Vinalines bỏ hơn nghìn tỷ thành lập công ty VIMC Lines

Google News

Mới đây, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã công bố quyết định đầu tư góp vốn thành lập Công ty CP Vận tải container VIMC (VIMC Lines).

Theo đó, tổng giá trị vốn góp là 1.014,55 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ sở hữu 99,956% vốn điều lệ của VIMC Lines.
Được biết, hình thức góp vốn là bằng tài sản và tiền. Trong đó, phần vón góp bằng tài sản thuộc sở hữu của Vinalines gồm có hơn 12,64 triệu cổ phần có mệnh giá 10.000 đồng/cp tại Công ty CP Cảng VIMC Đình Vũ; 4,59 triệu cổ phần có mệnh giá 10.000 đồng/cp tại Công ty CP Phát triển Hàng hải (Vimadeco, HNX: VMS); 500 container 20’DC và 500 container 40’HC. Phần vốn góp bằng tiền được xác định bằng tổng giá trị vốn góp trừ đi giá trị các tài sản kể trên.
HĐQT giao Tổng Giám đốc Vinalines thực hiện việc góp vốn thành lập VIMC Lines theo đúng quy định pháp luật; tổ chức quán lý, giám sát giá trị góp vốn đảm bảo sử dụng có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn.
Vinalines cũng liên tiếp có những động thái đáng chú ý liên quan đến các công ty con trong thời gian gần đây.
Cụ thể, vào ngày 29/01, theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Vinalines đã bán đấu giá công khai thành công hơn 1.3 triệu cp, tương ứng 26.5% vốn, tại CTCP Vận tải biển Hải Âu (SESCO, UPCoM: SSG) - công ty có tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước, hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực vận tải biển và thực hiện cổ phần hóa vào năm 2000.
Trước đó, vào ngày 08/01, HĐQT Công ty phê duyệt chủ trương chuyển nhượng toàn bộ 60% vốn đầu tư tại Công ty TNHH Khai thác Container Việt Nam (Vinabridge) - một công ty con kinh doanh liên tục thua lỗ thời gian qua và Vinalines đã phải trích lập hơn 50% giá trị khoản đầu tư.
Ngoài ra, Vinalines cũng thoái vốn tại Công ty CP Hàng hải Sài Gòn (UPCoM: SHC) thông qua phương thức bán đấu giá cổ phần tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Cụ thể, 437.400 cổ phần, tương đương 10,15% vốn điều lệ của Hàng hải Sài Gòn sẽ được đấu giá với mức khởi điểm 22.600 đồng/cp và không hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Về kết quả kinh doanh, Vinalines vừa công bố BCTC quý 4/2023 với doanh thu thuần đạt hơn 3,395 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, biên lãi gộp bị thu hẹp 7 điểm phần trăm về mức 14.9%, kéo theo lãi gộp của Công ty giảm 30% còn khoảng 506 tỷ đồng.
Trước tình hình khó khăn từ hoạt động cốt lõi, hoạt động tài chính lại trở thành điểm sáng khi lãi 156 tỷ đồng, cao gấp gần 16 lần cùng kỳ. Một khoản chi phí quan trọng khác là chi phí quản lý doanh nghiệp cũng được tiết giảm 18%, còn hơn 401 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty còn được xóa nợ vay và cơ cấu nợ với ngân hàng hơn 175 tỷ đồng, giúp lợi nhuận khác tăng đột biến và cao gấp 7 lần cùng kỳ.
Sau cùng, lợi nhận trước thuế đạt 532 tỷ đồng, tăng 87% và lãi ròng đạt 264 tỷ đồng, gấp 12 lần cùng kỳ.
Kết thúc năm 2023, Vinalines mang về 12,814 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 11% so với năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt 2,114 tỷ đồng (thực hiện được 91% kế hoạch năm), giảm 31% và lãi ròng 1,152 tỷ đồng, giảm 37%.
Minh Châu (t/h)