Về quê "sống khỏe" nhờ trồng cây na dai
Anh Trần Đức Thắng và chị Đoàn Thị Thúy Hằng (xã Phú Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) trước kia làm việc tại Hà Nội với mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng/người, nhưng năm 2020, cả hai người quyết định về quê trồng cây na dai.
Chị Đoàn Thị Thúy Hằng chia sẻ tới phóng viên Dân Việt: "Trước kia tôi từng học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sau khi ra trường thì làm việc tại Hà Nội. Với diện tích gần 3ha được bố mẹ để lại, vợ chồng tôi đã chăm sóc và tiến hành mua thêm giống cây na dai và na bở để trồng nhằm phát triển kinh tế".
"Sau một thời gian trồng, chăm sóc cây na dai, tôi nhận thấy cây na dai tại xã Phú Long phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai...vì thế người dân ở đây "sống khỏe" nhờ trồng cây na này. Hướng tới, ngoài trồng giống na dai, na bở, tôi sẽ nghiên cứu, thí điểm trồng thêm cây na Thái Lan", chị Hằng cho biết.
Theo chị Hằng, để có được những quả na dai to, đều, đạt chất lượng, người trồng cần chăm sóc "đặc biệt" như: Cần cắt tỉa cành để cây na được trẻ hóa, tạo tán, bón phân định kỳ...
Đặc biệt, khi nụ hoa cây na dai hé mở có màu trắng thì tiến hành thụ phấn nhân tạo cho hoa. Sau khi thu hoạch hai vụ quả, cần cắt hết cành cho cây ngủ đông chuẩn bị cho vụ mới.
Được biết, hiện gia đình chị Hằng đang bán quả na dai tại vườn với giá từ 35.000-45.000 đồng/kg. Với diện tích gần 3 ha trồng giống cây na dai và na bở đang giúp gia đình thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.
Trồng cây na dai hiệu quả gấp 30 lần trồng ngô, khoai
Phú Long là một xã vùng cao của huyện miền núi Nho Quan (tỉnh Ninh Bình), với địa hình nhiều thung lũng, núi đá, vùng rừng núi rậm rạp...nên trước đây bà con nông dân chủ yếu trồng cây ngô, khoai, sắn…hiệu quả kinh tế rất thấp.
Khoảng 10 năm trở lại đây, người dân xã Phú Long bắt đầu mua giống cây na dai về trồng thử. Từ những diện tích "khiêm tốn" ban đầu, đến nay toàn xã Phú Long có hơn 100 hộ trồng na, với diện tích khoảng 200ha.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Thuật-Giám đốc Hợp tác xã sản xuất na trái vụ, tiêu thụ trái cây an toàn Phú Long cho biết: "Hợp tác xã chúng tôi được thành lập từ tháng 6/2020, hiện nay có 41 thành viên và trong đó có cả vợ chồng anh Thắng và chị Hằng".
"Cây na dai rất phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở Phú Long nên sinh trưởng, phát triển tốt. Trồng cây na dai không cần kỹ thuật phức tạp nhưng đòi hỏi nhiều công chăm sóc. So với trồng cây ngô, khoai, sắn…thì cây na dai cho hiệu quả kinh tế gấp 30 lần", ông Thuật đánh giá.
Cũng theo ông Thuật, bình quân cứ 1 m2 đất thì trồng 4 cây na dai (mỗi cây thu nhập khoảng 400.000 đồng), trong khi đầu ra ổn định không bấp bênh như các loại cây trồng khác".
Cây na ở xã Phú Long (huyện Nho Quan) được trồng theo quy trình VietGap, thụ phấn nhân tạo 100%. Đặc biệt, cây na dai ở đây không chỉ cho một vụ quả như các địa phương khác mà nhờ áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, na ra quả trái vụ. Ngoài ra, quả na Phú Long đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.
Theo Vũ Thượng/Dân việt