Vườn rộng trồng loại cây ra “nữ hoàng quả khô”, sản lượng “khủng” nhất Lâm Đồng

Google News

Vợ chồng bà Lan, ông Ba đang có vườn trồng mắc ca 10 năm tuổi ở xã Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng). Vườn mắc ca đang cho trái “khủng” và năng suất vượt trội...

Tây Nguyên là nơi phù hợp nhất để trồng mắc ca và Lâm Đồng được mệnh danh là "miền đất hứa" mắc ca của cả nước, bởi điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu, độ dốc, nguồn nước… rất tốt cho cây mắc ca sinh trưởng và phát triển, trong đó, cực kỳ thích hợp là vùng đất Lâm Hà…
Nhưng, thời gian qua, có khá nhiều gia đình lao đao vì vườn mắc ca 4-5 năm tuổi chẳng thèm đậu trái… Và, những hướng mở, chưa cho kết quả thực tế, cũng chưa có khẳng định chắc chắn, nhưng đang là nỗ lực lớn của chính quyền, doanh nghiệp về lợi ích từ việc trồng mắc ca…
Những câu chuyện từ vườn
Cách đây 5 năm, dường như cái tên mắc ca lần đầu tiên được biết đến ở Lâm Đồng, nhờ vườn mắc ca 5 năm tuổi, rộng hơn 7 sào trồng xen trong vườn chuối của gia đình ông Nguyễn Đức Ba (xã Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) với tỷ lệ 100% cây cho trái.
Ngay mùa thu hoạch đầu tiên, với 300 cây mắc ca, ông Ba thu được 2 tấn hạt, bán được trên 400 triệu đồng. Bình thường, mỗi cây mắc ca cho khoảng 10 kg hạt, nhưng vườn nhà ông Ba cho thu hoạch 25 kg hạt/cây, thậm chí có cây vượt trội lên tới 50 kg/cây…
Vuon rong trong loai cay ra “nu hoang qua kho”, san luong “khung” nhat Lam Dong
Bà Lan (vợ ông Ba) trong vườn mắc ca 10 năm tuổi - cho trái “khủng” và năng suất vượt trội của gia đình. Vườn mắc ca của vợ chồng bà Lan ở xã Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: Lê Hoa
Mới đây, chúng tôi quay trở lại nhà ông Ba. Sân trước đang phơi trái mắc ca mới nhặt về. Sân bên hiên phơi hạt mắc ca đã tách vỏ trái. Sân có mái che tập kết một đống hạt và người làm công đang đập hạt lấy nhân...
Bà Nguyễn Thị Kim Lan - vợ ông Ba, xởi lởi mời chúng tôi những hạt nhân mắc ca chưa sấy, to bằng quả trứng cút, trắng như sữa và béo ngậy: “Ăn đi, rồi chút vô nhà cô mời hạt mắc ca sấy, xem hương vị khác nhau nhiều không!?”…
Vườn nhà ông bà Ba bây giờ chỉ trồng thuần mắc ca với khoảng 150 cây. “Cây lớn lên, tạo tán rộng, chú phải tỉa bớt cành hoặc chặt bỏ những cây kém năng suất hay cho quả nhỏ.
Trong vườn trồng cả mắc ca thực sinh và mắc ca ghép. Cây nào cũng có trái, nhưng cây mà mình chọn giống để ghép thì trái to và đều hơn; còn cây thực sinh có trái rất to, nhưng có cây cho trái nhỏ chút chút - sau này chú đều cắt bỏ” - chú Ba nói. Nếu phát triển thêm diện tích thì chú sẽ chọn giống là cây ghép hay cây thực sinh, tôi hỏi.
Chú Ba cho hay: Chưa khẳng định được cây nào tốt hơn đâu, vì dân mình đều mới trồng mắc ca. Vườn nhà chú 10 năm rồi, biết vậy thôi chứ “thằng nào (cây mắc ca) tốt, thằng nào xấu phải thời gian dài hơn. Nếu cây thực sinh mà giống bố mẹ tốt thì trồng thực sinh vẫn tốt. Như nhà chú bán giống ở đây là cây thực sinh, bà con mua về trồng đều cho trái tốt.
Giống mắc ca nhà ông Ba được Giám đốc Công ty (Cty) TNHH Mắt Đá Đà Lạt mang về từ Hawaii (Mỹ). Sau, giám đốc công ty này cũng tiến hành trồng thuần 3 ha mắc ca ở Đơn Dương, rồi chuyển giao cho ông Trần Vinh - lúc đó là Phó Giám đốc Cty TNHH Mắt Đá Đà Lạt, đầu tư thành vườn cây giống đầu dòng, cung cấp nhu cầu trồng xen mắc ca ở nhiều vườn cà phê… Ông Vinh tiếp tục đầu tư 50 ha mắc ca ở Phi Tô - Lâm Hà, nhưng thất bại - mất trắng gần 10 tỷ đồng.
Không từ bỏ niềm đam mê với mắc ca, ông Vinh gom toàn bộ gia sản đầu tư 200 ha mắc ca nằm sâu trong rừng ở khu vực Tà Nung (Đà Lạt) và táo bạo hơn với ý tưởng làm du lịch ở nơi đây. Chưa có công trình nào hoàn thiện, nhưng ước tính, riêng số tiền đầu tư cho đường đi thăm vườn mắc ca của ông Vinh thôi cũng rất “khủng”.
Không đặc biệt như quá trình gắn bó với cây mắc ca của ông Ba, ông Vinh, nhiều gia đình khác ở Tân Hà (Lâm Hà) đã thành công với mô hình trồng mắc ca ghép trong vườn cà phê, như ông Huỳnh, ông Hòa, ông Việt…; hay gia đình ông Lương Nhiêm (xã Phi Liêng) trồng mắc ca giống thực sinh xen với 6 ha cà phê, ông Trần Phúc Nguyên (xã Đạ K’Nàng) ở huyện Đam Rông… mỗi năm riêng mắc ca cũng thu hàng trăm triệu đồng…
Nhưng, cũng từ mắc ca mà có những câu chuyện rớt nước mắt…
2 ha đất trồng thuần mắc ca nhà ông Bùi Tấn Hùng ở xã Liên Hà (Lâm Hà) trồng trên mảnh vườn bằng phẳng ngay đường đi, nhưng chỉ có hoa mà không có trái, gia đình ông đã chặt bỏ, trồng thay thế macmac. ông Nguyễn Việt Hùng (cũng ở xã Liên Hà), trồng 5 ha theo mô hình chuẩn, cây rất xanh tốt, tán đẹp, nhưng chỉ có lá mà không cho quả.
Ông Hùng ấm ức: “Do chưa tìm hiểu kỹ, nên mua phải nguồn giống không bảo đảm, dẫn đến vườn trồng mắc ca rất tốt, nhưng không cho trái...”.
Ông Lê Văn Tạm (thôn 3, xã Hòa Nam, huyện Di Linh) cũng bức xúc: Bà con ở Di Linh đang chặt phá nhiều cây mắc ca không cho quả. Gia đình tôi có vài cây mắc ca 8 - 10 năm tuổi rất nhiều trái; nhưng lại có 400 cây mắc ca (4-5 tuổi) mua giống của Cty Đức Anh không cho quả, gọi điện thoại đến công ty không có ai nghe máy…
Năm 2015, hàng ngàn cây mắc ca 4-5 năm tuổi, đến kỳ phải cho trái, nhưng chỉ tốt lá, khiến nhiều nông dân đứng ngồi không yên. Các hộ dân “tố” đã mua giống của Cty Đức Anh theo hình thức trả trước 50% tiền khi lấy giống, còn 50% trả bằng sản phẩm. Nhưng khi cây không đậu trái, người nông dân cũng chẳng có cơ sở để đòi bồi thường.
Tính riêng toàn huyện Lâm Hà đã có 44,5 ha mắc ca được công ty này đầu tư giống cho dân xã Liên Hà trồng (23 ha) và một số các xã khác như Tân Thanh (7 ha), Đan Phượng (3,5 ha), Tân Hà (11 ha)…
Hướng đi nào cho cây mắc ca?
Cây mắc ca lần đầu tiên được đưa về trồng thử nghiệm ở Tây Nguyên tại gia đình hai anh em - ông Thu và ông Cúc ở Đắk Lắk bằng hạt.
Đặc biệt, vườn nhà ông Cúc có 1 cây lấy hạt ươm cho trái tốt và được nhiều người mua về nhân giống. Nhiều người không biết, lại lấy hạt từ cây vườn nhà ông thu về ươm - nhưng cây không cho trái, cứ thế mới tạo ra nghịch cảnh bây giờ…
Cây mắc ca là giống cây trồng mới được du nhập vào Lâm Đồng từ mười mấy năm trước (Di Linh 2004, Đơn Dương 2006, Di Linh 2009, Lâm Hà 2010…). Đa số bà con trồng tự phát từ nhiều nguồn giống khác nhau, như Úc, Mỹ, Trung Quốc…
Năm 2015, rộ lên chuyện mắc ca quá tuổi mà không đậu trái, cũng là lúc nhiều cảnh báo về cây mắc ca khi diện tích trồng phát triển quá ồ ạt.
Trong năm 2016, nhiều hội thảo đầu bờ do Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, Cty Cổ phần Him Lam, Cty Vinamacca và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt tổ chức thu hút hàng trăm lượt nông dân.
Đa số người dân đến tham dự các hội thảo đều mang đến nhiều tâm tư, đặt ra hàng loạt câu hỏi như: Làm sao để khẳng định cây trồng ra quả? Làm sao để khắc phục tình trạng cây không có quả, không có hạt? Làm sao để tiêu thụ sản phẩm? Làm sao để ổn định về giá nếu cây trồng ồ ạt?...
Ông Trần Đình Sỹ - Chủ tịch UBND huyện Di Linh đặt ra 3 câu hỏi cho Hiệp hội mắc ca là nguồn giống, kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm như thế nào?
Ông Võ Duẩn - Giám đốc Cty Cổ phần Him Lam, thành viên Hiệp hội Mắcca Việt Nam, trả lời: Cty Cổ phần Him Lam thành lập năm 2014 nhằm thực hiện định hướng cung cấp giống mắc ca cho bà con nông dân tại tỉnh Lâm Đồng, xây dựng mô hình phát triển vùng nguyên liệu mắc ca tại tỉnh, tối đa hóa lợi ích của người nông dân; và bao tiêu toàn bộ sản phẩm nguyên liệu mắc ca.
Vuon rong trong loai cay ra “nu hoang qua kho”, san luong “khung” nhat Lam Dong-Hinh-2
Tách hạt mắc ca - công đoạn quan trọng trong sản xuất hạt mắc ca sấy khô. Ảnh: Lê Hoa
Với định hướng, từ năm 2016-2020, triển khai trồng mắcca tại Lâm Đồng; 2021-2030, triển khai trồng mắcca cho toàn vùng Tây Nguyên.
Theo nhận định của Hiệp hội Mắc ca, 4 huyện của Lâm Đồng có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nhất để trồng mắc ca là Bảo Lâm, Bảo Lộc, Di Linh và Lâm Hà; ngoài ra, còn có Đức Trọng, Đơn Dương và Đam Rông cũng trồng được, nhưng không bằng 4 địa phương kia.
Công ty Him Lam xây dựng 2 vườn ươm 50 tỷ đồng, nhà lưới 10 ha ở Tu Tra (Đơn Dương) và 10 ha ở xã Lộc Tiến (Bảo Lộc) sẵn sàng cung cấp cây giống và mắt ghép cho bà con. Năng lực của 2 Cty Vinamacca và Him Lam có thể cung cấp mỗi năm 2 triệu cây giống ghép của 10 loại giống cho Lâm Đồng.
Tuy nhiên, Giáo sư Hoàng Hòe - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, khuyên bà con một cách rất thẳng thắn: “nên chặt béng những cây không có quả đi, trồng lại! Vì thời gian sinh trưởng của cây mới theo giống ghép sẽ bằng với thời gian mắt ghép mới phát triển và cho quả trên cây mẹ.
Thế nhưng, rủi ro là mắt ghép có thể không sống nổi vì không tương thích với cây mẹ do mắc ca là cây đa bội và vấn đề nữa là lấy mắt ghép ở đâu và kỹ thuật ghép như thế nào...”.
Chúng tôi gặp ông Huỳnh Văn Trí - một Việt kiều hồi hương, nay là thành viên Hiệp hội Mắc ca Việt Nam. Từ khi về nước (năm 2012), ông thực hiện dự án ấp ủ trong suốt thời gian dài làm ăn ở Úc trong lĩnh vực nông nghiệp - đó là phát triển dự án mắc ca.
Ông Trí chia sẻ: Nước Úc là quê hương của mắc ca và người Úc rất thích ăn hạt mắc ca. Khi về hưu, tôi đã mời đoàn chuyên gia nông nghiệp Úc sang Việt Nam khảo sát.
Họ khẳng định, khí hậu và thổ nhưỡng vùng đất Khe Sanh (Quảng Trị) hoàn toàn phù hợp với việc trồng mắcca, nên tôi thực hiện dự án đầu tư trồng 1.500 ha mắc ca ở đây và đang xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm từ mắc ca.
Mắc ca là loại hạt quý bởi giàu giá trị dinh dưỡng, cây mắc ca có tuổi đời khai thác khá dài (70-100 năm). Việt Nam với lợi thế nhân công nữa sẽ giúp sản phẩm mắc ca Việt Nam có giá cạnh tranh cao...
Còn ông Jolyon Richard Burnet - Đại diện Hiệp hội Mắc ca Úc lại mang nhiều thông điệp về ngành công nghiệp mắc ca Úc đến bà con nông dân các vùng nguyên liệu mắc ca ở Đam Rông, Di Linh, Bảo Lộc và Bảo Lâm.
Đó là, diện tích trồng mắc ca ở Úc đã phát triển đến 19 ngàn ha, đạt tới con số 6 triệu cây, nhưng chỉ có 650 lao động áp dụng máy móc vào sản xuất. Thời gian trồng mắc ca đến lúc cho quả ở Úc có vẻ dài hơn ở Việt Nam, đất cũng không màu mỡ bằng - tốn nhiều phân hơn.
Trong khi, các vườn cây mắc ca ở Việt Nam đa phần có diện tích nhỏ, số lượng cây nhiều, nhân công thuận lợi. Ngay sau khi thu hoạch xong, bà con nên chuyển quả mắc ca đến ngay cơ sở chế biến để bảo đảm chất lượng của quả mắc ca, tránh để lâu, hạt mắc ca sẽ bị chảy dầu làm giảm chất lượng hạt, giảm giá trị.
Cây mắc ca mới phát triển ở Việt Nam, nên bệnh trên cây mắc ca chưa nhiều, chủ yếu nhiễm bệnh sì mủ lây từ cây cà phê do trồng xen. Sản lượng mắc ca ở Tây Nguyên tốt hơn ở Úc, mùi vị cũng thơm ngon hơn.
Tuy nhiên, cây mắc ca ở Việt Nam còn trẻ, như cơ thể một đứa bé đang lớn, cần có sự định hướng tốt để vượt qua những thách thức của ngành công nghiệp mắc ca thế giới, để trở thành cây trồng bền vững.
Có cả ngàn nông dân đã tham dự các cuộc hội thảo hỗ trợ kỹ thuật canh tác mắc ca của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, nhưng đa số họ là người chưa trồng mắc ca và có nhu cầu trồng mắc ca xen cà phê.
Vấn đề họ quan tâm lớn nhất là chất lượng giống và thị trường tiêu thụ hạt. Bức tranh về chất lượng giống mắc ca 4-5 năm trước đang là bức xúc của những người có hàng trăm cây mắc ca “điếc” và là ám ảnh của những người dự định trồng mắc ca.
Ông K’Sĩ ở xã Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông), dù chưa trồng cây mắc ca nào, nhưng tham dự đầy đủ các buổi tư vấn kỹ thuật trồng mắc ca từ Lâm Hà cho đến Di Linh, chỉ với mong muốn tìm được lời giải là những giống mắc ca nào thực sự tốt và phù hợp để trồng cùng nhau nhằm thuận lợi cho cây thụ phấn chéo, mà vẫn bảo đảm chất lượng quả - hạt - nhân đồng đều.
Ông Sĩ và nhiều gia đình nông dân khác cũng quan tâm đến nguồn vốn tín dụng mắc ca của ngân hàng để bảo đảm nguồn vốn cho việc triển khai trồng mắc ca.
Ngày 5/6/2016, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đưa ra gói tín dụng mắc ca và cam kết bảo hiểm tiền vay đối với cây mắc ca lấy giống từ hai Công ty Him Lam và Vinamacca, trị giá 11 ngàn tỷ đồng tại tỉnh Lâm Đồng, trong đó, 10 ngàn tỷ đồng là gói hỗ trợ trực tiếp cho nông dân trồng mắc ca, với thời gian cho vay lên đến 10 năm và thời gian ân hạn lên đến 5 năm.
Bà Lê Thị Kim Anh - Giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chi nhánh Lâm Đồng chia sẻ: Chúng tôi là ngân hàng đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này cung cấp tín dụng mắc ca, phương thức trả nợ linh hoạt, cho phép người vay được trả trước hạn và ưu tiên cho hộ gia đình, cá nhân.
Vĩ thanh
Việc Hiệp hội Mắc ca, Công ty CP Him Lam, Công ty Vinamacca và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt thông tin đầy đủ để bà con có nhận định đúng về cây mắc ca, tạo niềm tin cho bà con, để bà con mạnh dạn đầu tư vào trồng mắc ca là những bảo đảm mới và tín hiệu vui thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất mắc ca và góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
Hy vọng cây mắc ca ở Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng thực sự trở thành cây làm giàu chứ không phải cây “mắc nợ”.
Và triển vọng về thủ phủ mắc ca Lâm Đồng thực sự đưa cây mắc ca trở thành cây trồng bền, sản phẩm hạt mắc ca thực sự cũng là “nữ hoàng” của các loại hạt ở Việt Nam.
Theo Lê Hoa / Báo Lâm Đồng