Vingroup khẳng định không thu lợi từ 25 triệu bộ xét nghiệm Covid-19

Google News

Phó Chủ tịch Vingroup cho biết, Tập đoàn đã ứng tiền mua 15 triệu bộ test nhanh Covid-19, hoàn toàn không thu lợi bất cứ đồng, thậm chí còn tài trợ một phần chi phí.

Ngày 1/9, Bộ Y tế có văn bản đề nghị Chính phủ có cơ chế đặc biệt nhằm mua lại lô 25 triệu kit test Covid-19 do Vingroup nhập về với giá 61.000 đồng/bộ.
Tuy nhiên, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương hôm 26/9 vừa qua, ông Đặng Hồng Anh - Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam - cho biết trong công tác phòng chống dịch, ngoài công sức còn tốn kém rất nhiều chi phí, trong đó có chi phí xét nghiệm nhanh.
Ông Đặng Hồng Anh đề xuất, cũng giống như vắc-xin, Bộ Y tế chủ trì cùng các địa phương đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất bộ test xét nghiệm nhanh để mua số lượng lớn đến 100 triệu bộ với chi phí gốc.
Theo đó, ông Đặng Hồng Anh cho biết, giá bộ test xét nghiệm nhanh Covid-19 mua số lượng lớn tại nước ngoài chỉ khoảng 1-1,5 USD/test (tức từ 22.000 - 35.000 đồng).
“Nếu mua được giá gốc với số lượng lớn thì có thể tiết kiệm được cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng”, ông Hồng Anh nói.
Về vấn đề chênh lệch thông tin giá kit xét nghiệm nhanh Covid-19 nêu trên, ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup khẳng định: “Tôi có thể công khai luôn 61.000 đồng là mức giá tốt nhất tại thời điểm đàm phán đợt vừa rồi, sau khi Vingroup đã nhập nhiều lô hàng lớn, mở rộng nguồn hàng và quan hệ cũng như đặt vào thời gian đỡ cao điểm. Có một số loại giá rẻ hơn 61.000 đồng vài chục phần trăm, nhưng chúng tôi lo ngại người dùng không yên tâm nên đã không chọn.
Còn trước đó, trong tháng 7 và 8, khi mua 20 triệu kit test để tặng, chúng tôi có thời điểm đã phải trả giá cao hơn nhiều".
Ông Quang dẫn chứng, Vingroup đã mua hơn 3 triệu bộ test Standard Q Covid-19 Ag Test của SD Biosensor Inc, Hàn Quốc, giá 175.000 đồng/test; 700.000 bộ Panbio Covid-19 Ag Rapid Test Device của Abbott Diagnostics Korea Inc, Hàn Quốc, giá 115.000 đồng/test; 700.000 bộ test SGTi-flex COVID-19 Ag của Sugentech, Inc., Hàn Quốc, giá 78.000 đồng/test; 10,5 triệu bộ BIOSYNEX COVID-19 Ag BSS từ Biosynex Swiss SA, Pháp/Thụy Sĩ giá 88.651 đồng/test...
"Các lô hàng trên được mua qua những nhà phân phối trong nước như Lục Tinh, Hùng Thịnh, Việt Nhật, Đoàn Gia SG… với đầy đủ hóa đơn chứng từ minh bạch và có thể dễ dàng kiểm chứng thông tin trên mạng tương ứng thời điểm chúng tôi đặt mua”, vị Tổng Giám đốc tập đoàn Vingroup cho biết.
Vingroup khang dinh khong thu loi tu 25 trieu bo xet nghiem Covid-19
Về lô 25 triệu kit test nhanh mà Bộ Y tế đề xuất mua lại, theo ông Nguyễn Việt Quang, Vingroup ký hợp đồng trực tiếp với Hãng SD Biosensor của Hàn Quốc nhập về 15 triệu bộ và đang chào bán cho các địa phương và đơn vị trong nước theo đúng quy định về đấu thầu.
Vingroup nhập về với giá 61.000 đồng/bộ không qua trung gian nào. Tuy nhiên, để hỗ trợ các địa phương, Vingroup quyết định tài trợ một phần chi phí để kit test về mức 44.000 đồng/bộ.
Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết: “Vào thời điểm dịch bệnh leo thang cần khẩn cấp, Bộ Y tế đã vận động các doanh nghiệp tự ứng kinh phí ra nhập khẩu các bộ kit test về để chuyển giao lại cho Bộ với giá phi lợi nhuận. Song song, Bộ sẽ làm các thủ tục mua sắm đấu thầu để tiết kiệm thời gian.
Ngay từ những ngày đầu, Vingroup đã từng chủ động mua hơn 20 triệu bộ test về tặng hoàn toàn miễn phí cho rất nhiều đơn vị, địa phương như Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội, Tp. HCM, Long An, Khánh Hòa, Kiên Giang…
Vì thế, khi Bộ vận động, Vingroup lập tức triển khai ngay không hề tính toán gì. Bộ xác định nhu cầu trước mắt cần tối thiểu 25 triệu bộ kit test, nhưng chúng tôi mới tìm mua được 15 triệu bộ với giá tốt nên mới chỉ ký được hợp đồng mua 15 triệu. Theo thỏa thuận ban đầu với Bộ Y tế, giá cả mua sao chuyển giao vậy, chúng tôi không lấy lãi 1 đồng nào trong giao dịch này”.
Vingroup khang dinh khong thu loi tu 25 trieu bo xet nghiem Covid-19-Hinh-2
Ông Quang cũng cho hay, Vingroup sắp có nhà máy sản xuất test nhanh. Đây là dự án phi lợi nhuận. Việc sản xuất này xuất phát từ nhu cầu chống dịch, bảo vệ sức khỏe của người dân và nhằm hướng đến mục tiêu đảm bảo tự lực, tự chủ nguồn cung kit test cho Việt Nam trong bối cảnh “bình thường mới”.
Chính phủ đã xác định không thể theo đuổi chính sách “zero Covid”, do vậy việc đảm bảo nguồn kit test là một trong những yêu cầu để Việt Nam có thể kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, từng bước mở cửa vực dậy nền kinh tế.
Theo Phong Linh/Người đưa tin