Vụ ngộ độc ở nhà hàng Adora: Lỗ hổng quản lý an toàn thực phẩm

Google News

Quản lý nhà hàng Adora chỉ ghi nhận phản ánh khách hàng bị ngộ độc và chờ ban giám đốc đi công tác về để báo cáo chứ không báo ngay cho Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM.
 

Từ hôm thực khách nhập viện sau khi ăn tiệc ở nhà hàng Adora số 431 Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, đến nay đã hơn 10 ngày nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Trao đổi với Zing.vn, Giám đốc điều hành Adora Center Nguyễn Đình Nhân cho hay đại diện nhà hàng đã đi thăm hỏi các thực khách nhập viện do ngộ độc thực phẩm. Phía nhà hàng hỗ trợ toàn bộ viện phí cho bệnh nhân, trong đó có người ở xa nhất là TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Chỉ ghi nhận sự việc
Ông Nhân cho biết quản lý nhà hàng nhận được phản ánh của chủ tiệc vào ngày 2/7. Tuy nhiên, quản lý nhà hàng chỉ ghi nhận lại sự việc và chờ ban giám đốc đi công tác về để báo cáo chứ không báo ngay cho Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP).
Lý giải cho việc không thông tin đến cơ quan chức năng, ông Nhân cho rằng quyền hạn của quản lý chỉ dừng lại ở việc ghi nhận và không có mối quan hệ nào để phản ánh cho cơ quan chức năng.
Vu ngo doc o nha hang Adora: Lo hong quan ly an toan thuc pham
 Thực khách nhập viện sau khi ăn tiệc ở nhà hàng Adora. Ảnh: An Huy.
Theo quy chế điều tra ngộ độc thực phẩm ban hành kèm quyết định số 39 năm 2006 của Bộ Y tế, bất kể ai khi bị hoặc phát hiện ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh truyền qua thực phẩm đều phải khai báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Đối với đơn vị tiếp nhận thông tin ngộ độc thực phẩm là doanh nghiệp thì cần chú ý đến tổng số người mắc, số người nhập viện, mối liên quan đến ăn uống và lưu mẫu thực phẩm nghi ngờ.
Như vậy, khi tiếp nhận thông tin từ thực khách phản ánh bị ngộ độc, lẽ ra quản lý nhà hàng phải báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền. Nếu nhiều người phản ánh thì nhà hàng cần thống kê thực khách thành một danh sách rồi phối hợp với Ban Quản lý An toàn thực phẩm để điều tra nguyên nhân.
Mặt khác, nhà hàng là đơn vị cung cấp thực phẩm nên họ có lưu giữ mẫu thực phẩm để cung cấp cho cơ quan chức năng. Thế nhưng, nhà hàng không chỉ bỏ qua việc ghi nhận số trường hợp bị ngộ độc đến tận nơi thông báo, mà còn không tiếp các thực khách đến khiếu nại, khiến dư luận nghi ngờ về động cơ "ém thông tin" khách hàng cung cấp.
Giải thích cho hành động từ chối tiếp thực khách đến phản ánh tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm, Giám đốc điều hành Adora Center Nguyễn Đình Nhân nói nhà hàng chỉ làm việc với chủ tiệc chứ không tiếp thực khách bởi không biết họ là ai.

Mời quý vị xem video: Nghi vấn ngộ độc hàng loạt sau cỗ cưới, dân nói có, ban ATTP nói không. Nguồn video: VTC14

Không thể “há miệng chờ sung”
Đến khi báo chí đưa tin hôm 4/7, Ban Quản lý ATTP TP.HCM mới vào cuộc. Công việc của họ là xác minh ở các bệnh viện trong tối 30/6 và ngày 1/7 có tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm hay không.
Ban Quản lý ATTP TP.HCM sau đó chỉ ghi nhận thống kê từ Sở Y tế, rồi ra thông báo "không có trường hợp nhập viện cấp cứu đông người nghi do ngộ độc thực phẩm sau khi ăn tiệc cưới như báo chí đã đưa tin”.
Trao đổi với Zing.vn, đại diện Sở Y tế TP.HCM gay gắt trước thông báo của Ban ATTP: “Chuyện ngộ độc xảy ra ầm ầm như vậy, sao lại nói không có? Ban Quản lý ATTP chỉ dựa trên thống kê của Sở Y tế rồi công bố không có ngộ độc thực phẩm đông người là vô trách nhiệm”.
Đại diện Sở Y tế TP.HCM cho rằng những người điều tra phải lường trước người bị ngộ độc có thể không tập trung tại một bệnh viện giống như ngộ độc thực phẩm ở các nhà máy, xí nghiệp đông người. Bởi đây là tiệc cưới, gia chủ mời họ hàng, khách khứa từ nhiều nơi.
"Sau khi ăn tiệc thì họ về quê. Giả sử họ ra đến Hà Nội rồi nằm viện ngoài đó cũng là ngộ độc chứ không phải chỉ nằm viện ở TP.HCM mới nói ngộ độc. Cách trả lời vậy là lấp liếm và không trung thực về thông tin”, đại diện Sở Y tế nói thêm.
Sau khi đọc thông báo của Ban Quản lý ATTP, anh Lê Trường Lâm (chủ tiệc cưới) nói chỉ riêng gia đình anh đã có 15 người nhập viện do các triệu chứng ngộ độc như tiêu chảy, nôn ói. “Nói không có ngộ độc đông người là không đúng”, anh Lâm phản bác thông báo từ phía Ban Quản lý ATTP.
Vu ngo doc o nha hang Adora: Lo hong quan ly an toan thuc pham-Hinh-2
 Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP, nói rất tiếc vì biết được thông tin quá trễ. Ảnh: Hiếu Duy.
Thống kê của Zing.vn cũng cho thấy có hàng chục thực khách của nhà hàng Adora tối 30/6 nhập viện với những triệu chứng nêu trên. Ông Nguyễn Văn Hai (72 tuổi, ngụ hẻm 1014 Cách Mạng Tháng Tám) khẳng định ông đã chứng kiến hơn 50 người ở hẻm này nằm la liệt trong bệnh viện, vật lộn với cơn đau dữ dội.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TP, giải thích do nhận được thông tin quá trễ nên việc điều tra ở góc độ một vụ ngộ độc tập thể rất khó và ngay cả mẫu thức ăn lưu ở nhà hàng cũng không còn sau 4 ngày xảy ra sự cố.
Trưởng ban Quản lý ATTP nói rằng nếu có hơn 30 ca được xác định ngộ độc thực phẩm thì đó là vụ ngộ độc lớn. Như vậy, với số lượng thực khách nhập viện đã được báo chí ghi nhận, cơ quan chức năng có đủ căn cứ để điều tra theo hướng đây là một vụ ngộ độc tập thể.
Đại diện Sở Y tế cho rằng sẽ đầy đủ và toàn diện hơn nếu Ban Quản lý ATTP cập nhật danh sách từ phía chủ tiệc, nhà hàng để điều tra từng trường hợp, thậm chí là cả những bệnh nhân ở xa.
Ông Nguyễn Hùng Long, Cục phó Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết đã yêu cầu Ban Quản lý ATTP TP.HCM khẩn trương điều tra vụ ngộ độc nhưng vẫn chưa nhận được kết quả phản hồi.
Về thời hạn điều tra các vụ ngộ độc thực phẩm, ông Long cho hay quy định hiện hành không nêu cụ thể thời gian bao lâu; tuy nhiên, cơ quan chức năng phải cố gắng làm nhanh nhất có thể. Đối với những vụ phức tạp, người bị ngộ độc cư trú trên địa bàn rộng thì thời gian điều tra có thể kéo dài từ 10 đến 20 ngày hoặc lâu hơn.
Theo Sỹ ĐôngThu Hằng/Zing.vn