sẽ hoàn tất vào quý I/2018, thực hiện theo sự phê chuẩn của doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước.
Bên cạnh Masan Beverage, Vinacafe Biên Hòa còn một cổ đông lớn khác là Gaoling Fund. LP đang sở hữu 6,2 triệu cổ phiếu, tương đương 23,33% vốn. Đây là quỹ đầu tư có trụ sở tại Hong Kong, đã chi gần 900 tỷ đồng mua lại số cổ phiếu này cách đây 4 năm từ phía Tổng công ty Cà phê Việt Nam.
Một tổ chức ngoại khác có liên quan đến Gaoling là YHG Investment, cũng đã mua 300.000 cổ phiếu, tương đương 1,13% vốn của VCF vào thời gian này.
Theo Bình Nguyên/Zing