Tôi năm nay 26 tuổi, mới lập gia đình được 2 năm, hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Tôi quản lý một trường mầm non tư thục với mức lương 13-15 triệu đồngtháng. Chồng tôi là nhân viên văn phòng, thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Nhờ gia đình hai bên nội ngoại đều khá giả nên sau khi kết hôn chúng tôi được ông bà cho một căn nhà ra ở riêng. Song, mọi chuyện không đơn giản như tôi nghĩ. Vấn đề thực sự rắc rối khi tôi là người giữ tay hòm chìa khóa.
Đều như vắt chanh, mỗi tháng gia đình tôi chi khoảng 5 triệu đồng tiền ăn, 2 triệu đồng tiền thuê người dọn dẹp, 2-3 triệu tiền điện nước. 10-15 triệu đồng còn lại dành cho để hai vợ chồng chi tiêu. Song, do tiêu xài không có kế hoạch nên chúng tôi chẳng tiết kiệm được là bao. Chẳng hạn, hứng lên là chúng tôi đi du lịch cuối tuần, đi ăn nhà hàng, mua sắm,... vì thế, tháng nào may thì còn, không thì hết sạch, thậm chí có lúc còn âm.
|
Chi tiêu quá tay, vợ chồng chị Cẩm Anh dự định mở quán game để có thêm thu nhập (ảnh minh họa) |
Nếu không sớm chấm dứt tình trạng này, đây sẽ là quả bom nổ chậm đe dọa đến tài chính gia đình bởi 3 tháng nữa tôi sẽ sinh em bé. Do vậy, trước khi bước vào giai đoạn mới, tôi muốn hoạch định và sắp xếp lại mọi thứ.
Do trường mầm non là của gia đình nên sau khi sinh tôi sẽ không mất tiền gửi con, nhưng chi phí sinh hoạt ắt sẽ gia tăng và biến động mạnh. Bởi vậy, vợ chồng tôi dự định mở một quán Game để cải thiện thu nhập.
Ước tính chi phí mở quán hết khoảng 1 tỷ đồng. Hiện tôi có 200 triệu đồng nên dự tính vay thêm từ gia đình 300 triệu và vay ngân hàng 500 triệu nữa.
Chồng tôi sẽ đứng ra quản lý quán vì công việc của anh ấy khá nhàn (một ngày chỉ làm 5 tiếng). Công việc của tôi cũng linh động, nên có thể chạy qua chạy lại trông nom mà không ảnh hưởng gì.
Trong 1 tỷ đồng đầu tư, tôi sẽ dành 600 triệu để mua 30-40 máy tính với giá 15 - 20 triệu đồng/máy. Tiền bàn ghế hết khoảng 60 triệu đồng.Trả tiền thuê nhà hàng tháng tầm 15 triệu đồng. Số tiền còn lại, tôi dùng để mua các thiết bị khác như bàn phím, tai nghe, chuột và chi trả các khoản phát sinh.
Tính sơ sơ, mỗi ngày tôi sẽ đổ vào quán ít nhất 1 triệu đồng. Trong đó, 500.000 đồng là tiền thuê nhà, 200.000-300.000 đồng là tiền thuê người (thuê sinh viên bán thời gian), 200.000-300.000 là tiền điện nước.
Tôi dự định sẽ mở quán 24/24 và thu 8.000-10.000 đồng cho mỗi giờ chơi. Ước tính doanh thu từ quán khoảng 1,5 triệu đồng/ngày, trừ hết chi phí, tôi sẽ lãi 15 triệu/tháng.
Song, tuy đã ấp ủ kế hoạch từ lâu nhưng vợ chồng tôi vẫn khá phân vân về việc mở quán. Đặc biệt là câu chuyện cân đối chi tiêu để làm sao cho khoa học hơn.
Chuyên gia tài chính Trần Nhật Nam tư vấn, gia đình chị Cẩm Anh đang có thu nhập trung bình so với mức sống ở các thành phố lớn như Hà Nội. Nếu chị muốn sức khỏe tài chính gia đình được cải thiện thì cần kiểm soát chi tiêu, cắt giảm chi phí vào các cuộc nhậu, mua sắm không cần thiết...
Chị nên gói gọn chi tiêu trong khoảng 15 triệu đồng/tháng để mỗi tháng để ra 10 triệu đồng tiền tiết kiệm. Từ khoản tích lũy hàng tháng cộng thêm số tiền 200 triệu đồng ban đầu, chị có thể nghĩ tới việc đầu tư. Với mức lãi suất bình quân 8%/năm, theo thời gian gia đình chị sẽ một nền tảng tài chính vững vàng.
Sau 10 năm, chị sẽ có hơn 2,1 tỷ đồng để có thể mua được một căn nhà cho thuê, gia tăng thu nhập thụ động hoặc tiếp tục đầu tư để tăng thêm tài sản, sau 20 năm gia đình chị sẽ có gần 7 tỷ đồng. Bởi vậy, việc kiểm soát chi tiêu có ý nghĩa rất lớn đối với tài chính gia đình chị.
Tuy nhiên, khi chị còn trẻ, thời gian còn nhiều thì nên tìm cách tăng thu nhập thay vì chỉ kiểm soát chi tiêu. Việc đầu tư quán Game để tạo thêm thu nhập cũng là một phương án.
Nhưng hiện tại, chị đang tính thiếu phần chi phí khấu hao của dàn máy tính và nội thất cửa hàng. Thông thường, máy tính chơi điện tử sẽ khấu hao hết trong vòng 3 năm hoặc có thể nhanh hơn vì cấu hình trò chơi đòi hỏi phần cứng mạnh, công nghệ luôn phải cập nhật.
Phần nội thất cửa hàng có thể khấu hao khoảng 3-5 năm.Tính trung bình nếu khấu hao là 3 năm thì mỗi năm chị sẽ mất thêm 330 triệu đồng. Cộng thêm cả chi phí khấu hao thì việc kinh doanh quán Game là lỗ chứ không tạo thêm thu nhập, bởi nó ăn mòn tài sản của chị.
Để an toàn khi đầu tư, chị cần duy trì được tỷ lệ tiết kiệm là 10 triệu đồng/tháng để có thể chi trả cho tiền lãi và gốc khi vay thêm. Việc chị đầu tư mở quán cũng khó vay ngân hàng và nếu vay được thì lãi suất sẽ ở mức khá cao, từ 12-14%/năm.
Từ số liệu chị hạch toán nếu doanh thu chỉ đạt 1,5 triệu đồng/ngày sẽ là lỗ. Chỉ khi doanh thu đạt 2,32 triệu đồng/ngày (chi phí giữ nguyên 1 triệu đồng/ngày) tức là lãi ròng 1,32 triệu đồng/ngày thì cửa hàng mới thực sự có lãi.
Khi chị đi vay tiền đầu tư thì mức lãi ròng trên tổng vốn bỏ ra phải ở mức 14,2% trở lên mới bắt đầu có lãi. Nghĩa là, chị bỏ 1 tỷ đồng đầu tư, mỗi năm lãi ròng phải đạt 142 triệu đồng trở lên thì mới nên làm.
Đối với việc mở quán kinh doanh, gia đình chị nên cân nhắc cẩn trọng, tính toán kỹ càng để đảm bảo việc sinh lời, không chỉ trước mắt mà còn là sự dài hạn trong tương lai.
Nếu thời gian còn nhiều, vợ chồng chị có thể nghĩ thêm đến phương án tăng thu nhập bằng cách làm thêm công việc phụ hoặc đơn giản là đầu tư vào chính bản thân (học thêm nghề, học thêm kỹ năng, nâng cấp bản thân) để có cơ hội tăng lương, tìm được những công việc có thu nhập tốt hơn.
Đầu tư cho giáo dục, đầu tư cho chính bản thân luôn là đầu tư có lợi nhuận cao nhất.
Giả định với lạm phát 3%/năm nhưng lương chị tăng 7%/ năm, thì các chỉ số về sức khỏe tài chính của gia đình được cải thiện hơn rất nhiều.
Trước mắt, việc chị Cẩm Anh cần làm là cân đối lại các khoản chi tiêu và cố gắng tiết kiệm10 triệu đồng/tháng. Sau đó, chị hãy nghiên cứu thêm các mô hình kinh doanh, lên kế hoạch tỉ mỉ trước khi bước chân vào thương trường.
*)Title do Kiến Thức biên tập lại
Theo Vietnamnet