Khi kể về hành trình mua căn nhà đầu tiên, chị Nga, 38 tuổi không giấu nổi cảm xúc tự hào về căn nhà đầu tiên sau bao năm cố gắng, chung lưng đấu cật của cả 2 vợ chồng. Có thể nói từ con số 0, nhờ biết vun vén, tiết kiệm và cố gắng 100% sức mình, chị đã có căn nhà của riêng mình.
"Giờ ngoảnh lại, mình vẫn thấy mọi thứ như trong mơ. Từ phải đi thuê nhà, mình đã có căn nhà kiên cố, ổn định để vợ chồng con cái có nơi đi về mà không phải căn nhà thuê chật hẹp, tạm bợ. Dù cho đó là cả 1 hành trình rất dài", chị Nga nhớ lại.
Theo người phụ nữ này, vợ chồng chị đều là người tỉnh lẻ và lên Hà Nội đi làm. Chồng chị làm ở một nhà máy đông lạnh, thu nhập khoảng 15 triệu. Còn chị Nga làm truyền thông cho 1 công ty, lương tháng được 12 triệu đồng. Tổng thu nhập của vợ chồng trẻ này được khoảng 27 triệu/tháng.
|
Sau 7 năm cật lực cố gắng, vợ chồng chị Nga đã có căn nhà đầu tiên |
Sau khi kết hôn, vợ chồng chị thuê căn nhà trọ ở Ngã Tư Sở để cả 2 tiện đi làm. Mỗi tháng, không kể tiền điện nước, chị Nga phải trả tiền nhà trọ là 2,5 triệu đồng.
2 năm kết hôn và ở trọ, vợ chồng chị dành dụm được tất cả 200 triệu đồng. Chị chẳng bao giờ nghĩ, với chừng ấy tiền mà dám đặt cọc mua căn nhà đầu tiên của mình: "Một hôm mình đến nhà người bạn của mình thăm bạn ấy mới sinh con. Qua nói chuyện, bạn ấy bảo ở ngõ nhà bạn có nhà đang rao bán căn nhà cấp 4 giá 1,2 tỷ. Bạn ấy nói hay vợ chồng mình mua mà ở, đỡ phải ở trọ tạm bợ. Lúc ấy mình còn bảo làm sao có tiền mà mua, nợ nần nhiều quá. Nhưng khi về nhà nói chuyện với anh xã, mình cũng cân nhắc mãi. Thế là vợ chồng quyết liều, xin liên hệ để đến thăm nhà và đàm phán giá cả".
|
Do vẫn chưa hài lòng ở căn nhà cũ cấp 4 ẩm thấp, vợ chồng chị Nga quyết định bán căn nhà cũ với giá 1,4 tỷ (được lãi 200 triệu đồng) |
Sau 1 tuần suy nghĩ, năm 2013 vợ chồng chị Nga quyết định lấy căn nhà 1,2 tỷ khi trong tay chỉ có 200 triệu đồng mang đi đặt cọc. Hàng tháng vợ chồng trẻ này vừa trả gốc và trả lãi ngân hàng là hơn 10 triệu đồng/tháng.
"Vì sợ không có tiền trả được nên vợ chồng mình vay ngân hàng trong kỳ hạn 10 năm. Theo đó, số tiền vợ chồng mình phải trả hàng tháng (kỳ đầu) là 10.000.000 VNĐ. Sau đó, số tiền trả hàng tháng tối đa: 10.500.000 VNĐ. Phí phạt trả nợ trước hạn là 5.000.000 VNĐ", chị Nga chia sẻ.
Năm 2016, do vẫn chưa hài lòng ở căn nhà cũ cấp 4 ẩm thấp, vợ chồng chị Nga quyết định bán căn nhà cũ với giá 1,4 tỷ (được lãi 200 triệu đồng). Lúc này nợ cũ của vợ chồng chị vẫn còn tầm 700 triệu đồng.
|
Giờ nhà chị Nga đã rộng rãi thoải mái hơn |
"Dù nợ nần chồng chất, vợ chồng mình vẫn quyết định mua căn nhà số 2 chính là nhà mình đang ở hiện nay. Nhà tuy chỉ có 30m2 nhưng là nhà 5 tầng. Số tiền mình mua là 2,4 tỷ đồng. Như vậy, cả nợ cũ 700 triệu và nợ mới, vợ chồng mình lại nợ 1,7 tỷ đồng", người vợ này phân tích.
"Lại một công cuộc vợ chồng mình phải trả góp theo tháng. Hàng tháng mình phải trả tầm hơn 17 triệu đồng lãi ngân hàng. Cứ có khoản nào thêm là vợ chồng lại trả ngay, không suy nghĩ nhiều về khoản phạt trả sớm. Cứ thế sau 4 năm còng lưng trả nợ ngân hàng tiền mua nhà, cho đến Tết rồi vợ chồng mình mới rũ được hết nợ", chị Nga nói.
Theo người vợ trẻ này chia sẻ, tâm lý của các cặp vợ chồng đi mua nhà sẽ luôn lo âu vì khoản nợ ngân hàng, không biết đến bao giờ mới trả nợ xong. Song chính vì như vậy, vợ chồng chị Nga càng cố gắng làm việc. Đây chính là động lực giúp vợ chồng chị cố gắng hơn trong công việc, vợ chồng làm thêm liên miên tối ngày vì mục tiêu trả nợ trước hạn.
"Khi vay ngân hàng mua nhà, người vay vốn không nên tiếc những chi phí trả nợ trước hạn. Bởi đó chỉ là con số nhỏ so với tỷ lệ lãi suất tăng lên từng tháng, từng kỳ mà chính bản thân vợ chồng bạn đang gánh. Nói chung kinh nghiệm của mình là, không liều vay nợ để mua nhà thì không bao giờ mua được nhà. Cứ vay mua đi, có cục nợ treo trên đầu là 2 vợ chồng tự khắc cày bừa, hạn chế xài sang, có bao nhiêu mang trả nợ hết. Giờ nhìn lại, 2 vợ chồng mình còn không hiểu sao trong những năm qua lại cày tiền ác đến thế", chị Nga thú nhận.
Theo Nhịp Sống Việt/Tổ quốc